Nghệ thuật rối nước và những nghệ sỹ nông dân

ANTĐ - Niềm đam mê với môn nghệ thuật cổ chính là động lực để những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn tỉ mẩn gọt giũa, tô vẽ con trò, ngâm bùn nước hàng giờ với niềm hăng say được cống hiến cho khán giả những tiết mục mang đậm phong vị của làng quê đồng bằng Bắc Bộ.

Thời con nít mê, trò rối nước
Reo ầm lên: Giỏi quá! Tài ghê!
Các chú rối úp nơm, bắt cá
Các cô rối múa đều, hết chê!
Xem, cứ tưởng Trời ban phép lạ
Biến đất thó, gỗ vụn thành người
Nghĩ, càng thấy lắm điều bí ẩn
Lại reo toáng: Tuyệt vời! Tuyệt vời!

(Xem trò rối nước –Trường Giang)

Ba chìm bảy nổi cùng… nghiệp rối

Theo tương truyền, phường rối nước Thanh Hải (Thanh Hà, Hải Dương) được hình thành vào khoảng những năm đầu thế kỉ thứ XVII (thời Hậu Lê). Sau này, khói lửa chiến tranh tàn phá làng mạc, quét đi cả môn nghệ thuật dân gian trên mảnh đất thuần nông này. Trải bao thăng trầm, người dân Thanh Hải vẫn đau đáu nỗi niềm: gây dựng lại phường rối nước, tiếp tục trao chuyền ngón nghề truyền thống của cha ông một thuở.

Đến năm 1999, một số diễn viên tâm huyết đã nhóm họp nhau lại, góp nhặt những đóng góp từ bà con chòm xóm để thêm một lần dựng dậy phường rối của quê hương (trước đấy Thanh Hải đã có 2 lần cố gắng khôi phục phường rối nước mà không thành).

Nghệ thuật rối nước và những nghệ sỹ nông dân ảnh 1

Trải bao thăng trầm, “lời chào” của phường rối Thanh Hải mới bay khắp gần xa

Theo cụ Nguyễn Văn Kiên, một trong những người đứng ra khôi phục phường rối, những ngày đầu gặp muôn vàn khó khăn vì chính quyền không có kinh phí hỗ trợ, cụ Kiên cùng 4 người bạn đứng ra hô hào bà con quyên góp tiền, gỗ...rồi đi khắp làng xin tre, xin gỗ về làm con rối. Ai biết làm nghề mộc thì đẽo gọt, ai không biết thì sơn vẽ, sắm phục trang, đạo cụ.

Suốt 4 tháng ròng rã, cuối cùng phường rối cũng đủ điều kiện để hoạt động trở lại. Từ ấy, “những người nông dân làm nghệ thuật” thường xuyên tổ chức đi biểu diễn ở các nơi bất chấp khó khăn, thiếu thốn. Lý giải về động lực ngày ấy, các cụ đều tâm niệm: “Bởi, chúng tôi không muốn thất truyền món nghề độc đáo của quê mình”.

Sau chặng đường 15 năm miệt mài cùng nghiệp diễn, nhiều cụ cao niên nay đã không còn, người còn cũng ngót ngét trăm tuổi, không thể trực tiếp xuống nước biểu diễn, mà chỉ có thể lui về nhận lãnh trách nhiệm cố vấn, nhưng “các cụ luôn là bệ đỡ niềm tin cho lớp trẻ chúng tôi bây giờ”, diễn viên Phạm Văn Kết chia sẻ.

Dù khôi phục muộn hơn so với 2 phường rối nước còn lại trong tỉnh Hải Dương nói riêng và so với 15 phường trong cả nước nói chung, nhưng Thanh Hải liên tục gặt hái được thành tích cao trong các dịp liên hoan múa rối nước. Gần đây nhất là năm 2011, phường rối nước Thanh Hải đạt giải nhất toàn quốc tại Liên hoan múa rối dân gian toàn quốc lần thứ nhất, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức tại thành phố Hải Dương.

“Món độc” của phường Thanh Hải

Phường rối Thanh Hải được đánh giá cao bởi luôn chú trọng đến việc gìn giữ nghệ thuật cổ, luôn tìm cách kết hợp hai yếu tố truyền thống và hiện đại trong các tích trò của mình. “Chúng tôi lấy nghệ thuật biểu diễn ngày xưa của các cụ là rối dây để thể hiện nội dung đương đại bây giờ. Rối dây khó lắm, giờ chỉ còn khoảng 4 - 5 phường còn sử dụng hình thức biểu diễn này thôi”, anh Phạm Khắc Xoa, Chi hội trưởng phường rối nước Thanh Hải cho biết.

