Nghệ sĩ trẻ chưa được giáo dục đạo đức nghề nghiệp

ANTĐ - Chia sẻ về xu hướng Hàn Quốc thời gian gần đây của nghệ sĩ trẻ Việt Nam cũng như về nền công nghiệp giải trí Việt - Hàn, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung (ảnh) thẳng thắn bày tỏ quan điểm: “Việc giáo dục tư cách và đạo đức nghề nghiệp cho nghệ sĩ trẻ hiện nay không được ai quan tâm”. 

Nghệ sĩ trẻ chưa được giáo dục đạo đức nghề nghiệp ảnh 1

- PV: Từng tiếp cận với nền công nghiệp giải trí Hàn Quốc (dù dự án không hoàn thành như mong muốn), anh đánh giá thế nào về công nghệ giải trí của Hàn Quốc?

- Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung: Tiếp xúc chỉ với một công ty thì không đủ thông tin để đánh giá cả một nền công nghệ giải trí. Tuy nhiên, nếu bỏ qua những thái độ tiêu cực, có phần xem thường nghệ sĩ  Việt Nam của đơn vị đó, thì tôi vẫn phải công nhận rằng họ rất chuyên nghiệp. Từ việc luôn đúng giờ trong mọi cuộc hẹn, đến sự chuẩn bị kỹ lưỡng trong từng khâu nhỏ nhất. Họ cẩn thận xem xét mọi chi tiết, tìm hiểu cặn kẽ mọi rủi ro và lên kế hoạch công việc ở cường độ áp lực cao.  Nhờ những tính cách đó mà Hàn Quốc đã có được nền công nghiệp giải trí rất mạnh trong khu vực và trên thế giới. 

- Theo anh, vì sao thị trường âm nhạc Việt Nam vẫn thua kém so với châu Á nói chung và Hàn Quốc nói riêng? Và điều gì khiến rất nhiều nghệ sĩ Việt Nam chạy theo xu hướng Hàn Quốc, không ngại cả việc đạo nhạc, phong cách…?

- Nguyên nhân thì nhiều lắm, từ cách quản lý không rõ ràng và chặt chẽ, cho đến việc chưa sẵn sàng cho tư tưởng phát triển hội nhập, dẫn đến việc nghệ sĩ trẻ dễ dàng lợi dụng kẽ hở luật pháp để phá hợp đồng, không tôn trọng công sức tiền bạc của công ty quản lý, dẫn đến việc chất  xám sáng tạo của nhạc sĩ bị nhiều nơi, nhiều người dùng “chùa” không trả phí. Rồi khán giả cũng quá dễ dãi trong việc tiếp nhận và chia sẻ thông tin trên báo chí nên những nghệ sĩ trẻ năng lực yếu kém vẫn có thể lợi dụng điều này kiếm lợi cho mình bằng những scandal gây sốc, hay những bài nhạc với nội dung nhảm nhí. 

- Nói như anh thì các nghệ sĩ trẻ hiện nay hình như vẫn thiếu điều gì đó?

- Việc giáo dục tư cách và đạo đức nghề nghiệp cho nghệ sĩ trẻ hiện nay không được ai quan tâm, chúng ta cứ để mặc họ phát triển tự nhiên như cây rừng, chỗ nào may mắn có được ánh nắng thì vươn thẳng, chỗ nào đầy bóng tối thì cứ lùm xùm, nhưng nghịch lý là những nơi lùm xùm lại có nhiều quả hơn, dù đa số là quả độc. 

- Để có được nền công nghiệp giải trí lớn mạnh như Hàn Quốc, thị trường âm nhạc Việt Nam cần những yếu tố gì? 

- Cần thay đổi bản thân, thay đổi suy nghĩ: từ các cơ quan lãnh đạo quản lý nghệ thuật, đến báo chí, đến  khán giả và cả nghệ sĩ! Ở một nơi mà nghệ sĩ nổi tiếng trốn nghĩa vụ quân sự sẽ bị toàn thể khán giả khinh miệt và tẩy chay, sự nghiệp sụp đổ và một nơi nghệ sĩ chỉ cần cởi đồ hay khoe xe tiền tỷ là được khán giả tung hô đón nhận, được tăng catse và nghiễm nhiên xem như ngôi sao. Ở một nơi mà người nghe chỉ cần nhấp chuột để nghe một bài hát mới cũng phải trả phí và một nơi người nghệ sĩ đầu tư cả trăm triệu làm album đầy tâm huyết nhưng không bán được chiếc đĩa gốc nào, toàn album bị đưa lên mạng mà không ai ngăn cấm được. Khỏi phải nghĩ chúng ta đều hiểu là sự khác biệt đó do đâu, đó là ý thức!

 - Nếu có đề nghị hợp tác với đối tác Hàn Quốc để gây dựng dự án âm nhạc không may bị đổ bể trước kia, anh có đồng ý?

- Có thể, vì một công ty không phù hợp không có nghĩa là tất cả đều không phù hợp. Tôi  luôn tin rằng ở một thời điểm nào đó, tôi sẽ gặp một đối tác nào đó có thể giúp tôi hoàn thành  giấc mơ lớn của mình. 

Cuối năm 2014, nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung kết hợp với đối tác Hàn Quốc - Công ty DKS thực hiện dự án âm nhạc là một liveshow riêng mang tên My Dream (Giấc mơ của tôi) với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng gắn bó với tác giả “Nhật ký của mẹ” trong đời sống âm nhạc. Tuy nhiên, do phía DKS không thực hiện đúng những thỏa thuận nên nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung buộc phải hủy show vào phút chót.