Nghe sóng hát ru nơi ngã ba sông Hồng, sông Đuống

ANTD.VN - Nắng vàng như rót mật trên đê ven sông Đuống. Con sông có tên Thiên Đức uống nước nguồn của sông Hồng, tạo nên phong cảnh thơ mộng của ngã ba sông Hồng - sông Đuống và bồi đắp nên vùng đất trù phú có cái tên thật đẹp - xã Xuân Canh, thuộc huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, trấn Kinh Bắc xưa, nay thuộc huyện Đông Anh, ngoại thành Hà Nội. Ở đó có những ngôi làng là chứng nhân oanh liệt thời kháng chiến như: Xuân Trạch, Bắc Cầu, Lực Canh, Văn Tinh...

Đoàn rước nước ở Hội làng Xuân Trạch cầu Quốc thái dân an ngày mùng 10 tháng ba âm lịch hàng năm

Nơi bắt đầu sông Đuống có đền Cửa Sông thờ Thánh Mẫu là bà Trương Trinh Ngoạn (còn gọi là Ngoạn Phi Vân), mẫu thân của Thành Hoàng làng Xuân Trạch, là một di tích lịch sử - kiến trúc - nghệ thuật nổi tiếng của vùng ngã ba mênh mông trời biếc soi xuống dòng sông đỏ màu hoa đào. Dân các nơi, nhất là dân chuyên trên sông nước, thường đến đền cúng lễ cầu may.

Cách đền không xa, nhìn lên phía Bắc là cây gạo Ba Đê, một địa điểm liên lạc và hội họp bí mật của Ban Thường vụ Trung ương Đảng những năm 1941-1945, đã trở thành di tích lịch sử - văn hóa; nhìn xuôi xuống phía Nam là di tích lịch sử pháo đài Xuân Canh - sừng sững trên mặt đê bên chùa Vân Hoạch.

Du khách đã đến Xuân Canh một lần, sẽ không thể quên cảnh tượng hùng tráng mà rất nên thơ. Bên kia đền Cửa Sông, làng Bắc Cầu như bán đảo, xưa thuộc xã Xuân Canh, nay thuộc phường Ngọc Thụy, nhô ra tựa chiếc giày cỏ, với vườn tiếp vườn xanh ngắt soi bóng bên sông Đuống. Mũi đất “chiếc giày cỏ” có tên là Bãi Soi, trên đó đền Linh Giang Từ linh thiêng trấn giữ vùng đất - trời của tiền nhân để lại.  

Thư thái vãn cảnh đền chùa, tôi đã nghe dân làng kể rằng, ven sông, bãi dâu mênh mông xanh thẫm chân đê, từ Xuân Trạch đến Lực Canh, Văn Tinh. Chợ họp trên bãi dâu nên có tên là chợ Dâu họp một tháng sáu phiên vào ngày 3 và ngày 8 và là một trong ba chợ của xứ Đông Ngàn - Kinh Bắc: chợ Phù Lưu, chợ Đình Bảng, chợ Dâu. Trên bến dưới thuyền tấp nập, chợ Dâu hội đủ các mặt hàng gỗ, tre nứa lá từ miền núi về; nước mắm của làng Quèn (Nghệ An), Bạng (Thanh Hóa); hàng nguyên vật liệu xây dựng, vôi từ Ninh Bình, Hà Nam đưa  ra…

Chính là “con mắt thần” của Chỉ huy trưởng Mặt trận Hà Nội - ông Vương Thừa Vũ - đã nhận ra thế đắc địa, hiểm yếu của vùng ngã ba sông, thẳng theo đường chim bay là Cửa Bắc của thành Hà Nội, nên đã bố trí một trận địa pháo ngay giáp chùa Vân Hoạch. Ông Voi - cách gọi yêu mến của nhân dân dành cho khẩu pháo DCA 75 của Binh chủng pháo binh - được cán bộ chiến sĩ Trung đội pháo do ông Doãn Tuế là Trung đội trưởng và quân dân Xuân Canh bảo vệ. 

Câu chuyện Ông Voi về ở Xuân Canh được người dân Xuân Canh nhớ mãi. Bà Nguyễn Thị Uyển, ở thôn Văn Tinh, vốn là nữ cứu thương thời đó, nay đã ngoài 90 tuổi chậm rãi nói: “Lúc đó tôi còn trẻ, chẳng  biết sợ  là gì, cứ đi thôi. Đi họp đêm, đi học chữ quốc ngữ, rồi kháng chiến thì đi lên chùa nắm cơm, tiếp tế cho bộ đội; vui lắm cô ạ!”.

Anh Nguyễn Khắc Chinh, Hội trưởng Hội Cựu chiến binh Xuân Canh, người đưa tôi đến thăm cụ Uyển, góp thêm: “Cụ Trịnh Bá Cát nhường cho bộ đội ở cả ngôi nhà mình, còn vườn làm nơi cất giấu các bộ phận của pháo và làm xưởng sửa chữa pháo. Gia đình cụ Trương Hữu Bắc không chỉ nhường cả ngôi nhà hai tầng cho Ban chỉ huy Trung đội mà còn động viên cả hai con là Trương Hữu Giảng và Trương Hữu Đông gia nhập Trung đội pháo”.

