Nghệ sĩ tranh luận về dạy trẻ lòng yêu nước

ANTĐ - “Giai điệu Tự hào số 5” phát sóng tối 31-5 mang tới những cuộc tranh luận sôi nổi quanh việc nuôi dạy trẻ từ những điều nhỏ bé, đặc biệt là dạy trẻ về lòng yêu nước, về ý trí quyết tâm đánh giặc cứu nước.

7 ca khúc được biểu diễn trong chương trình là 7 mảnh ghép nhỏ tạo nên bức tranh lớn về trẻ em thời gian khó. Dù có những ý kiến khen chê trái chiều về cách làm mới những giai điệu quen thuộc, nhưng chắc chắn bất cứ ai cũng tìm thấy một chút của mình khi nghe cuộc đối thoại của khách mời và nghe cả ngôn ngữ kể chuyện bằng âm nhạc của các nhạc sĩ.

Song ca cùng ca sĩ nhí Tiến Quang, Vũ Song Vũ thể hiện rất thành công ca khúc “Lỳ và Sáo” của nhạc sĩ Văn Chung. Bản phối hiện đại cộng thêm việc xử lý thông minh và cách nhả chữ khá “Tây” ảnh hưởng từ huấn luyện viên Thanh Bùi, đã khiến ca khúc với tiết tấu chậm rãi nguyên gốc, trở nên mới mẻ hơn rất nhiều. Việc mang phần dàn dựng rối bóng đặc sắc vào ca khúc cũng góp phần vào thành công của tiết mục biểu diễn. 87,77% là tỷ lệ bình chọn tại trường quay cho tiết mục này. 

 
Ca khúc này cũng châm ngòi cho cuộc tranh luận gay gắt từ hai hội đồng khách mời bình luận. Nếu như nhiếp ảnh gia Na Sơn và nhạc sĩ Nguyễn Vĩnh Tiến cho rằng: dù tác phẩm này rất hay nhưng không nên phổ biến với giới trẻ, mà nên giới hạn phạm vi biểu diễn ca khúc ở không gian nghệ thuật nhất định. Và rằng lớp trẻ, nhất là các em thiếu niên nhi đồng, mà nghe những câu chuyện về bạo lực, về giết người như thế này thì không hay.
  

Tuy nhiên nam diễn viên Xuân Bắc lại có quan điểm trái ngược hoàn toàn. Anh bảo vệ quan điểm của mình bằng việc chia sẻ cách dạy dỗ con mình: “Khi cần bảo vệ cho điều gì đó mà mình cho là lẽ phải, thì phải đánh cho quân địch không kịp trở tay thay quần áo. Không thể nhầm giữa khái niệm tương thân tương ái, giúp đỡ người, yêu người, với việc đấu tranh được. Tôi nghĩ rằng hơn bao giờ hết chúng ta phải dạy cho trẻ em biết về việc phải đổ máu vì những điều thiêng liêng và cao cả. Tôi rất thích câu: “Nhịn người nhịn tới mức không tổn hại tới sinh tồn thì thôi. Đấu tranh với người đấu tranh tới mức sinh tồn được thì thôi. Nhạc sĩ ca khúc đã chỉ rõ rằng giặc ngoại xâm chiếm nước ta, giết người, đốt nhà. Vậy thì ta phải cầm súng bắn được thằng nào thì bắn vì không bắn nó, nó sẽ bắn ta, mình là phe chính nghĩa”.

 
Còn nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích thì lý giải: “Thực ra ta chẳng muốn cầm súng làm gì, chính kẻ thù ấn súng vào tay ta. Cần những hi sinh như vậy trong việc dạy con trẻ trong ý kiến của Xuân Bắc tôi rất thích thú, tôi cho rằng chúng ta phải làm như vậy. Còn bàn rộng quá về những vấn đề lịch sử và bài ca ấy đến hôm nay còn đáng sống hay không là chuyện quá dài”.

Đặt cuộc tranh luận vào bối cảnh chính trị xã hội như hiện tại, thiết nghĩ việc giáo dục tình yêu nước với trẻ em cũng là điều cần thiết, nhưng để tìm ra câu trả lời thỏa đáng chắc chắn không hề dễ dàng.

Một trong những tiết mục độc đáo nhất trong đêm diễn tối qua phải kể đến màn song ca của hai mẹ con ca sĩ Mỹ Linh và Mỹ Anh trong ca khúc “Đưa cơm cho mẹ đi cày”. Bất ngờ và thú vị hơn cả là nữ “diva” tóc ngắn lại gần như bị lu mờ trước giọng hát trong trẻo và cao vút của cô con gái nhỏ. Nhiều ý kiến cho rằng Mỹ Linh rất ít khi chịu “nhún” giọng khi song ca cùng ai, nhưng lần này thì chị đã chủ đích “nhường” sân khấu để làm bật lên giọng hát như thiên thần của Mỹ Anh.

Toàn bộ lời một của ca khúc do Mỹ Anh thể hiện, Mỹ Linh chỉ biểu diễn ở lời hai nhưng ngay từ câu hát đầu, nữ diva hát khá mờ. Ở những đoạn cao trào, cách lên giọng của chị khiến ca khúc hơi cứng, ít nhiều mất đi nét hồn nhiên trong trẻo của ca khúc vốn có. Trái ngược, bằng chất giọng trong như nước của mình, Mỹ Anh đã dễ dàng tái hiện hình ảnh cô bé lon ton trên bờ đê đi đưa cơm cho mẹ.

“Cha đẻ” của ca khúc – nhạc sĩ Hàn Ngọc Bích tỏ ra rất thích thú và hài lòng về phần biểu diễn của Mỹ Anh. Ông liên tục mỉm cười và đưa tay theo nhịp. Ở phần bình luận về ca khúc này, “ông giáo già” Hàn Ngọc Bích kể, trong ca khúc ấy có thực bởi vùng Thường Tín ông dạy học trước những năm 70, chuyện đưa cơm cho mẹ đi cày là chuyện thường thấy. Và cũng có cả chút riêng tư của nhạc sĩ, bởi khi viết ca khúc này suốt mấy tháng trời hình ảnh con gái đầu lòng “chẳng nuôi được” của ông cứ day dứt ông mãi không thôi. Nhận được 85,91%, phần biểu diễn “Đưa cơm cho mẹ đi cày” là một trong những ca khúc được các khán giả tại trường quay yêu thích nhất.

Bảng tổng sắp bình chọn của khán giả tại trường quay:

• Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng – Dàn hợp xướng thiếu nhi Trung tâm nghệ thuật Sol Art: 91,33%

• Lỳ và Sáo – Vũ Song Vũ & Tiến Quang: 87,77%

• Bé bé bằng bông – Kim Anh: 54,55%

• Chi đội em làm kế hoạch nhỏ - Tốp ca thiếu nhi Trung tâm nghệ thuật Sol Art: 50,59%

• Đi học – Hải Bột & Dàn dây: 61,31%

• Đưa cơm cho mẹ đi cày – Mỹ Linh & Mỹ Anh: 85,91%

• Mùa hoa phượng nở - Nhóm 5 dòng kẻ & Tốp ca thiếu nhi Nhà văn hóa Ba Đình: 94,41%

 Một số hình ảnh khác trong đêm diễn tối qua 31-5: