Nghệ thuật - phụ nữ - Hà Nội

(ANTĐ) - Có điểm gì chung với nhau ở đây? Phải chăng đó là cái đẹp? Và quả đúng như thế thật, những họa sỹ nữ của Hà Nội ở rất nhiều mảng miếng khác nhau, tìm đến nhau trong ngôi nhà nghệ thuật tại một cuộc triển lãm nhóm mang tên “Art - Women - Hanoi”.

Nghệ thuật - phụ nữ - Hà Nội

(ANTĐ) - Có điểm gì chung với nhau ở đây? Phải chăng đó là cái đẹp? Và quả đúng như thế thật, những họa sỹ nữ của Hà Nội ở rất nhiều mảng miếng khác nhau, tìm đến nhau trong ngôi nhà nghệ thuật tại một cuộc triển lãm nhóm mang tên “Art - Women - Hanoi”.

Họ có thể ở những lứa tuổi khác nhau, lĩnh vực khác nhau, có người đã nổi tiếng, có người chỉ như những ánh sao đêm thầm lặng, nhưng thật tình cờ lại có thể gặp gỡ trên một sân chơi chung nhiều hứng thú đến vậy.

Bùi Mai Hiên là người đầu tiên tôi muốn nói tới trong cuộc hội ngộ lần này. Tranh của bà thường được bán với giá cao nhưng bà là một người không chạy đua theo thị trường, chỉ đơn giản là vẽ và bán tranh theo ý mình. Nhìn bà thấy rõ sự vững vàng, tự tin, nhưng ẩn chứa sâu trong tâm hồn là nỗi buồn và sự cô đơn, điều đó lý giải vì sao trông bề ngoài bà hiền hòa mà tranh vẽ thì bão tố.

Bà yêu thích sự phẳng lặng, mà không tù túng, nhàm chán, đơn điệu. Tranh của bà bày ở nước ngoài, người ta vẫn biết là tranh Việt Nam, từ chất liệu sơn mài đến tâm hồn, có được điều đó là do bà đã có phong cách và khẳng định được mình, không sợ người xem bị phân tâm hay không nhận ra tranh mình khi bày chung với nhiều người. Dù bày 10 tranh, hay chỉ bày một tranh, người ta cũng biết đó là của Mai Hiên. Thậm chí nhận biết rõ, cả khi bà không ký tên trên tác phẩm.

Tranh Lụa của Nguyễn Yến Nguyệt
Tranh Lụa của Nguyễn Yến Nguyệt

Đinh ý Nhi lại là một thế giới khác, thế giới của những ảo giác. Chị tạo nên sự khác biệt với thế giới tạo hình đen trắng đầy ảo giác bằng nét bút nguệch ngoạc của một thứ hội họa bản năng sơ khai và giàu tính biểu hiện. Nhi không vẽ những gì nhìn thấy mà vẽ những gì chị cảm thấy trong thế giới nội tâm phức tạp của chính mình. Hình hài nhân loại trong tranh của chị vừa hồn nhiên, thơ dại vừa ám ảnh mê hoặc.

Đó là những hình người khờ khạo, những con mắt mở to vừa ngơ ngác vừa hoảng hốt, không nhìn ra ngoài mà rọi và tâm cảnh bộn bề của mình, tự vấn những câu hỏi vô minh về những bất ngờ trong thế giới con người. Muôn vàn những bức thiết nội tâm rất đàn bà ấy được diễn tả bằng ngôn ngữ tạo hình đen trắng đầy ảo giác vừa giản dị, mạnh mẽ, vừa khờ dại, bí ẩn. Thứ hội họa bản năng ấy, theo nhà phê bình Dương Tường là không thể định loại, hay nói đúng hơn là duy nhất trong dạng loại của chính ý Nhi.

