Nghệ thuật múa loay hoay tìm đường ra

(ANTĐ) - Trong quá trình phát triển các loại hình VHNT của Việt Nam nhiều năm qua, múa là loại hình nghệ thuật không gây nhiều “ồn ào” và phát triển chậm hơn. Tuy nhiên với những tác phẩm đầy đặn: Mùa xuân trên bản Mông, (NSND Công Nhạc); Hương quê, Hoa mai nở (NSND Chu Thúy Quỳnh); Pho tượng cổ (NSND ứng Duy Thịnh); Mẹ mặt trời, (Xuân Thanh); Sự tích trầu cau (NSƯT Minh Thông)... múa đã đem đến sự đa dạng, phong phú, đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Nghệ thuật múa loay hoay tìm đường ra

(ANTĐ) - Trong quá trình phát triển các loại hình VHNT của Việt Nam nhiều năm qua, múa là loại hình nghệ thuật không gây nhiều “ồn ào” và phát triển chậm hơn. Tuy nhiên với những tác phẩm đầy đặn: Mùa xuân trên bản Mông, (NSND Công Nhạc); Hương quê, Hoa mai nở (NSND Chu Thúy Quỳnh); Pho tượng cổ (NSND ứng Duy Thịnh); Mẹ mặt trời, (Xuân Thanh); Sự tích trầu cau (NSƯT Minh Thông)... múa đã đem đến sự đa dạng, phong phú, đáp ứng phần nào nhu cầu thưởng thức của công chúng.

Tuy nhiên trong cơ chế thị trường, nghệ thuật múa hiện nay vẫn quá ít tác phẩm thực sự sâu sắc, có giá trị tư tưởng, nghệ thuật và thẩm mỹ cao. Trong nhiều hội diễn, các cuộc thi sân khấu và múa, một số tác giả, tác phẩm còn tỏ ra dễ dãi khi sao chép, mô phỏng những phong cách nghệ thuật của các nước khiến nghệ thuật múa Việt Nam dần xa rời thị hiếu thẩm mỹ truyền thống, chưa thể đi sâu vào đời sống cộng đồng, ít thu hút người xem.

Theo NSND Lê Ngọc Canh, trong cuộc cạnh tranh tồn tại hay bị lãng quên, múa rõ ràng đã mất dần vị trí, trở thành môn nghệ thuật phụ họa cho các loại hình nghệ thuật khác. Gần 20 năm qua, mảng múa dân tộc và múa hiện đại chưa phát triển đồng đều, múa vẫn thiếu những tác phẩm xuất sắc trong đó mảng kịch múa, đỉnh cao nhất của nghệ thuật múa vẫn chưa có được tác phẩm nào mang tầm vóc thời đại để tạo nên một dấu ấn cho ngành múa.

Bên cạnh đó, chính sách đãi ngộ chưa xứng đáng đối với đội ngũ diễn viên, nghệ sỹ có tài năng... buộc những người yêu môn nghệ thuật này dần bỏ nghề, một số vào trường múa chỉ để... rèn luyện sức khỏe, nhiều diễn viên ra trường tuổi nghề ngắn ngủi, thu nhập không đảm bảo cuộc sống...

NSND Chu Thúy Quỳnh cho biết: Những nghệ sỹ múa như Cao Chí Thành, Đặng Linh Nga, Tạ Thùy Chi được đào tạo công phu, tốn kém và lâu dài, vậy mà khi làm nghề, họ quá vất vả trong cuộc mưu sinh. Chi học ở nước ngoài về nhưng vẫn phải kiếm thêm bằng các hợp đồng múa với các đơn vị biểu diễn tư nhân, Thành đoạt giải thưởng quốc tế vậy mà khi về nước vẫn loay hoay tìm kiếm cơ hội để múa solo, Nga thì làm diễn viên truyền hình... 

Nhận rõ những hạn chế của nghệ thuật múa Việt Nam, Hội Nghệ sỹ múa vừa tổ chức một hội thảo với sự tham dự của các nhà giáo, nghệ sỹ, nhà phê bình và biên đạo múa nhiều thế hệ trong cả nước nhằm cùng tìm cách tháo gỡ khó khăn cho ngành múa. PGS. TS Đào Duy Quát, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng lý luận, phê bình VHNT Trung ương cho rằng: Trong cơ chế thị trường, hội nhập hiện nay, cùng với việc tìm tòi, khai thác, các nghệ sỹ múa phải kế thừa nền nghệ thuật múa dân tộc truyền thống kết hợp tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nước ngoài. Trên nền cội nguồn đó, mỗi thế hệ nghệ sỹ múa góp phần sáng tạo để gìn giữ và làm giàu hơn bản sắc tâm hồn dân tộc.

Thêm nữa, hoạt động nghệ thuật phải thật sự nhập cuộc vào đời sống nghệ thuật của nhân dân, từ đó tạo nên những tác phẩm gần gũi với cuộc sống, mang hơi thở cuộc sống. Có như vậy, múa mới thực sự tìm được chỗ đứng của mình. Giới nghệ sỹ múa đồng quan điểm này. ước mong vậy song bao giờ nghệ thuật múa không phải là thứ nghệ thuật phụ họa, trang trí cho các chương trình ca múa nhạc tạp kỹ, làm nền cho những tiết mục ca nhạc... Bao giờ nghệ sỹ múa mới không phải nhảy nhót như con rối cho một bài hát thiếu sức sống cả về ca từ lẫn giai điệu...

Điều này những người làm nghề đã nghĩ đến, nhưng ngoài vấn đề đào tạo, nghiên cứu để múa có được những tác phẩm nghệ thuật để đời đem “khoe” với thế giới, những ngôn ngữ động tác múa khoa học, linh hoạt, có kỹ thuật cao, những bước nhảy dài trên không, những vòng quay lớn, cùng với phương pháp cấu trúc ngôn ngữ, cấu trúc tác phẩm chặt chẽ có tính logic cao của múa ballet, múa Ấn Độ hòa trộn với ngôn ngữ múa dân gian dân tộc giúp phản ánh sâu sắc hơn tâm tư, tình cảm nguyện vọng của con người Việt, múa mới thực sự đặc sắc, có dấu ấn và bước sang nghệ thuật múa đỉnh cao. Cơ mà có lẽ một thời gian lâu nữa múa mới tìm ra được hướng đi cho mình, để tồn tại và phát triển.                                  

Bảo Lâm