Nghèo thì luẩn quẩn

ANTĐ - Dự thảo viện phí mới do Bộ Y tế xây dựng đã hơn 1 năm và nhiều lần sửa đổi, đưa ra lấy ý kiến dư luận. Đối với nội bộ ngành y tế mà nói, đây là một đề án mà toàn ngành đang rất mong chờ với sự đồng thuận cực lớn trong đội ngũ cán bộ công nhân viên chức.Vấn đề ở đây không hẳn chỉ vì tăng viện phí để tăng… tiền cho họ.

Ngược lại, hầu hết dư luận xã hội đến thời điểm này đều lo ngại tăng viện phí. Nhiều người không ngần ngại nói thẳng rằng, viện phí tăng là làm khổ thêm dân, bởi ai cũng biết đa phần dân ta còn nghèo, đặc biệt là người bệnh. Với họ, mức viện phí hiện tại cũng đủ khiến nhiều người… không dám “bệnh”, huống hồ viện phí tăng lên đến vài, thậm chí vài chục lần. Đấy là chưa kể những tiêu cực trong ngành y tế như nằm ghép, chất lượng dịch vụ hay y đức của y bác sĩ chắc gì đã thay đổi khi viện phí tăng?

Mới đây, tôi nhận được một bài phân tích khá ấn tượng của một bác sĩ là trưởng một khoa của BV Bạch Mai về vấn đề này: “Nhiều người nói tăng viện phí là giết dân nhưng tôi thấy tăng viện phí có thể lại là một cú hích để giúp dân. Người dân nước ta còn nghèo, mà nghèo thì hay… luẩn quẩn.

Vì sao nói vậy? Thứ nhất, viện phí thấp thì quỹ phúc lợi cho y tế nghèo, tiêu cực phát sinh và chất lượng điều trị kém. Thứ hai, bảo hiểm y tế (BHYT) là cứu cánh cho người bệnh, điều trị bằng BHYT là xu hướng tất yếu của thế giới. Hiện viện phí thấp, người khỏe mạnh, có sức lao động, các cơ quan, doanh nghiệp trốn không tham gia BHYT (số này chiếm gần 40%) vì chẳng mấy khi họ phải đi viện và tiền viện phí với họ không quá đáng ngại.

Do đó, người tham gia BHYT toàn là… người bệnh, quỹ BHYT, phúc lợi xã hội thấp (do ít người tham gia) nên quyền lợi từ nguồn BHYT mà họ được hưởng ắt phải hạn hẹp (chỉ được hưởng 80%, 90% chứ không được 100%). Nếu viện phí tăng sẽ đẩy nhanh thực hiện BHYT toàn dân và khi đó, quỹ BHYT sẽ đủ sức để hỗ trợ cao nhất cho người bệnh…”.

Y tế và giáo dục là 2 lĩnh vực thể hiện tính ưu việt của chế độ xã hội. Tất nhiên nhà nước nào cũng muốn người dân được hưởng phúc lợi cao nhất trong 2 lĩnh vực này. Nhưng muốn được như vậy cần có các giải pháp đồng bộ và có… tầm nhìn. Nếu ngành y tế trả lời tốt, hợp tình hợp lý các câu hỏi từ người dân và dư luận về “vì sao tăng viện phí?”, nhất là cam kết thực hiện tốt đòi hỏi từ xã hội khi viện phí được tăng lên, có lẽ bài toán nan giải này sẽ tìm được đáp số chung.