Nghệ thuật làm trống của người Dao đỏ

ANTĐ - Trên khắp vùng biên giới phía Bắc, mỗi gia đình người Dao đỏ đều có một chiếc trống. Trống là nhạc cụ chính, cùng với kèn và lục lạc tạo nên bộ nhạc cụ cơ bản cho hầu hết mọi hoạt động văn hóa như lễ tết, ma chay, cưới hỏi... của người Dao đỏ.

Trống trong đời sống văn hóa, tinh thần của người Dao có vị trí quan trọng. Tuy nhiên, không phải người Dao nào cũng biết làm trống, cũng không phải ở vùng nào có người Dao sinh sống thì cũng làm được trống. Đơn giản bởi vì làm trống cần rất nhiều kỹ thuật, kinh nghiệm và không dễ có thể học và làm. Cũng bởi vậy mà người làm trống và làm nhạc cụ truyền thống của người Dao luôn được cộng đồng ngưỡng mộ . 

Cũng bởi sự đặc biệt ấy mà nhiều vùng của Tây Bắc như Lào Cai, Hà Giang… - những nơi có nghệ nhân biết nghề làm trống, làm nhạc cụ truyền thống người Dao thường được du khách, những người yêu du lịch lựa chọn làm một điểm đến cho hành trình khám phá văn hóa.

Ở bản Tà Chải, xã Tả Phình, huyện Sa Pa, Lào Cai có một nghệ nhân làm trống của người Dao như thế. Xưởng làm trống của gia đình ông Lý Phủ Quyện là một điểm đến khá nổi tiếng đối với du khách. Đến thăm xưởng làm trống mới thấy cách người Dao làm trống vô cùng đặc biệt. Tang trống được lấy từ gỗ mít đục rỗng hoặc khoét thủng, sau đó bào tròn, bóng xung quanh làm sao cho tang mỏng, nhẹ nhưng vẫn bền và chắc. Một trong những điểm khác biệt với trống thông thường là da mặt trống không được căng lên tang trống bằng cách đóng đinh chết, mà mặt trống được dùng các dây mây dẻo, bền néo căng bằng các nêm chéo nhau. Vì vậy, theo thời gian khi mặt trống bị trùng, người ta chỉ cần đóng chặt thêm các nêm để làm mặt căng. Nêm trống là những thanh gỗ được chẻ mỏng thành các dăm và chốt chéo xung quanh tang trống. Kỹ thuật đan các dây căng mặt trống đòi hỏi rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm.

“Để có thể kết sao cho mặt trống căng, các nêm tạo thành hình đẹp mắt thì một người thợ phải học ít nhất 3 năm mới có thể làm thành thạo”, ông Lý Phủ Quyện cho biết. “Những chiếc nêm trên tang trống sau khi hoàn thành sẽ như những cánh hoa xếp lớp rất lạ mắt. Đây cũng là nét tạo hình riêng độc đáo chỉ có trên trống người Dao đỏ. Da dùng căng mặt trống được chọn lựa từ da bò, trâu, sơn dương và phải qua công đoạn thuộc da để có được độ dày cần thiết. Sau đó, da được căng lên phên tre, đem phơi nắng hoặc sấy trên gác bếp cho đến khi thật khô.

Kỹ thuật làm trống được người Dao truyền cho những thế hệ đàn ông trong gia đình. Theo phong tục truyền thống, người Dao chỉ tiến hành hoàn thiện trống vào hai ngày đặc biệt trong năm, đây là những thời điểm được cho là những ngày “kỵ” nên có thể cho trống tốt và “linh”. Cũng vì vậy mà những gia đình không làm được trống cũng sẽ xem ngày tháng tốt mới chọn mua trống cho gia đình. 

Cũng bởi làm trống là nghề gia truyền nên những bí quyết để làm được một chiếc trống tốt thường nằm trong kinh nghiệm của nghệ nhân, những bí quyết quan trọng như chỉnh âm cho trống, thuộc mặt trống... là bí quyết “cha truyền con nối”. Người biết chỉnh âm là người phải biết nghe. Kỹ năng nghe và thẩm định chất lượng âm thanh không thể truyền dạy bằng sách vở mà chỉ có thể nhờ kinh nghiệm và năng khiếu. Người làm trống,  ngoài đôi tay khéo léo còn cần đôi tai tinh tế mới có thể nghe và chỉnh âm thanh của trống. Một chiếc trống “chuẩn” khi đánh lên, người đứng xa vẫn nghe tiếng trống âm vang mà người đứng gần không cảm thấy chói tai, được vậy thì âm mới đạt, mới đúng là trống của người Dao đỏ.