Nghệ thuật tối kỵ sự “bắt chước”

(ANTĐ) - Xiếc có sự đặc thù nghề nghiệp, phải nhìn thấy con người rồi mới xây dựng vở diễn. Điều này nói như quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “nhìn người mà đặt việc” chứ không phải từ việc để xếp người, khi đó mới tránh được sự miễn cưỡng, mà miễn cưỡng thì khó đạt đến được đỉnh cao… NSƯT Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ.

NSƯT Vũ Ngoạn Hợp:

Nghệ thuật tối kỵ sự “bắt chước”

(ANTĐ) - Xiếc có sự đặc thù nghề nghiệp, phải nhìn thấy con người rồi mới xây dựng vở diễn. Điều này nói như quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đó là “nhìn người mà đặt việc” chứ không phải từ việc để xếp người, khi đó mới tránh được sự miễn cưỡng, mà miễn cưỡng thì khó đạt đến được đỉnh cao… NSƯT Vũ Ngoạn Hợp, Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ.

PV: Thưa NSƯT Vũ Ngoạn Hợp. Nghệ sỹ có thể cho biết nhân dịp Tết Tân Mão 2011, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có chương trình biểu diễn đặc biệt nào phục vụ khán giả không?

Những ngày lễ lớn hoặc ngày tết, Liên đoàn Xiếc Việt Nam luôn có những chương trình xiếc tổng hợp để phục vụ khán giả và năm nay cũng không ngoại lệ. Tết năm nay cũng là dịp Liên đoàn Xiếc Việt Nam kỷ niệm 55 năm ngày thành lập, do đó từ ngày 14 - 16/01/2011, tại Thủ đô Hà Nội, chúng tôi sẽ tổ chức Gala Xiếc toàn quốc hội tụ nhiều tài năng xiếc với những tiết mục đặc sắc đã từng đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế.

Ngoài chương trình biểu diễn tại Hà Nội, Liên đoàn Xiếc Việt Nam còn xây dựng một chương trình xiếc biểu diễn tại Hải Phòng và một số địa phương khác. Đặc biệt, năm nay chúng tôi sẽ tổ chức 20 buổi biểu diễn miễn phí phục vụ bà con vùng sâu, vùng xa trong dịp Xuân Tân Mão 2011.

PV: Vậy ở Thủ đô Hà Nội, Liên đoàn Xiếc Việt Nam có các chương trình biểu diễn nào dành riêng cho các em nhỏ và người khuyết tật trong dịp Tết không, thưa nghệ sỹ?

Hàng tuần chúng tôi đều có những buổi biểu diễn dành riêng cho các em nhỏ, được tổ chức vào các buổi sáng chủ nhật hàng tuần với giá vé ưu đãi giảm chỉ còn 50%, kể cả người lớn.

Còn đối với người khuyết tật, chúng tôi lại có chính sách khác: hoặc là về tận cơ sở chăm sóc người khuyết tật để biểu diễn phục vụ hoặc là mời họ đến xem các chương trình tại rạp. Ngoài ra, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng phối hợp với các đơn vị như: Làng trẻ SOS, Hội Người mù, Hội Chữ thập đỏ… tổ chức cho người khuyết tật được xem các chương trình biểu diễn, nhưng đồng thời cũng phối kết hợp với những tổ chức đó để phân phối vé, từ đó có thêm nguồn tài chính giúp đỡ cho các hoạt động chăm sóc người khuyết tật.

PV: Xiếc Việt Nam có nội dung phong phú và kỹ thuật biểu diễn tốt tuy nhiên điểm yếu của Xiếc Việt là nghệ thuật biểu diễn, nghệ sỹ đánh giá như thế nào về điều này? Và các tiết mục năm nay có vượt khỏi được điều đó?

Những tiết mục được chọn lựa biểu diễn trong dịp Tết Tân Mão đều đã đạt nhiều giải thưởng quốc tế và trong nước, vì vậy về kỹ thuật đương nhiên phải đạt chuẩn, còn về nghệ thuật biểu diễn cũng phải đạt đến trình độ nhất định.

Tuy nhiên, đây cũng là một vấn đề mà chúng tôi rất trăn trở. Chúng ta biết rằng Xiếc là bộ môn nghệ thuật có ngôn ngữ là hình tượng động tác nghệ thuật - đó là ngôn ngữ chung của nghệ thuật Xiếc. Vậy phải làm sao để có bản sắc riêng của Xiếc Việt? Phải đưa hồn Việt, đưa văn hoá Việt vào các tiết mục biểu diễn.

Thời gian qua, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng đã xây dựng nhiều chương trình xiếc mới, đặc biệt là chương trình xiếc “Làng tôi” được xây dựng theo chủ đề cây tre, với ngôn ngữ chủ đạo là tre. Chương trình này đã biểu diễn nhiều nơi trên thế giới, đạt được nhiều thành công rất lớn, được thế giới ghi nhận. Đến nay, “Làng tôi” đã kín lịch diễn đến hết năm 2011 và nửa đầu năm 2012. Đây là tín hiệu đáng mừng cho Xiếc Việt. Tôi cho rằng, nếu chúng ta đầu tư đúng hướng, biết đưa cái hồn văn hoá vào các chương trình nghệ thuật biểu diễn xiếc thì các tiết mục của chúng ta sẽ được khán giả đón nhận nhiệt tình.

PV: Có những tiết mục tồn tại rất lâu trên sân khấu, để lại được nhiều ấn tượng tốt đẹp trong lòng khán giả. Vậy, khi những nghệ sỹ đó “nghỉ hưu” thì sự thay thế đó như thế nào thưa nghệ sỹ?

Thực ra không phải không có người thay thế, bởi một tiết mục có thể có rất nhiều người tập, nhưng mỗi người lại có cách biểu diễn khác nhau, trở thành thương hiệu riêng của cá nhân (ví dụ như “chàng Thạch Sanh” Tống Toàn Thắng). Có người cả cuộc đời chỉ có một tiết mục gắn liền với mình thành một “thương hiệu” riêng. Vì vậy, người khác nếu thực hiện thì phải biểu diễn khác đi chứ không lặp lại tiết mục của người đi trước, bởi trong nghệ thuật tối kỵ sự “bắt chước”.

PV: Liên đoàn Xiếc Việt Nam có thực hiện một số chương trình kịch xiếc, nghệ sỹ có thể chia sẻ đôi điều về nội dung này không?

Liên đoàn Xiếc Việt Nam đã xây dựng nhiều chương trình như “Làng tôi”, “Sơn tinh, Thuỷ tinh”, “Alibaba và 40 tên cướp”, “Đám cưới chuột”… Tuy nhiên đó là tên do mọi người đặt chứ thực ra chúng tôi chưa gọi là kịch xiếc, mà gọi là xiếc mới, bởi khi đã gọi là kịch xiếc, nó phải có đầy đủ sự kiện, phải có cao trào, thắt nút, mở nút… tức là phải đáp ứng niệm luật của bộ môn kịch. Sân khấu xiếc lại khác, nó có đầy đủ điều kiện cho tất cả các bộ môn nghệ thuật phù trợ khác được khoe tài. Nhưng, dù là loại hình xiếc nào chăng nữa (xiếc ảo thuật, xiếc thú, xiếc múa, xiếc nhạc, xiếc hài, xiếc kịch…) thì xiếc phải là là yếu tố đầu tiên, tức là phải có ngôn ngữ xiếc làm chủ đề. Đó mới là nghệ thuật Xiếc.

PV: Xin cảm ơn NSƯT Vũ Ngoạn Hợp.

Song Nguyên (thực hiện)