Nghệ thuật múa: Đốt đuốc đi tìm... nhà phê bình

(ANTĐ) - Lâu nay trong ngành múa luôn khan hiếm những cây bút lý luận phê bình “nói ra gang ra thép”. Điều ấy được những người làm nghề ví von rằng có đốt đuốc đi tìm giữa ban ngày cũng chưa chắc thấy...

Nghệ thuật múa: Đốt đuốc đi tìm... nhà phê bình

(ANTĐ) - Lâu nay trong ngành múa luôn khan hiếm những cây bút lý luận phê bình “nói ra gang ra thép”. Điều ấy được những người làm nghề ví von rằng có đốt đuốc đi tìm giữa ban ngày cũng chưa chắc thấy...

Lý luận phê bình kiểu... kiêm nhiệm

Để san lấp khoảng trống hẫng hụt này, không ít các biên đạo đã phải miễn cưỡng kiêm nhiệm luôn cả công việc lý luận - phê bình. Tuy nhiên dù có tấm lòng khi xem xét đánh giá nhưng họ lại ít dựa vào tiêu chí nghệ thuật cũng như khoa học phê bình để phân tích nên cứ luẩn quẩn trong mớ bòng bong tự tạo. NSƯT Thái Phiên từng phải rầu rĩ than phiền: “Vốn sống và tri thức của nhiều nhà biên đạo còn hạn hẹp quá!” khi xem một vở ballet dựng về dân tộc Mông nhưng lại hoàn toàn thiếu chuẩn xác với phong tục tập quán của bà con nơi đây: người Mông cư trú ở vùng cao, xa lạ với sông nước bơi lội nhưng vở diễn lại tẩn mẩn say sưa mô tả từng động tác chèo thuyền... Còn nghệ sỹ Lê Huân đã phải thốt lên: “Nhiều biên đạo múa không viết nổi cái kịch bản, nói gì đến việc tham gia vào công tác lý luận phê bình!”. Có lẽ sự kiêm nhiệm là câu trả lời cho sự thiếu mặn mà gắn bó giữa tác giả lý luận và tác phẩm, cũng đồng thời lý giải tại sao ngày càng xuất hiện ít những vở diễn chất lượng có khả năng bám trụ  dài hơi làm đỏ đèn sân khấu.

Nghệ thuật múa đang vắng bóng nhà phê bình
Nghệ thuật múa đang vắng bóng nhà phê bình

Chưa kịp phê bình, tác phẩm đã... “chết”

Nhìn vào bức tranh phê bình còn ảm đạm của làng múa hiện nay, quanh đi quẩn lại vẫn là những cái tên gạo cội như: Thái Ly, Tâm Lô Lộc, Lê Ngọc Canh, Thái Phiên, Hùng Thoan... cùng một số rất ít nhân tố mới nổi. Thiếu vắng là vậy, song theo NSƯT Hoàng Hà thì cũng không thể đổ hoàn toàn trách nhiệm là tại nguồn nhân lực. Bởi thực ra sau mỗi cuộc thi tác phẩm hay biểu diễn, nhiều tác phẩm múa dù được đánh giá là thành công nhưng cũng chỉ được ghi vào băng hình để lưu lại, còn ngay khi tấm màn nhung khép lại thì cũng “chết” luôn tại chỗ do phải đi... mượn quân và thuê đồ diễn. “Vậy thì  phê bình thế nào đây và chứng minh điều gì với những tác phẩm không còn tồn tại ấy?”.

Bên cạnh đó theo ông, mặc dù hàng năm Hội Nghệ sỹ Múa vẫn tập trung dồn công sức tiền của để tổ chức các trại sáng tác, mở các lớp biên đạo ở khắp nơi nhưng chưa bao giờ đứng ra kêu gọi những người có “máu” làm lý luận phê bình ngồi lại với nhau để trao đổi thẳng thắn về vấn đề này cả. Vậy nên mới có ý kiến cho rằng các điệu múa bây giờ thua xa múa nón, múa Katu... nhưng vẫn được mang đi nước ngoài để giới thiệu quảng bá với bạn bè quốc tế (!).

Cần những “làn roi” phê bình nghiêm khắc

“Đã đến lúc nghệ thuật múa cần những “làn roi” phê bình nghiêm khắc” là tâm sự chân thành của nhà giáo ưu tú Bùi Thúy Minh trước thực trạng trên. Quả thực việc thiếu hụt đội ngũ những cây bút phê bình sắc sảo, cùng với sự xuất hiện những cây bút phê bình kiểu xuê xoa, khen cũng được mà chê cũng được, khiến cho nghệ thuật múa nước nhà ngày càng dễ dãi với chất lượng tác phẩm.

Chính bởi thế nên mặc dù Hội thi múa ít người do Hội Nghệ sỹ Múa tổ chức vào tháng 6 vừa qua đã kết thúc nhưng những dư âm về nghi án sao chép tác phẩm của người khác vẫn âm ỉ cho đến tận bây giờ. Tuy thế, cũng giống như nhiều kỳ cuộc sáng tác bị điều tiếng xì xèo khác “chuyện tày đình ấy chẳng có ai phân tích rốt ráo đến cùng và lại qua đi trong yên lặng” - bà Bùi Thúy Minh tâm sự.

Cần thiết là vậy nhưng xem ra để khắc phục thực trạng trên đây  không hề đơn giản. Trong tổng số 600 hội viên chỉ có 17 người đăng ký chức danh làm lý luận phê bình, và cũng chỉ có vài ba người làm thực sự. Con số này chắc hẳn không chỉ làm phiền lòng giới chuyên môn mà khiến cả những người quan tâm đến nghệ thuật múa phải băn khoăn trăn trở.

Không đáng lo sao được khi phần lớn ý kiến được hỏi đều cho rằng cần phải bắt đầu từ bước đào tạo đầu tiên nhưng... nói dễ mà làm thì khó. Bởi trên thực tế, bộ môn lý luận múa chỉ được giảng dạy ở các bậc cao đẳng, đại học huấn luyện hay biên đạo múa, còn ở bậc trung cấp và đào tạo diễn viên thì gần như... mù tịt. Theo như nhà phê bình lý luận Mạnh Tường thì ngay cả những học sinh thuộc diện được đào tạo cũng chỉ học mang tính chất chiếu lệ chứ nói gì đến chuyện “học” đi đôi với “hành”.

Rõ ràng khi nhu cầu thưởng thức của khán giả đang ngày một lên cao mà ngành múa không khắc phục được những hạn chế ở khâu lý luận nền tảng để sản sinh ra được những tác phẩm xứng tầm, chẳng chóng thì chày cũng sẽ bị công chúng quay lưng lại.

Bích Hậu