Ngôi nhà của cụ, nay vẫn ở gần chân đê, phía sau pháo đài vài chục mét, thật xứng là một di tích kháng chiến. Sự cụ Đàm Vân khi ấy trụ trì chùa Vân Hoạch đã cho bộ đội đóng quân trên chùa, còn vườn chùa thì thành công sự của trận địa pháo. Những trận pháo ta gầm rung chuyển đất trời Xuân Canh, nã đạn vào thành Cửa Bắc đêm 19-12-1946, sau đó, hạ thấp nòng để bắn ca-nô giặc trên sông Hồng, bảo vệ vùng Tây Bắc thành phố, là khúc tráng ca anh hùng trên vùng đất Xuân Canh trù phú. Đầu xuân 1947- xuân Đinh Hợi, Ông Voi được lệnh rút lên Việt Bắc cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Cụ Nguyễn Thị Uyển nhớ như in ký ức 70 năm trước tham gia phụ nữ cứu quốc xã Xuân Canh

Bộ đội pháo đài tạm biệt dân làng đúng đêm 30 tháng Chạp, biết bao bịn rịn trong tình quân dân. Giữa xuân, trong màn sương dày đặc, các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô được người dân chở bằng thuyền “Đinh” và thuyền “Tam ban” từ bến của Bãi Giữa - Tàm Xá, vượt sông Hồng sang bến Dâu, ngược đê lên phía Bắc Xuân Canh, ra hậu phương an toàn.

Tôi chợt nhớ lại và liên tưởng bức ảnh lịch sử trong bộ sưu tập của  ông Đỗ Chí - chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô: Hình ảnh bộ đội đang hành quân trên đê sáng 18-2-1947, đã gieo nhiều cảm xúc và suy tưởng cho chúng tôi đã may mắn được gặp và nghe chuyện của các chiến sĩ đẹp như huyền thoại. Nhạc sĩ Lương Ngọc Trác, chiến sĩ tự vệ phố Hàng Gai, gia nhập Trung đoàn Thủ đô và sáng tác một số nhạc phẩm để đời “Mơ đời chiến sĩ”, phổ thơ Mạc Tần; “Thủ đô huyết lệ”, phổ thơ của một chiến sĩ trong Trung đoàn - Trịnh Đình Báu; “Ngày về” phổ thơ Chính Hữu.

Tôi vẫn như thấy ông đang ở trước mắt tôi, hào sảng hát cùng đồng đội ở Phòng Văn hóa - Thông tin Tràng Tiền. Mái tóc bạc như cước, nhạc sĩ cùng bạn thân là ông Đỗ Chí hồn hậu khi kể lại tích xưa: “Chúng tôi là dân phố cổ, chả biết đường đi lối lại ở Bãi Giữa ra sao. Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại, vốn là những tự vệ của Bãi Giữa Bắc Biên (nay thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên), dẫn chúng tôi ra khỏi ngõ Phất Lộc đêm 17-2-1947; khi qua đò, rồi đặt chân lên đồng đất giữa ngàn dâu, cứ tưởng là ra đến đất hậu phương an toàn, bèn rủ nhau đốt pháo ăn mừng. Ấu trĩ thế đấy! Chúng tôi bị cán bộ “quạt” cho ngay một trận nảy lửa. Mờ sáng 18-2-1947, chúng tôi mới từ bến đò của Bãi Giữa - Tàm Xá qua sông Hồng, lên đê Xuân Canh. Anh em nối nhau hành quân trong sương giá mù mịt. Một số anh em chẳng may bị lạc thì đêm 18 rạng sáng 19-2 mới qua sông được, nên chúng tôi không hề biết rạng sáng 19-2-1947, quân Pháp huy động thủy - lục - không quân đuổi theo dấu chân bộ đội Trung đoàn và hỏa thiêu làng Tứ Tổng để tìm diệt bằng được những chiến sĩ đã dựng chiến lũy giữa lòng thành phố chiến đấu kiên cường 60 ngày đêm. Sau ngày hòa bình, có dịp gặp anh Nguyễn Công Trân, tức Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Minh Tiến, anh ruột của liệt sĩ Nguyễn Công Quảng, là đội viên của Đội liên lạc, chúng tôi mới biết Đội trưởng Nguyễn Ngọc Nại và 7 đội viên của Đội đã hy sinh trong trận chiến đấu với địch ở Tàm Xá để bảo vệ Trung đoàn”. 

Các  liệt sĩ của Đội liên lạc Nguyễn Ngọc Nại đã được đưa sang chôn cất ở Bãi nhãn cổ  ven đê thôn Lực Canh. Trải bao nắng mưa, bao trận bão lũ, nước dâng, mà thật lạ kỳ, đất bồi phù sa của Bãi nhãn đã giữ gìn hài cốt các Anh suốt gần nửa thế kỷ (từ năm 1947 đến 1991). Khi tu sửa xong Nghĩa trang liệt sĩ, Đảng bộ và nhân dân Xuân Canh đưa các Anh về nghĩa trang, thắp nén hương thơm, đời đời ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ.

Trong gió xuân hây hẩy, ngắm sông nước mênh mang soi bóng cầu Nhật Tân vẫn cuồn cuộn chảy về xuôi, cảm nhận rõ hơn dòng lịch sử, dòng đời cứ trôi theo năm tháng; nhưng câu chuyện cổ tích hào hùng và đầy bi tráng mùa xuân năm 1947 của những người dân bình dị mà anh hùng nơi ngã ba sông - cũng là nơi bắt đầu của sông Đuống - in trong khói hương đền Cửa Sông, chùa Vân Hoạch; trong những câu chuyện kể của các cụ cao niên; trong Nghĩa trang liệt sĩ quanh năm nghe sóng sông hát ru… 

Nhớ câu thơ của Nguyễn Đình Thi: “Nước chúng ta/ Nước những người chưa bao giờ khuất/ Đêm đêm rì rầm trong tiếng đất/ Những buổi ngày xưa vọng nói về”.