Nghẹn cổ vì... trà chanh

ANTĐ - Bạn Nguyễn Duy Phong (đường Giải Phóng, Hai Bà Trưng, Hà Nội) bức xúc sau một buổi tối đi dạo phố cổ.

- Đưa bạn gái đi chơi, sao lại bực tức thế?

- Không bức xúc sao được, bọn em sinh viên đâu có nhiều tiền mà đi xem phim, nghe nhạc… chỉ đi trà đá vỉa hè, nhưng đi đâu cũng bị “chém” đẹp.

- Sao không mua sẵn chai nước, vừa đi tản bộ, hóng gió lại tiện.

- Lúc đầu hai đứa em định ra hồ Trúc Bạch hóng gió, đi bên bờ hồ, thấy ghế đá nào cũng để sẵn quả dừa. Thì ra họ “chiếm dụng” ghế để bán nước, những 40.000 đồng một quả, thà cứ đi bộ ngắm hồ cho “lành”.

- Nước dừa mà vẫn còn “quý tộc” thì sao hai em không uống trà đá, trà chanh? Những quán đấy vẫn chuyên dành cho sinh viên, học sinh mà.

- Thì những người học ở Hà Nội lâu rồi mới biết những quán đó. Từ hồ Trúc Bạch về vỉa hè Đinh Tiên Hoàng, 2 đứa ngồi một quán trà đá: một quả xoài xanh, 2 cốc trà đá mà thanh toán hết 70.000 đồng. Tức không chịu được, chưa kể khi ra lấy xe mới biết 10.000 đồng một xe máy. Ở SVĐ Mỹ Đình cũng thế, uống trà đá mà không hỏi trước thì họ cứ “thịt” 10.000 đồng một cốc.

- Nước nôi, trà đá mà cũng phải dè dặt thế này, chắc ăn sáng cũng phải tiết kiệm lắm nhỉ?

- Em cũng đi làm thêm nên không phải quá chắt bóp. Đi làm mới thấy, giá cả hàng quán ăn, uống, dịch vụ ở Hà Nội quá đắt so với giá trị sức lao động họ bỏ ra. Thích tăng kiểu gì thì tăng, tăng vô tội vạ. Đấy là chưa kể những dịp lễ, tết, xăng tăng, lương tăng… thì hàng ăn hàng uống có mà tăng gấp đôi gấp 3. Ngành dịch vụ nước ta chiếm tỷ trọng khá lớn, nếu cứ làm ăn kiểu này thì sẽ mất hết, khách du lịch thì “một đi không trở lại”, còn người dân lao động sẽ đề phòng hơn. Thà cứ nấu ăn ở nhà, vừa vệ sinh, lại ngon, bổ, rẻ.