"Nghệ thuật" thao khuyển sư

ANTD.VN - Câu chuyện về lòng yêu nghề của những huấn luyện viên tại Trung tâm huấn luyện chó dân sự K9 sẽ cho chúng ta thấy những con người dám dấn thân vì niềm yêu thích chó và luôn mong muốn chó trở thành người bạn trung thành của chủ.

Trung tâm huấn luyện chó dân sự K9 nằm khá xa khu vực dân cư sinh sống và sát một khu đất rộng đã san nền. Anh Hạ Đạt Hảo, Trưởng nhóm huấn luyện viên làm việc tại trung tâm đón tôi ngay ngoài cổng với nét mặt rạng rỡ. Từ cổng trung tâm, tôi theo anh Hảo qua một vuông đất lớn quây rào, bên trong có đến 50 chú chó đang vui đùa. Thấy người lạ, chúng đua nhau sủa inh ỏi. Thế nhưng, anh Hảo chỉ quát một tiếng “Im” đanh gọn, tất cả im bặt, mắt vẫn dõi theo bước chân khách vào tận sân trong. 

"Nghệ thuật" thao khuyển sư ảnh 1Anh Hạ Đạt Hảo với chú chó ta được chủ gửi đi lớp huấn luyện

Yêu chó, sống bằng nghiệp huấn luyện 

Anh Hạ Đạt Hảo kể về cái nghề huấn luyện chó đến với anh như duyên trời định. Sinh năm 1975, quê tại Sơn Tây, khi còn đi học, anh Hảo đã yêu các loại vật nuôi đặc biệt là chó. Thời ấy, các loài chó nhập từ nước ngoài về Việt Nam rất hiếm, anh phải tìm một chú chó giống Phú Quốc để nuôi. Chú chó này gắn bó với anh một thời gian khá lâu và luôn được hàng xóm xung quanh yêu mến bởi sự thông minh, lanh lợi, biết vâng lời. Tất cả những điều đặc biệt ở chú chó này đều do anh Hảo kiên trì luyện tập. Trong thời gian vào quân ngũ từ năm 1994 đến 1997, anh thất lạc chú chó này. 

Năm 1998 vừa ra quân, chưa tìm được việc làm, anh Hảo được một người thân trong gia đình giới thiệu về làm việc tại Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ Trâu Quỳ. Sẵn có niềm yêu thích, anh nhận lời làm việc tại đây. Khi ấy, anh cũng không ngờ rằng công việc sẽ gắn bó với mình cho đến nay. Thời gian đầu, Trung tâm huấn luyện chó nghiệp vụ Trâu Quỳ mời cán bộ huấn luyện chó nghiệp vụ của Bộ Công an, Bộ đội Biên phòng về giảng dạy, đào tạo huấn luyện viên. Anh Hảo cho biết, kinh nghiệm huấn luyện nghiệp vụ của anh hiện nay dựa trên nền kiến thức của các thầy trong lực lượng Công an và Quân đội có từ đó.

Yêu chó, sống bằng nghiệp huấn luyện, ngày 1-1-2017, anh Hảo quyết định một bước đi táo bạo, tự thành lập Trung tâm huấn luyện chó dân sự K9 do chính mình quản lý, thuê đất và xây dựng. Trung tâm nằm cuối con đường 237 Ngô Xuân Quảng, thị trấn Trâu Quỳ, Gia Lâm, Hà Nội. Mọi công việc từ san nền, xây dựng chuồng trại đều do tự tay các huấn luyện viên làm. Ngoài ra còn phải đầu tư trang thiết bị huấn luyện như áo huấn luyện viên, áo tập tấn công cho “quân xanh”, găng tay, cổ dề điện phục vụ huấn luyện, còi, dây xích... Hiện nay trung tâm của anh Hảo quy tụ được 5 huấn luyện viên, 1 bác sĩ thú y. Họ đều còn rất trẻ và có niềm đam mê nuôi chó mãnh liệt. 

Trung tâm của anh Hảo còn tham gia với Hội những người yêu chó Việt Nam để thường xuyên chia sẻ thông tin và kinh nghiệm. Hội vừa tổ chức một khóa huấn luyện chó tại Thanh Hóa và mời thầy Bert Kikert, chuyên gia huấn luyện chó cảnh sát Hà Lan giảng dạy. Anh Hảo được mời tham gia trao đổi kinh nghiệm lớp tập huấn này.

Bật mí về tên Trung tâm huấn luyện chó dân sự K9, anh Hảo cho biết, K9 là từ quốc tế dùng chung cho các loài chó đã được cấp chứng nhận qua đào tạo nghiệp vụ để trở thành chó cảnh sát (police dog) hay chó làm việc (working dog). Đến với nghề từ huấn luyện loại chó này nên anh quyết định lấy ký hiệu K9 làm kỷ niệm.

"Nghệ thuật" thao khuyển sư ảnh 2Các huấn luyện viên cùng với những chú chó trong ngày luyện tập

Không chỉ chó đắt tiền mới “đi lớp”

Tôi ngạc nhiên về số lượng chó trên 50 con với hơn 10 chủng loại như: Alaskan, Boxer, Bulldog, Chow chow, Cocker, Doberman, Fox Terrier, Retriever, Pug, Rottweiler, Rough Collie, Husky, Pitbull, Berger, Malinois, Labrador... đang được huấn luyện tại trung tâm. Anh Hảo giải thích, hiện nay nhu cầu chơi chó làm thú cưng, làm cảnh, trông giữ nhà, bảo vệ... tại Hà Nội và một số tỉnh lân cận đang phát triển, thế nên số lượng chó do trung tâm của anh huấn luyện không thấm vào đâu so với nhu cầu. 

