Nghệ sỹ nhiếp ảnh Hồng Nga và "kho báu" vô giá

ANTĐ - Hơn 10 năm làm báo sân khấu, việc lăn lộn theo các đoàn nghệ thuật khắp Bắc, Trung, Nam thuộc nhiều loại hình, từ kịch nói, tuồng, chèo, xiếc tới các xưởng phim… đối với Hồng Nga là “chuyện thường ngày ở huyện”. Có đêm, thân gái dặm trường phải di chuyển tới ba sân khấu hội diễn nhưng Nga vẫn không ngần ngại. 

Người được ghi danh kỷ lục

Ống kính phóng viên Hồng Nga bám sát những người nghệ sĩ bên cánh gà, len lỏi qua các hàng ghế khán giả, mô tả người diễn ở các góc độ khác nhau, cận cảnh từ giọt mồ hôi lao động nghệ thuật đọng trên khuôn mặt diễn viên, từ sàn diễn đến chụp ảnh chân dung các thế hệ diễn viên nam, nữ ngoài đời thường. Từ đó Hồng Nga tích lũy được nhiều tác phẩm không chỉ để dự thi ảnh nghệ thuật, in báo, mà còn tổ chức hẳn một triển lãm ảnh cá nhân chuyên ngành hồi năm 1999 mang tên: “10 năm sân khấu trong tôi” tại các thành phố Sài Gòn, Hà Nội, Huế, Nha Trang, Cần Thơ, đồng thời cho xuất bản cuốn sách ảnh cùng tên.

Nhớ lại thời còn đang học lớp đạo diễn sân khấu 1984 - 1989, trường Nghệ thuật Sân khấu II, TP.HCM, Hồng Nga đã cầm máy ảnh và chụp nhiều về ngành này để in báo. Nhà văn Ngọc Linh, lúc đó làm Phó Tổng biên tập Báo Sân khấu thành phố, thấy ảnh Nga chụp đẹp liền mời Nga về làm phóng viên ngay khi mới tốt nghiệp. Trải qua 5 năm học sân khấu, Hồng Nga có thế mạnh am hiểu và đồng cảm với diễn viên nên khi chị bấm máy, khuôn hình có thể lột tả thần thái nhân vật, trạng thái nhiều vai diễn trên sân khấu. Là nghệ sĩ nhiếp ảnh, từng chụp nhiều thể loại, nhưng đề tài về sân khấu luôn được Nga ấp ủ, gắn bó như máu thịt của mình. Từ 1999 – 2004, vừa vặn 6 năm, đúng dịp chào mừng Festival Huế, Hồng Nga lại có triển lãm cá nhân lần hai: “Nghệ sĩ và vai diễn trên sân khấu tuồng” tại trụ sở Hội VHNT Thừa Thiên Huế và tiếp theo là triển lãm chào mừng Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 2005 ở Nhà văn hóa Phụ nữ Việt Nam tại Hà Nội. Nhân dịp 1.000 năm Thăng Long, Nga lại có triển lãm ảnh “Múa rối nước truyền thống” tại Trung tâm Văn hóa Pháp (IDECAF), Sài Gòn.

Với hàng ngàn ảnh về sân khấu đã in báo và với 3 triển lãm cá nhân chuyên ngành này, có thể nói Hồng Nga là người đầu tiên và duy nhất (tính đến nay) có nhiều ảnh về thể loại này. Vì lẽ đó, ngay từ năm 2006, Hồng Nga đoạt được giấy chứng nhận xác lập kỷ lục gia, được ghi danh trong “sách kỉ lục Guinness Việt Nam” – Người chụp ảnh sân khấu nhiều nhất!

Tác phẩm “Đi lễ”

Chơi ảnh, vẽ tranh

Tham gia CLB Nhiếp ảnh nữ Hải Âu TP.HCM và là một trong những thành viên sáng lập, từ 1990 đến nay, Nga thường xuyên cùng chị em đi sáng tác. Năm 2005, Nga cùng 6 thành viên CLB có cuộc hành trình xuyên Việt bằng xe máy Honda, vừa đi vừa chụp, qua nhiều tỉnh thành, vượt hơn 2.000 cây số, 18 ngày ròng rã mới tới Hà Nội. Một trong những chuyến đi xa từng để lại cho Nga kỷ niệm nhớ đời là lần lên Sapa, bị ngã xuống sát bờ vực… nhưng thật may là người không hề hấn gì, và một điều may mắn khác là máy ảnh vẫn còn nguyên trong túi. 

Chồng mất sớm, một mình nuôi con, Hồng Nga vượt lên trên mọi nỗi lo toan riêng tư để có được những thành công trong nghệ thuật nhiếp ảnh với việc được phong những danh hiệu “để đời”: Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Việt Nam (E.VAPA); Nghệ sĩ nhiếp ảnh xuất sắc Liên đoàn nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế (E.FIAP) và hàng trăm giải thưởng lớn nhỏ: “Nghề gốm truyền thống” - giải ACCV Nhật Bản 1997; “Hồn nhiên” - giải ASAHISIMBUN Nhật; “Tuổi xuân” - Huy chương Đồng cuộc thi DVM Ấn Độ 1998; “Bức tranh quê ngoại” – giải B ảnh xuất sắc quốc gia 1995; “Tam Cốc” - giải Nhất cuộc thi “Nét đẹp du lịch 2010; “Ba thế hệ” - giải A ảnh xuất sắc quốc gia 2011 của Hội nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam…

Là người đa năng, đa tài, nghỉ dạy học sang làm báo rồi chơi ảnh nghệ thuật, vẽ tranh, Hồng Nga còn làm cả thơ nữa. Năm 2000, chị quay sang học hội họa, tham gia nhóm “Hương cỏ”, vẽ tranh, triển lãm bán lấy tiền làm từ thiện. Năm 2007, Hồng Nga ra cuốn sách “Mơ trăng”. Thơ nhưng lại có in ảnh minh họa của cùng một tác giả. Đúng là một hiện tượng hiếm. Cũng năm này, Hồng Nga chủ trì xuất bản tập I “Sức sống Việt Nam” vừa in tranh vừa in ảnh của nhóm họa sỹ được mời. Đến năm 2009 lại ra tiếp tập II, tập hợp ảnh đẹp của 44 nhiếp ảnh gia chuyên và không chuyên trên toàn quốc. Tất cả đều nhằm làm từ thiện và giúp đỡ những nhà nhiếp ảnh có hoàn cảnh khó khăn.