Nghệ sỹ Đào Kế Đoàn: Làm đủ nghề để "nuôi" kịch câm

ANTĐ - Là nghệ sỹ kịch câm duy nhất còn làm nghề của Việt Nam, Đào Kế Đoàn trong thời gian tới sẽ ra mắt khán giả chương trình độc diễn kịch câm kết hợp cùng tuồng,  chèo. Ý tưởng này của anh không nằm ngoài mục đích lôi kéo khán giả đến với bộ môn nghệ thuật đang chìm dần vào quên lãng. 

Đào Kế Đoàn miệt mài với nhiều dự án nghệ thuật để “giữ” kịch câm

- PV: Anh có tủi thân không khi thấy nghệ sỹ kịch câm nổi tiếng Nhật Bản Iimuro Naoki khi biểu diễn tại Hà Nội vào tháng 3-2013 luôn đầy ắp khán giả, trái ngược với chương trình kịch câm Việt Nam thường diễn ra trong lặng lẽ?

- Nghệ sỹ Đào Kế Đoàn: Khi xem Naoki biểu diễn, tôi thấy trong người phừng phừng ý tưởng cho những dự án kịch câm tại Việt Nam. Naoki đã khích tôi phải làm và làm nhiều hơn thế. Về kỹ thuật biểu diễn, tôi không thua kém người nghệ sỹ này. Nhưng quan trọng, Naoki đã biết móc nối kịch câm với các loại hình nghệ thuật khác như khiêu vũ, break dance, nhảy Michael Jackson… rất hấp dẫn khán giả đặc biệt là khán giả trẻ. So với Naoki, tôi còn hơn anh ấy vì tôi biết nhảy Poping, biết khiêu vũ tôi vừa là đạo diễn vừa là nhà biên kịch (cười). 

- Và ý tưởng về một chương trình kịch câm kết hợp cùng tuồng, chèo đã ra đời vì những lý do trên?

- Một phần là như vậy. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới và xem chương trình biểu diễn của các nước bạn, tôi chưa thấy nơi nào kết hợp kịch câm và các loại hình nghệ thuật truyền thống của họ. Ở khoản này, chắc tôi là người đầu tiên rồi (cười). 

- Để liều được, chắc anh cũng phải căn cứ trên cơ sở thực tế chứ? 

- Tất nhiên là như vậy rồi! Tôi thấy khán giả đến với kịch câm của anh Naoki rất hồ hởi, họ nín thở để thưởng thức các màn trình diễn. Điều đó cho thấy, kịch câm vẫn còn được khán giả yêu mến nhiều lắm. Có điều, người nghệ sỹ có biết cách khơi dậy niềm yêu thích và tò mò của khán giả đến với kịch câm hay không. Tôi là một người khá am hiểu về tuồng. Trước đây, tôi từng đến Nhà hát Tuồng Việt Nam để học và biểu diễn một số trích đoạn tuồng chính thống. Rồi từ đó, tôi còn phóng tác từ tuồng thành kịch câm khá hấp dẫn. Đối với chèo cũng vậy. Nhưng để làm được chương trình này, tôi sẽ tìm gặp thêm nhiều nhà nghiên cứu, các diễn viên chèo để tìm hiểu thêm. 

- Kịch câm có đủ nuôi sống anh không?

- Hiện nay, tôi nuôi dưỡng kịch câm thì đúng hơn là kịch câm nuôi sống tôi. Tôi vẫn đang tự bỏ tiền túi để duy trì hoạt động của đoàn nghệ thuật khiếm thính UIA, CLB yêu thích kịch câm. Còn để tồn tại với nghề, tôi làm thêm đủ thứ từ khiêu vũ, điện ảnh, dàn dựng chương trình đến MC… miễn sao, tôi thấy khán giả vẫn chưa quên kịch câm là được. 

- Với chương trình này, nếu anh lại phải bỏ tiền túi ra bù lỗ, anh có ân hận không?

- Tôi phải có cách của tôi chứ! Chương trình này tôi không chỉ thuần túy làm cho người lớn mà có thể tôi sẽ chia chương trình thành 2 buổi biểu diễn, một buổi độc tấu dành riêng cho khán giả nhỏ tuổi và một buổi dành riêng cho người lớn để đáp ứng yêu cầu thị hiếu của khán giả. Và dịp ra mắt của chương trình sẽ rơi vào tầm tháng 7 đến tháng 9, thời gian nghỉ hè của các cháu đến rằm Trung thu. Đây là khoảng thời gian sôi động nhất của sân khấu phía Bắc để sao cho ít nhất là hòa vốn. 

- Sau mấy chục năm gắn bó với kịch câm và là nghệ sỹ của Nhà hát Tuổi trẻ, sao đến giờ anh vẫn chỉ dừng lại ở danh hiệu “nghệ sỹ” thôi?

- Kịch câm có cái khó là không thi cử với ai. Trong khi đó, tiêu chí để xét NSƯT cần đến HCV, HCB…Vậy, tôi biết bói đâu ra? Nhưng với tôi, được NSƯT hay không đâu quá quan trọng, cơ bản, khán giả mỗi khi nhắc đến kịch câm nhớ ngay đến tôi là vui rồi. 

- Xin cảm ơn nghệ sỹ!