Bằng kinh nghiệm 20 năm trong nghề, anh Hảo nhận xét về đặc điểm chung của những chú chó trước khi được đưa đến đây “học”. Thứ nhất, chủ của chúng là những người cực kỳ yêu thích chó, có yêu thì mới gửi chúng đến trường. Minh chứng cho điều này, anh Hảo chỉ cho tôi một con chó ta khoảng 10 tháng tuổi, trị giá khoảng 400  nghìn đồng nhưng chủ của nó chấp nhận bỏ ra 10 triệu đồng để cho nó theo học tại “trường” này. Thứ hai, chó đi học là những chú chó “hư”, bắng nhắng, không biết nghe lời. Mong muốn của chủ sau khi chó rời trung tâm là phải ngoan, biết nghe mệnh lệnh. 

Để biết rõ công việc huấn luyện một chú chó tại trung tâm, tôi cùng theo anh em huấn luyện viên xuống sân tập. Xoa đầu một con Labrador, anh Hảo nói, tiêu chí huấn luyện của trung tâm dân sự khác rất nhiều so với huấn luyện chó nghiệp vụ. Nếu ở chó nghiệp vụ thiên về mệnh lệnh, nguyên tắc thì huấn luyện dân sự lại đề cao tính thân thiện và xã hội hóa, đây là tiêu chí tiên tiến nhất các nước phương Tây đang áp dụng cho chó tại đô thị. 

Trong thời gian huấn luyện 3 tháng tại trung tâm, một con chó muốn “tốt nghiệp” phải đạt được các tiêu chí về Thể lực; Xã hội hóa - chó hòa đồng xã hội, không sợ người và phương tiện giao thông; Kỷ luật - chó biết đi, đứng, nằm, ngồi, sủa, bò, chào, từ chối thức ăn của người lạ và mức cao hơn là biết canh giữ đồ vật, bảo vệ chủ và tấn công người lạ theo mệnh lệnh của chủ.

Theo anh Hảo, mỗi giống chó đều có tính cách riêng biệt, một người huấn luyện phải mất 5 năm liên tục học hỏi mới có thể nắm hết đặc điểm của từng loại và thành thục huấn luyện. Anh ví dụ, dòng chó Berg Bỉ hay còn gọi Malinois cực kỳ thông minh, mạnh mẽ, trung thành, biết tuân lệnh đòi hỏi huấn luyện viên phải kiên trì, nhẹ nhàng, chịu khó và phải biết các bài nâng cao cho loài có khả năng bảo vệ tuyệt vời này.

"Nghệ thuật" thao khuyển sư ảnh 3Huấn luyện viên Vũ cùng một con Alaskan thực hiện bài tập ngồi

Người bạn trung thành

Bao đời nay, chó gắn bó với đời sống của con người. Đối với nhiều gia đình, chó là thành viên gắn bó, không thể thiếu. Làm nghề huấn luyện, anh Hảo đã chứng kiến nhiều câu chuyện cảm động về những chú chó. 

Gần đây nhất, con Malinois của ông Tuấn tại ngõ chợ Khâm Thiên, Hà Nội để lại cho anh nhiều ấn tượng. Chú chó này đặc biệt thông minh, khi ông Tuấn gửi vào trung tâm, nó dường như hiểu được mình sắp trải qua đợt huấn luyện và xa ông chủ. Nó nhanh chóng tiếp thu hoàn thành hết các bài tập. Sau 3 tháng khi nhận lại chó, ông Tuấn rất ngạc nhiên vì mệnh lệnh của mình được nó thực hiện rất thành thục hệt như đang làm với huấn luyện viên. Điều đặc biệt còn ở chỗ, từ đó trở đi con Malinois luôn bện chủ, ông Tuấn đi đâu nó cũng đòi theo, ông ra quán nhậu nó cũng ngồi bên. Hễ ai có động tác như sắp tấn công chủ là nó gầm gừ đe dọa nhưng chưa bao giờ tấn công ai vì chưa được phép của ông Tuấn. 

Anh Hảo nhận xét, ngay những con chó dòng Malinois khác cũng hiếm có được như chú chó này. Nó như hiểu và có tình cảm với ông chủ của mình.  Trước khi chia tay các huấn luyện viên, anh Lò Văn Luyến, huấn luyện viên của trung tâm gửi cho tôi một đoạn tin nhắn qua email về lòng trung thành của loài chó: “Chó là người bạn sẽ không bao giờ phản bội ta, bỏ rơi khi ta đói nghèo hay những lúc cơ cực và bần hàn nhất. Nó sẽ không bao giờ cãi lại khi ta quát mắng hay đuổi nó đi. Con người thật may mắn mới có được sự trung thành không thể đo bằng giá trị vật chất của loài chó. Những chú chó đáng yêu cho đi sự chân thành mà không bao giờ đòi hỏi nhận lại điều gì. Nếu ai đó chọn một chú chó là bạn, hãy mãi mãi dành cho nó thứ tình cảm đặc biệt và chúng ta sẽ không bao giờ phải hối hận”.

“Chó là người bạn sẽ không bao giờ phản bội ta, bỏ rơi khi ta đói nghèo hay những lúc cơ cực và bần hàn nhất. Nó sẽ không bao giờ cãi lại khi ta quát mắng hay đuổi nó đi. Con người thật may mắn mới có được sự trung thành không thể đo bằng giá trị vật chất của loài chó. Nếu ai đó chọn một chú chó là bạn, hãy mãi mãi dành cho nó thứ tình cảm đặc biệt và chúng ta sẽ không bao giờ phải hối hận”.   

Anh Lò Văn Luyến (Huấn luyện viên Trung tâm huấn luyện chó dân sự K9)