Tranh khắc gỗ của Lý Trần Quỳnh Giang
Tranh khắc gỗ của Lý Trần Quỳnh Giang

Không chỉ là những họa phẩm mà cuộc triển lãm lần này còn là cuộc trình diễn của hai nhà điêu khắc Mai Thu Vân và Lê Hồng Yến. Hai người phụ nữ này đều đã có những giải thưởng cá nhân của riêng mình. Đối với Mai Thu Vân - Giảng viên khoa điêu khắc đại học Mỹ thuật Hà Nội là sản phẩm gò đồng như Điện Biên Phủ, chân dung phụ nữ... Tranh gò đồng của Vân là những mảng khối chắc chắn. Lê Hồng Yến là một cái tên chưa thực sự nổi bật được nhiều người biết tới, nhưng tác phẩm tượng đồng “Tuổi thơ” của chị thực sự đã gây được ấn tượng tốt trong giới điêu khắc Thủ đô.

Cùng với Bùi Mai Hiên, Công Kim Hoa là người họa sỹ gắn mình với những tác phẩm sơn mài truyền thống. Trong nghệ thuật của mình, chị đã theo đuổi một phương cách cảm thụ khác với những quan niệm phổ biến về tranh sơn mài cùng vai trò của người nữ họa sĩ, chị cũng rất quan tâm đến những vấn đề về đạo đức xã hội.

Khi xem tranh của Công Kim Hoa, ta cảm thấy như bị bao bọc bởi một thế giới hội họa rất riêng của họa sĩ. Đó là khi nội dung tác phẩm hội họa đã truyền tới được người xem nhờ sự trình diễn những ánh xạ của quá khứ hay hướng đến những giấc mơ về tương lai. Thật là không dễ khi ta muốn tìm một định nghĩa đầy đủ cho hội họa của Công Kim Hoa.

Tượng đồng của Lê Hồng Yến
Tượng đồng của Lê Hồng Yến

Ta chỉ có thể tự cho phép mình chia sẻ cảm xúc chủ quan của họa sĩ bằng cách lấp đầy những khoảng trống giữa thực và mơ. Có lẽ việc tìm hiểu hoặc cảm nhận tác phẩm của nữ họa sĩ cũng chính là một quá trình sáng tạo, để ta nhập vào thế giới của Công Kim Hoa, làm phong phú thêm những thành công hội họa của tác giả.

Và một người trẻ tuổi nhất tham gia trong cuộc triển lãm nhóm lần này là Lý Trần Quỳnh Giang, cái tên là tâm điểm chú ý của rất nhiều người trong và ngoài giới mỹ thuật bởi những điều đặc biệt ở cô. Đó là cuộc triển lãm về tranh khắc gỗ, là những bức tranh nude mà cô chú tâm.

Nhạc đồng quê của Bùi Mai Hiên
Nhạc đồng quê của Bùi Mai Hiên

“Quả thực có nhiều người vẽ nude dung tục, thiên về tính dục hoặc vì một động cơ nào đó. Tôi rất thích vẽ nude vì mảng đề tài này phóng khoáng, hợp với lối vẽ biểu hiện của tôi. Tranh nude của tôi không có tính dục mà cô đơn một cách trần trụi. Những người đàn bà vật vã trong khối rubích đa chiều của thế giới nội tâm” - Giang nói về cách lựa chọn của mình trong một lần trả lời báo chí. Giang là vậy.

Nhưng, Giang lại cũng cho rằng: “Trong mỗi người con gái, hay một người đàn bà đều có nhu cầu khám phá chính bản thân mình. Khi nhu cầu ấy đòi hỏi dữ dội buộc người họa sĩ phải cầm bút vẽ”. Ai cũng mong chờ những bức tranh táo bạo và nóng hổi của Giang nhưng lần này, cô lại mang đến những bức tranh khắc gỗ.

Mỗi người một phong cách, theo như dự kiến của những nhà tổ chức, tất cả họ, già có, trẻ có, nhưng là những người con của Hà Nội sẽ cùng nhau trưng bày tranh, cùng nhau vẽ lên một bức tranh chung, thể hiện sự truyền thống của văn hóa Việt nhưng bằng một phong cách đương đại. Đó là điều đặc biệt mà những người quan tâm đang mong chờ, chờ đợi một cuộc triển lãm thể hiện cái nhìn bạo liệt nhưng cũng không kém phần dịu dàng của rất nhiều gương mặt nữ họa sỹ Thủ đô Hà Nội...

Yên Hưng