Nghệ sỹ lề đường

(ANTĐ) - Giữa phố thị phồn hoa, ồn ào và náo nhiệt, đâu đó vẫn còn những con người thầm lặng, bình dị giữ gìn nét đẹp văn hóa của Hà Nội xưa để lại. Cuộc sống của họ gắn liền với những gốc cây, con đường, góc phố… Hơn 50 năm qua, “nghệ sỹ lề đường” là cái tên du khách đặt cho ông Lê Văn Quý.

Nghệ sỹ lề đường

(ANTĐ) - Giữa phố thị phồn hoa, ồn ào và náo nhiệt, đâu đó vẫn còn những con người thầm lặng, bình dị giữ gìn nét đẹp văn hóa của Hà Nội xưa để lại. Cuộc sống của họ gắn liền với những gốc cây, con đường, góc phố… Hơn 50 năm qua, “nghệ sỹ lề đường” là cái tên du khách đặt cho ông Lê Văn Quý.

Bao nhiêu năm qua, ông Quý vẫn ngồi bên hồ Gươm, cẩn thận với từng nét bút

Bao nhiêu năm qua, ông Quý vẫn ngồi bên hồ Gươm, cẩn thận với từng nét bút

Ai có dịp ghé ngang qua con đường Đinh Tiên Hoàng nếu để ý sẽ gặp một ông già trạc tuổi 70 có khuôn mặt phúc hậu, miệng luôn nở nụ cười, hàng ngày vẫn ngồi dưới cây đa cổ thụ bên bờ hồ Gươm. Không kể ngày mưa hay nắng, cứ 7h30 là ông có mặt đến 17h30 mới về nhà. Hơn 50 năm nay, thầm lặng, kiên trì ông gắn bó với nghề khắc chữ lên bút. Sinh năm 1940 tại Hà Nội, nhưng quê gốc ở Hưng Yên. Thuở nhỏ gia đình nghèo khó không được học hành đến nơi đến chốn, Lê Văn Quý chọn cho mình nghề đóng giày. Nhưng rồi ông lại chọn nghề khắc vẽ làm kế sinh nhai.

Đồ nghề gồm chiếc bút khắc bằng sắt do ông  tự chế, một chiếc tuốc nơ vít, mấy chiếc bút mực và  phấn màu được đặt trong chiếc hộp nhỏ. Ngoài khắc bút, ông có thể khắc lên tất cả đồ dùng hoặc tặng phẩm theo yêu cầu của khách như nhựa, gỗ, tranh sơn mài. Mấy mươi năm là khoảng thời gian ông không rời xa cây bút. Hà Nội thời trước, mỗi gốc cây, mỗi góc phố có nhiều người hành nghề này, nhưng giờ chỉ còn lại mình ông. Tôi hỏi làm cái nghề này thu nhập được bao nhiêu? Ông nhỏm nhoẻn cười rồi gửi chút nỗi niềm như tìm được người tri kỷ: “Mê nghề nên mới đèo bòng đến tận hôm nay”.

Bao nhiêu người, bao thế hệ đã đi qua, nhưng trong ông vẫn còn nhớ như in những con người, kỷ niệm mấy mươi năm về trước. Những ngày kháng chiến năm đó, lớp thanh niên Thủ đô xung phong lên đường nhập ngũ hiến tuổi xuân cho độc lập, hòa bình.  Ông kể: “Hồi đó, thanh niên lên đường chưa hẹn ngày trở lại, để lại nỗi nhớ nhung, yêu thương cho gia đình và người thân. Ngày ra đi hầu như ai cũng mang theo hay để lại kỷ vật làm niềm tin hẹn ngày đoàn tụ, nhất là những đôi trai gái yêu nhau họ đều tìm đến ông”. Và nhờ cái nghề này ông cảm thấy vui lây với tình cảm của họ. 50 năm qua không nhớ rõ bao nhiêu cây bút sắt đã mòn. Không nhớ rõ bao con người, thế hệ đã đi qua, nhưng ông chắc chắn một điều rằng mỗi dòng chữ, hình ảnh về phố cổ, tháp rùa hồ Gươm, về Hà Nội, về quê hương Việt Nam do chính ông khắc trên những kỷ vật đều mang lại  niềm vui cho họ.

Tâm giao với người bạn cũ sau 15 năm

Tâm giao với người bạn cũ sau 15 năm

Có lần, khi ông đang ngồi chăm chú vẽ lưu niệm cho khách bỗng có một chiếc xe ô tô dừng lại. Hai người đàn ông trên xe bước xuống trên tay cầm một chiếc bi đông bằng đồng sáng lóa còn nguyên dòng chữ họ tên, quê quán ngày nhập ngũ của một người lính. Những dòng chữ này do chính tay ông khắc từ hơn 30 năm về trước. Thì ra do chiến tranh người con bị thất lạc nên ông bố muốn xác định rõ ràng để nhận lại con. Cũng nhờ những nét khắc của ông mà nhiều gia đình nhận ra người thân, tìm được đúng mộ liệt sỹ nhờ vào những kỷ vật, những vật dụng mang bên mình.

Giờ đây ở cái tuổi xưa nay hiếm, nhưng ông còn khỏe lắm. Nhiều người bảo ông nghỉ thôi vì bây giờ có mấy ai khắc bút nữa đâu. Nhưng ông bảo, trời cho mình sống ngày nào hay ngày đấy, còn sức cầm nổi cây bút tôi còn khắc, còn ra đây ngồi. Lẫn giữa dòng người, xe cộ đang hối hả  chen chúc đổ về các hướng, chiếc xe đạp cọc cạch đưa ông luồn lách qua các con phố nhỏ để sáng sáng đến ngồi dưới gốc cây cổ thụ bên hồ Gươm và chiều chiều lại trở về ngôi nhà nhỏ bình dị thân thương. Khắc bút đã là một nghề cũ của Hà Nội nhưng dường như với ông thì nó chưa bao giờ cũ.

Hà Long