Cột điện, dây cáp bùng nhùng giữa phố (2)

Nghênh ngang cột điện

ANTĐ - Gây bức xúc hơn cả câu chuyện bó cáp luộm thuộm trên phố là những hàng cột điện nghênh ngang trên đường giao thông xuất hiện ngày càng nhiều, nhưng việc di dời chúng đến địa điểm khác dường như không đơn giản.
 

Chia một làn đường làm hai, cột điện còn được tận dụng treo biển quảng cáo


Thủ phạm gây tai nạn

Nếu như ở nhiều tuyến đường: cầu Diễn, Nguyễn Khang, Lê Hồng Phong... mặt đường chưa được cải tạo, mở rộng, hệ thống cột điện cũ xiêu vẹo nằm bám sát mép đường hoặc lấn chiếm vỉa hè thì tại một số tuyến đường mới được mở rộng, những cột bê tông cũ này lại sừng sững đứng giữa đường giao thông. Điển hình như trên đường Hồ Tùng Mậu, đoạn đối diện Đại học Thương mại. Hàng chục cột bê tông cũ đứng giữa làn đường bên phải, phía đi từ cầu vượt Mai Dịch xuống cầu Diễn từ nhiều tháng nay. Mặt đường mở rộng cơ bản hoàn thành, nhưng người tham gia giao thông có cảm giác đường không hề được mở rộng, bởi hàng cột điện chia đôi làn đường một chiều này thành... hai! Kèm theo đó là hệ thống dây cáp rối rắm “lộn tùng phèo”, sát đầu người tham gia giao thông.

Chị Khuê - bán nước bên cổng trường Đại học Thương mại cho biết: “Ngày nào ở đoạn đường này cũng có va chạm giao thông. Khi thì người đi xe máy giật mình với cái cột điện sừng sững trước mặt, tránh vội nên va quệt xe khác. Lúc lại có người đâm thẳng vào cột điện. Lại có cả người đang đi hoảng hốt vì dây cáp bỗng dưng rơi vào người”.

Anh Quy - người dân sống ở tổ dân phố 43 Mai Dịch nói: “Cứ để ý dưới mặt đường thì thấy có không ít mảnh nhựa vỡ của yếm, thân xe máy hay mấy chiếc dép, chiếc giày vung vãi là thấy đoạn đường này hay xảy ra tai nạn. Lỗi chủ quan thì do người lái xe bất cẩn, nhưng cũng khó mà tránh cả hàng cột điện làm “chướng ngại vật” kia. Hàng cột điện này chính là thủ phạm gây tai nạn”.

Theo ghi nhận của PV ANTĐ, đoạn đường này vốn có rất đông người tham gia giao thông và trước đây cũng thường xuyên xảy ra tai  nạn. Mục đích mở rộng đường vì muốn giảm ùn tắc, nhưng thực tế cho thấy, mục tiêu này chưa được thực hiện là bao thì những vụ tai nạn do va chạm với cột điện lại xảy ra và có chiều hướng gia tăng bởi nhiều trường hợp, người lái xe thấy đường mở rộng lại chủ quan hơn trong điều khiển phương tiện.

Cột điện chênh vênh giữa đường còn xuất hiện ở phố Trung Kính, gần đoạn nối với đường nối Lê Thái Tông… gây nguy hiểm cho người điều khiển phương tiện.

Cột điện phải di dời trước

Mở rộng đường Trung Kính xong, cột điện sẽ được di dời?

Đó là ý kiến của ông Trần Đăng Hải - Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT Hà Nội. Theo ông Hải, với tất cả các dự án làm đường, mở rộng hay nâng cấp, Sở GTVT đều thông báo cho tất cả các đơn vị có liên quan cùng phối hợp thực hiện. Theo đó, đối với các cột điện, hay hạ ngầm đường dây, đều có thông báo cho phía điện lực để phối hợp, di dời cột điện, trụ điện hay hạ ngầm đường dây. “Về lý, lẽ ra các công việc đó phải làm trước để có mặt bằng sạch cho đơn vị thi công, nhưng, nếu chờ như vậy thì rất lâu, nên trong quá trình làm, phía Sở GTVT thấy có mặt bằng đến đâu là làm đến đấy, để không bị chậm tiến độ” - ông Hải nói. Và, cũng bởi vậy sự chậm trễ di chuyển mới dẫn tới tình trạng các cột điện, trụ điện chình ình giữa đường, cản trở giao thông. Tuy nhiên, tùy từng dự án, mà trách nhiệm di chuyển cột điện sẽ thuộc về các cấp, ngành khác nhau.

Ông Hải lấy ví dụ, đối với hàng cột điện giữa đường trên Quốc lộ 32 đoạn qua địa phận huyện Từ Liêm, UBND huyện đã họp cùng Sở GTVT thống nhất giao việc chuyển các cột điện thuộc về chính quyền địa phương. Theo đó, UBND huyện Từ Liêm phải có trách nhiệm đôn đốc Điện lực Từ Liêm chuyển các cột điện vào vị trí an toàn. Song, cho đến nay, công việc này vẫn chưa được thực hiện, dẫn đến tình trạng hàng loạt cột điện nằm giữa đường giao thông, vừa cản trở, vừa ngây nguy hiểm cho người tham gia giao thông.

Trên thực tế, phía điện lực muốn di dời các cột điện cũng không phải chuyện đơn giản bởi di dời cột điện phải kèm theo việc di chuyển đường dây, mắc nối lại, mà dây treo trên cột lại của rất nhiều đơn vị khác nhau. Mặt khác, cần tìm địa điểm để chuyển cột đến cho hợp lý cũng như chuẩn bị về kinh phí. Bên cạnh đó là sự phối hợp chỉ đạo ráo riết của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, nếu phía điện lực không chủ động mà cứ “vin” vào cớ này, chần chừ để cột điện “đứng như trời trồng” giữa đường thì cơ quan chức năng cần có biện pháp nhắc nhở, xử lý quyết liệt.