Nghèo mà đua đòi!

ANTĐ - Cho đến lúc này, câu chuyện có hay không đăng cai ASIAD 18 với Việt Nam vẫn chưa ngã ngũ. Nhưng với tình hình hiện tại, chúng ta đang ở rất gần “bẫy nợ”.

Nghèo mà đua đòi! ảnh 1
Những hạng mục như sân xe đạp lòng chảo kể cả khi được tài trợ 
sẽ tiêu tốn rất nhiều tiền


ASIAD dù chỉ là một Đại hội của châu lục, nhưng xét về danh tiếng và tầm ảnh hưởng, chỉ đứng sau Olympic và World Cup. Thế nên, việc Việt Nam giành được sự tín nhiệm của Hội đồng Olympic châu Á (OCA) trong việc trao quyền đăng cai Đại hội này là một niềm vinh dự và tự hào lớn. Tuy nhiên, đằng sau đó là cả một gánh nặng khổng lồ có thể nhìn thấy được, nếu chúng ta phải “gồng mình” lên để chứng tỏ rằng Việt Nam đủ tiềm lực về kinh tế để tổ chức những sự kiện như vậy. 

150 triệu USD (khoảng hơn 3.000 tỷ đồng) là con số dự kiến để tổ chức ASIAD 18, nhưng những nhà tổ chức có kinh nghiệm cho biết, chi phí thực tế cho một sự kiện cỡ Á vận hội sẽ lớn hơn thế. Ví dụ năm 2002, Hàn Quốc “chỉ” dự trù kinh phí cho ASIAD 14 khoảng 167,4 triệu USD, nhưng sau đó tổ chức hết… 2,9 tỷ USD. Trung Quốc năm 2010 dự kiến khoảng 317,8 triệu USD cho ASIAD 16, nhưng sau đó phải chi một con số “siêu khủng” là 17 tỷ USD. Thế nên, ngay cả khi có chủ trương tiết kiệm hết mức, tận dụng tối đa các công trình sẵn có, hạn chế xây mới và chỉ cải tạo… thì người ta vẫn không tin con số để tổ chức ASIAD 18 ở Việt Nam chỉ dừng lại ở mức 150 triệu USD.

Không đâu xa, ở SEA Games 22 năm 2003, Việt Nam dự trù kinh phí ban đầu để tổ chức là 90 triệu USD. Tuy nhiên, con số thực chi lên tới 300 triệu USD, để rồi nhiều công trình phục vụ sự kiện này sau đó không được khai thác triệt để, sử dụng với mục đích khác, gây lãng phí lớn. Như khu liên hợp thể thao Mỹ Đình, ngoài sân Mỹ Đình thi thoảng còn tổ chức vài trận bóng đá, vài sự kiện ca nhạc, thì hầu như các hạng mục quanh sân đều đang được sử dụng với mục đích khác, như mở quán bar, điểm massage, nhà hàng… Hay như công trình Cung điền kinh trong nhà xây lên để phục vụ cho Asian Indoor Games 2009, tiêu tốn hơn 540 tỷ đồng nhưng chỉ phục vụ vỏn vẹn trong 2 tuần của Đại hội, sau đó đường chạy được thay thế bằng… sân tennis để cho thuê.

Đến đây, người ta càng thấy sự thiếu khả thi trong việc đăng cai ASIAD 18 của Việt Nam. Bởi nếu như những công trình cho SEA Games chỉ phục vụ cho 11 nước Đông Nam Á, thì những cơ sở hạ tầng phục vụ cho ASIAD sẽ phục vụ cho hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ ở châu Á, với những đòi hỏi về chất lượng hoàn toàn khác. Ví dụ làng VĐV phải được xây mới theo tiêu chuẩn 4 sao, phải có sân hockey trên cỏ, sân xe đạp lòng chảo, hay trường đua ngựa… Trong tình trạng bất động sản ở Việt Nam đang “đóng băng” như hiện nay, thì việc làng VĐV khi sử dụng xong sẽ bán lại như bất động sản được cho là phương án mơ hồ. Trong khi đó, những công trình như hockey trên cỏ (hoàn toàn xa lạ với người Việt) hay trường đua ngựa sau khi phục vụ ASIAD xong sẽ được sử dụng với mục đích gì, hay lại lay lắt như khu liên hợp Mỹ Đình?

