Nghệ thuật “câu” hợp đồng của cầu thủ Việt

ANTĐ -  Cầu thủ chuyên nghiệp thời nay coi khoản tiền lót tay sau mỗi lần đặt bút kí hợp đồng là khoản thu nhập chính chứ không phải tiền lương, thưởng khi thi đấu. Chính vì vậy, họ có trăm phương, ngàn kế để đẩy giá trị bản thân nhằm thu về số tiền cao nhất khi tìm bến đỗ mới…

Công Vinh (phải) luôn có những hợp đồng giá cao

Dại gì mà nhiệt?

Các cầu thủ sắp hết hợp đồng với CLB chủ quản thường được các “đối tác tương lai” liên lạc từ rất sớm. Họ được gửi tới những lời đề nghị rất hấp dẫn  và chỉ cần không dính chấn thương hoặc có scandal nào lớn thì khi mùa giải kết thúc, sẽ được “đổi đời” nhờ hàng tỷ đồng đổ về tài khoản.

Vì thế, phương án an toàn sẽ được lựa chọn. Cầu thủ sắp hết hạn hợp đồng và có sẵn vài bến đỗ chờ đợi thường tập luyện, thi đấu một cách cầm chừng để tránh tối đa các tai nạn. Chẳng ai “dại” bung sức cho đội bóng mình sắp chia tay để rồi trả giá bằng việc bị các đối tác quay lưng và phải đối mặt với tương lai vô định. Bóng đá Việt Nam cũng từng chứng kiến cảnh cầu thủ mỏi miệng xin kinh phí chữa chấn thương mà chính đội bóng chủ quản còn không chịu cấp tiền.

“Lo cho bản thân vẫn hơn vì nghề bóng đá bạc lắm! Lúc mình đá tốt thì ai cũng chào đón nhưng khi chấn thương là tất cả quay đi” - một cầu thủ lão làng tâm sự. 

Bên cạnh đó, việc không bung sức trên sân cỏ không những giúp họ bảo vệ đôi chân mà còn giúp tâm trí rảnh rang để toan tính cách đẩy giá trị của bản thân lên càng cao càng tốt. 


Thủ thuật đơn giản

Giới cầu thủ bây giờ rất khéo trong việc làm giá. Dường như có cả một “bí kíp truyền miệng” để họ hô biến giá trị của mình khi ngồi vào bàn đàm phán. Đầu tiên bằng cách nào đó tung tin cho báo giới biết rằng bản thân đang được rất nhiều đội bóng săn đón và tất cả đều sẵn sàng tham dự cuộc đua vung tiền.

Nhân tài thì hiếm và các đội bóng cũng tiếc công sức theo đuổi nên dù biết mình có thể sẽ phải mua đắt nhưng vẫn cố gắng bỏ thêm “một vài trăm triệu”. Chỉ cần một thủ thuật nhẹ nhàng như vậy, cầu thủ đã kiếm lợi hơn hẳn.

Nếu sợ các đội bóng trong nước “bắt bài” và trao đổi thông tin với nhau, cầu thủ tinh quái sẽ lôi một vài CLB ở… nước ngoài vào thay thế. Chắc hẳn chưa ai quên những thông tin khi Công Vinh sắp hết hạn hợp đồng với Hà Nội T&T, rằng anh được Slavia Praha (CH Czech) hay Muangthong Utd (Thái Lan) để ý. Đó chỉ thủ thuật hết sức đơn giản mà giới cầu thủ bây giờ ai cũng phải biết khi đi “câu” hợp đồng, nhưng lại vô cùng hiệu quả. Chưa cần đến những chiêu tinh vi khác. Chung quy lại, chỉ khổ các đội bóng ham thích sưu tập ngôi sao, còn người hâm mộ mỗi mùa chuyển nhượng lại nhiều phen mắt tròn, mắt dẹt khi chứng kiến những bản hợp đồng gây sốc về giá trị.