Nghi án về đường dây lừa đảo, kiếm tiền tỷ nhờ bán ‘lan đột biến’…gắn keo 502

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nam miền Nam
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN -  Các đối tượng dùng keo 502 gắn phi điệp tím thường giá trị thấp với thân lan loại HO, vốn được xác định giá bán cao.

Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ vừa thực hiện biện pháp tố tụng đối với các đối tượng Đinh Văn Đô (SN1999), Đinh Văn Sự (SN 1989), Bùi Văn Điệp (SN 1996), cùng trú ở huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình, để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng trong vụ án

Các đối tượng trong vụ án

Kết quả điều tra xác định, ngày 24-11, Công an huyện Tân Sơn nhận được tố giác của anh Nguyễn (SN 1982, tại xã Tân Phú, huyện Tân Sơn) về việc ngày 9-11, qua mạng xã hội, anh thỏa thuận mua 1 giò lan loại đột biến HO với giá 303 triệu đồng của một người tự xưng tên là Dũng ở Mỹ Đức – Hà Nội. Người này sử dụng tài khoản facebook “Anh Lanh Vườn Lan”, và yêu cầu anh Nguyễn đặt cọc 2 triệu đồng, chuyển vào tài khoản ngân hàng.

Khoảng 19h cùng ngày, có một lái xe taxi mang giò lan đến nhà anh Nguyễn. Sau khi trao đổi lại qua điện thoại, Dũng giảm cho anh Nguyễn giá bán xuống còn 290 triệu đồng. Dũng yêu cầu anh Nguyễn đưa 274 triệu đồng cho người lái xe taxi, và chuyển 14 triệu đồng vào tài khoản, nhưng anh Nguyễn chưa thực hiện.

Mấy hôm sau, anh Nguyễn phát hiện gốc giò lan bị dùng keo dính dán lại; trong giò lan chỉ có 1 thân lan loại HO, còn lại là phi điệp tím thường giá trị thấp. Anh Nguyễn tìm cách liên lạc với Dũng qua số điện thoại và nick facebook “Anh Lanh Vườn Lan”, “Điệp Láo” nhưng không được.

Xác lập chuyên án điều tra, Cơ quan CSĐT Công an huyện Tân Sơn đã làm rõ và bắt giữ các đối tượng liên quan, là Đinh Văn Đô, Đinh Văn Sự và Bùi Văn Điệp.

Cùng với việc đấu tranh làm rõ hành vi lừa đảo đối với anh Nguyễn, cơ quan Công an còn xác định từ đầu năm 2020, các đối tượng trên đã thực hiện trót lọt nhiều vụ lừa đảo bán lan đột biến, chiếm đoạt khoảng 1 tỷ đồng của nhiều người tại nhiều địa phương.

“Lan đột biến HO” là giống lan mang tên tắt chữ cái của vợ chồng nghệ nhân chơi lan ở TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình. Chia sẻ với báo chí, vợ chồng nghệ nhân trên cho biết: dòng lan đột biến HO được vợ chồng họ chị tình cờ mua được ở huyện Kim Bôi (Hòa Bình) 15 năm trước.

Chăm sóc một thời gian, cây xổ hoa rất lạ, không giống như các loại phi điệp thông thường. Hoa có 2 cánh, trắng trong, mắt đỏ chứ không tím như phi điệp thường.

Những năm đầu, vợ chồng nghệ nhân nhân giống, tách mầm và tặng người cùng chơi lan. Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, dòng lan HO bỗng nhiên sốt giá, mỗi mầm cây nhỏ như đốt tay đã có giá hơn chục triệu đồng. Giò lan HO từng được bán giá cao nhất lên đến gần 800 triệu đồng; khách mua là một người ở TP.HCM. Tuy nhiên, chính vợ chồng nghệ nhân trên cũng băn khoăn khi những giò lan mà họ phát hiện và đặt tên lại có giá tới cả tỷ đồng. Thậm chí trên mạng xã hội, có nhiều tài khoản bán lan tự nhận là con, cháu của nghệ nhân, trong khi "Vợ chồng tôi chỉ có 2 con, và không cháu nào bán lan cả”, nghệ nhân O chia sẻ với báo chí.