Kinh tế Việt Nam vừa trải qua năm thứ 6 ở tình trạng tăng trưởng dưới mức tiềm năng. Bên cạnh đó, nhiều công trình hạ tầng giao thông còn chưa phát triển theo kịp sự phát triển của dân số, thậm chí, ở nhiều nơi, người dân còn phải đu dây để qua sông, học sinh, giáo viên phải chèo thuyền trong mùa lũ để đến trường… thì con số hàng nghìn tỷ đồng bỏ ra để tổ chức ASIAD rồi sau đó (chắc chắn) sẽ lỗ khiến dư luận không thể không lo lắng và tỏ thái độ không đồng tình. Sự kiện Việt Nam đăng cai ASIAD 18 khiến người ta liên tưởng đến một anh chàng chưa giàu có, nhưng lại có tinh thần đua đòi, để rồi sau đó phải chịu cảnh nợ nần ngập đầu ngập cổ.  

Nợ “ngập đầu” sau đại hội 

Kinh nghiệm cho thấy các nước đăng cai 2 giải đấu lớn nhất thế giới là ASIAD và Olympic đều lỗ nặng, rơi vào cảnh nợ nần sau mỗi kỳ đại hội. Hy Lạp vỡ nợ sau khi “đốt” 18,22 tỷ USD cho Olympic Athen 2004, giờ phải bán tống bán tháo các công trình, nhà thi đấu, sân vận động để trả nợ. Canada sau 30 năm kể từ sau ngày tổ chức Olympic 1976 vẫn chưa thanh toán hết chi phí tổ chức 1,2 tỷ USD (tương đương 14 tỷ USD hiện tại). Giỏi như Hàn Quốc - quốc gia dày dạn kinh nghiệm trong các lần tổ chức ASIAD, Olympic, World Cup - cũng đang nợ ngập đầu do kinh phí tổ chức ASIAD 2014 tại thành phố Incheon đội lên hơn dự kiến, và còn tiếp tục tăng khi 5 tháng nữa ASIAD mới khai mạc.

Họ đã nói…


Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng): Kinh phí đội lên, ai chịu trách nhiệm?

Các kỳ ASIAD tại Doha (Qatar), Quảng Châu (Trung Quốc), Incheon (Hàn Quốc) đều thực chi từ hơn 1 tỷ USD đến gần 20 tỷ USD. Bộ VH-TT&DL khẳng định 150 triệu USD là đã đủ (?). Nếu tới đây tổ chức ASIAD 18 mà số tiền đội lên gấp nhiều lần thì lấy nguồn đâu ra, ai chịu trách nhiệm?

Nguyên Bộ trưởng - Chủ nhiệm Uỷ ban TDTT Hà Quang Dự: Không nên bất chấp tất cả để đăng cai 

Tôi vẫn giữ quan điểm là trước sau Việt Nam cũng phải đăng cai ASIAD, nhưng phải chọn thời điểm hợp lý, không nên bất chấp tất cả. Trước đây Hàn Quốc, Singapore cũng đã từng từ chối ASIAD sau khi nhận được quyền đăng cai. Việt Nam cũng có thể xem xét khía cạnh đó. 

Nguyên Vụ trưởng Vụ thể thao thành tích cao Nguyễn Hồng Minh: 150 triệu USD tổ chức ASIAD là không tưởng

Việc ngành TDTT đưa ra con số 150 triệu USD để đăng cai ASIAD là con số không tưởng. Với kinh nghiệm của tôi, số tiền tối thiểu phải gấp 7-8 lần, tức là 1 tỷ USD, mà vẫn còn khó khăn. Chúng ta có 80% số cơ sở vật chất, nhưng chỉ là cái xác nhà, không thể cứ thế mà đưa vào sử dụng. Thực tế, hệ thống cơ sở vật chất chúng ta mới chỉ đáp ứng được 20%.