Nghệ sỹ Phú Đôn: Chỉ cần 2 chữ “nghệ sỹ” thuần túy

ANTĐ - Gần đến tuổi nghỉ hưu, bạn bè cùng lứa, người lên NSƯT, người đã thành NSND nhưng Phú Đôn vẫn một mực giữ hai chữ “nghệ sỹ” cho riêng mình. Nhiều người bảo anh dở hơi, ít ra trước khi chia tay với Nhà hát Kịch Việt Nam cũng phải có danh gì trước khán giả nhưng Phú Đôn vẫn khăng khăng giữ quan điểm đến cùng. 

Nghệ sỹ Phú Đôn: Chỉ cần 2 chữ “nghệ sỹ” thuần túy ảnh 1Phú Đôn trong phim “C13 đón Tết”

Mỗi vai diễn giống như một thửa ruộng

30 năm gắn bó với Nhà hát Kịch Việt Nam, Phú Đôn ở hàng diễn viên kỳ cựu. Từ vai chính diện đến vai phản diện, anh đều đã kinh qua và không chịu “chết” ở một vai cố định nào. Với anh, không có vai diễn hay và không hay mà quan trọng, vai diễn có tính cách và số phận. Nhưng cũng như cái duyên, Phú Đôn được khán giả nhớ đến các vai diễn nông dân. Phú Đôn cũng nhận mình đóng vai nông dân rất đạt cũng như cách suy nghĩ và tâm lý giống  như những lão nông thực thụ. Anh ví von mỗi vai diễn giống như một thửa ruộng. Trước khi ra sân khấu, anh vẫn đùa vui với các diễn viên trẻ rằng: “Nào! Để bố ra “cày” nốt “thửa ruộng” này là về”. Diễn xong, Phú Đôn quay lại sân khấu, châm một điếu thuốc hút, giống hệt người nông dân sau những đường cày vất vả, tự thưởng cho mình niềm vui đứng trước mảnh ruộng vừa được vỡ hoang. 

Cái duyên làm người “nông dân” trên màn ảnh hay trên sân khấu, Phú Đôn cho rằng trời cho mình thế hay trời bắt mình thế thì anh cũng không rõ nhưng sự thật, Phú Đôn nặng nợ với nghiệp diễn. Anh tâm sự “Trên trán tôi, không có chữ sướng nhưng khổ thì không khổ. Tôi ở cái thể hay nuốt mọi chuyện vào trong, những cái không biểu hiện ra thì nó hằn lên trên mặt”. Phú Đôn tự nhận mình không có năng khiếu buôn bán, nên anh đành xoay xở trong chính nghề của mình. Phú Đôn quay sang điện ảnh để làm trợ lý đạo diễn, nhà tổ chức sản xuất, phó đạo diễn, chủ nhiệm phim. Tuy không diễn trên sân khấu nhưng các vai trò này còn liên quan đến nghiệp diễn. Phú Đôn vừa làm vừa học hỏi đồng nghiệp.

“Nghệ sỹ thuần túy”

Ngoài vai trò của người làm sáng tác và sản xuất, Phú Đôn còn đi   “ngoại giao” để người dân giúp đỡ đoàn làm phim.  Anh có kinh nghiệm làm việc với quần chúng và các cơ quan quản lý nên hiện nay, Phú Đôn là người của “mặt trận” tại Nhà hát Kịch Việt Nam. Trong cơ quan tổ chức các hoạt động đều có Phú Đôn thì mọi chuyện mới xong. Vui vẻ là thế nhưng Phú Đôn khá rành rẽ, không thích ôm đồm. Khi đã vào việc, được giao vai, anh hoàn thành bằng tất cả nhiệt huyết, nghiêm túc và luôn đúng giờ. Sự rành rẽ này còn đúng với con người Phú Đôn trong việc đón nhận danh hiệu.

Anh cho rằng: “Danh hiệu NSƯT hay NSND phải danh chính ngôn thuận chứ tôi không thích phải chạy đi “xin” mới được “cho”. Làm người nghệ sỹ, đi ra đường, khán giả chào mình bằng tình cảm thật đã là phần thưởng vô giá. Tôi biết nhiều người bảo tôi dở hơi nhưng tôi chỉ cần hai chữ “nghệ sỹ” thuần túy”. Không phải bây giờ, mà từ lâu, Phú Đôn đã không tham gia các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, cơ hội để người diễn viên thể hiện tài năng và giành HCV, HCB, HCĐ-điều kiện xét tặng danh hiệu nghệ sỹ. Những xì xào sau mỗi kỳ hội diễn khiến anh không còn hứng thú đến các phần thưởng cá nhân. Một vài lần tham gia, Phú Đôn quyết định rút lui để tránh phiền lòng. 

Nổi tiếng đanh đá

Đóng các vai nông dân nhưng Phú Đôn ngoài đời nổi tiếng là người “đanh đá”. Các nhân viên phục vụ âm thanh, ánh sáng của Nhà hát Kịch Việt Nam nhiều lần đã bị anh “nhắc nhở” vì vừa nói xong lại làm sai. Phú Đôn bảo, anh đanh đá nhưng theo kiểu đúng chứ anh không quá quắt, bắt nạt người khác. Hay đúng hơn thì Phú Đôn là người thẳng tính, không ngại va chạm, đấu tranh. Lấy vợ muộn, trong khi bạn bè có người đã lên chức ông bà thì anh còn nặng gánh chuyện “hậu phương”. “Phủ sóng” rộng khắp truyền hình, điện ảnh và sân khấu, Phú Đôn đi diễn quanh năm. Nhưng Phú Đôn khá mãn nguyện với gia đình nhỏ bởi anh có người vợ kém 25 tuổi nhưng đảm đang, tháo vát, giúp anh thu xếp công việc gia đình và một cậu con trai đang theo học THPT. Chính vì thế, Phú Đôn vẫn nhắc lại điều mà anh thấy đúng với bản thân mình “Mặt tôi không sướng nhưng khổ thì không khổ”.