Nghệ thuật rối nước và những nghệ sỹ nông dân ảnh 2

Các nghệ sỹ âm thầm lội nước phục vụ khán giả

Niềm đam mê với môn nghệ thuật cổ chính là động lực để những người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn tỉ mẩn gọt giũa, tô vẽ con trò, ngâm bùn nước hàng giờ với niềm hăng say được cống hiến cho khán giả những tiết mục mang đậm phong vị của làng quê đồng bằng Bắc Bộ.

“Phường rối Thanh Hải bây giờ có nhiều món độc lắm. Máy rối của mình có lắp thêm vòng xoay ở đầu sào nên con trò quay được cả 360 độ, rất nhanh mà không bị giật cục gì nhé! Rồi pháo rồng để biểu diễn thì đúng là sản phẩm độc quyền ở đây, nhà hát múa rối Thăng Long và nhiều phường rối khác vẫn thường về đây mua pháo đó”, anh Xoa không giấu nổi niềm tự hào sau một ánh cười bằng mắt.

Những môn nghệ thuật khác, người diễn viên luôn được trang điểm đẹp đẽ và xuất hiện trước mắt công chúng, nhưng người diễn viên rối nước lại âm thầm lội nước, ẩn sau bức mành che, gò lưng chỉnh rối.

Con rối là nơi người diễn trao gửi tâm tư, tình cảm của mình. Chẳng thế mà người đục như thế nào thì con rối làm ra cũng có vẻ ấy. Con rối rất giống người làm. Anh Chi hội trưởng lý giải: “Mọi người thi thoảng hay trêu nhau, cầm con rối cụ Kiên đẽo thì sẽ bảo: “Nào, mang ông cụ Kiên ra đây!”... Giống như nét chữ nết người vậy. Mỗi người đều có nét riêng: mặt ngắn, mũi miệng to nhỏ như thế nào thì trông con rối là ra ngay, dù là làm 5,7 con rối nhưng vẫn giữ nguyên cái nét đặc trưng của người ta... Thế mới là rối dân gian, không theo quy chuẩn nhất định nào cả”.

Trăn trở hai chữ “nghệ nhân”

Hăng say hoạt động cả chục năm nay, lại nhận lãnh trách nhiệm của người hội trưởng, anh Xoa không giấu nổi niềm xót xa khi các cụ cao niên đang dần khuất núi, mà vẫn không một ai được trao tặng danh hiệu “nghệ nhân dân gian”.

Nghệ thuật rối nước và những nghệ sỹ nông dân ảnh 3

Mang nghệ thuật cổ đến gần với công chúng và được công chúng đón nhận là niềm vui, niềm tự hào của người nghệ sỹ

Không chỉ anh Xoa, mà nhiều người đại diện các phường rối dân gian cùng đưa ra kiến nghị: “Nhà hát múa rối Trung Ương và nhà hát múa rối Thăng Long được hỗ trợ kinh phí, được bao cấp, các nghệ sỹ biểu diễn được đào tạo qua trường lớp... nhưng tất cả các tích trò đều từ dân gian mà có, chứ không phải tự hai nhà hát ấy sáng tác ra. 

Những năm đầu người trên nhà hát rất hay về các vùng quê xem biểu diễn từng tiết mục, sau đó mới chắt lọc từ phường dân gian lên trên ấy thành các chương trình biểu diễn. Vì vậy, tác phẩm và tác giả dân gian là một trong những nhân tố góp phần hình thành và gìn giữ nghệ thuật rối nước truyền thống của Việt Nam, nhưng lại chưa có ai được phong danh hiệu nghệ nhân dân gian”...

Không kinh phí, không thu nhập ổn định, không cả danh hiệu nghệ nhân... nhưng những diễn viên phường rối Thanh Hải không vì khó khăn trước mắt mà buông bỏ môn nghệ thuật truyền thống. “Nghệ thuật này là kết quả mà các cụ đã bao đời dày công tạo dựng, mình chỉ cố làm sao giữ vững, đừng để bị mai một”, ấy là mong muốn của vị Chi hội trưởng phường rối, cũng là suy nghĩ của các diễn viên, những người nông dân làm nghệ thuật.

Ngày ngày họ vẫn cấy cày, miệt mài đồng áng. Chờ tiếng trống hội gióng lên, người nông dân Thanh Hải lại tất bật, rộn rã cùng con rối của mình đi khắp đó đây, gieo thêm tiếng cười cho con trẻ, đem sự bình yên thôn dã đến khắp nơi nơi.