Nghệ sĩ Quốc Anh chưa bao giờ nghĩ mình là…“sao”

ANTĐ - Hát ngọt, diễn tài, lại vào đủ dạng vai trong chèo, nhưng người ta vẫn cứ nhớ đến NSƯT Quốc Anh với hình ảnh anh chàng Lý lác nhà quê sợ vợ, vẫn thích anh diễn hài kịch với đóng phim. Còn Quốc Anh, anh tự nhận mình nổi tiếng nhờ hài kịch nhưng cả đời này vẫn mê hát chèo…

Nghệ sĩ Quốc Anh chưa bao giờ nghĩ mình là…“sao”  ảnh 1


- PV: Từ khi làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội, thấy anh vắng bóng hẳn ở cả ngoài kệ đĩa lẫn trên truyền hình. Cuộc sống của nhà quản lý có xáo trộn lắm không? 

- Nghệ sĩ Quốc Anh: Cũng thay đổi nhưng không xáo trộn nhiều lắm. Thi thoảng bận quá quên chưa kịp đi… nhuộm tóc cho đỡ bạc thôi (cười). Nói đùa vậy chứ thay đổi lớn nhất là giờ giấc phải ổn định hơn, phải bỏ bớt “sô chậu” bên ngoài nên mới… vãn bóng thế đấy. Mới vừa rồi có dự án phim trong Sài Gòn mời tôi tham gia, tôi cũng thích lắm nhưng có dám nhận lời đâu. Giờ làm gì cũng phải nghĩ đến cả trăm con người khác trong Nhà hát nữa, nên phải cân đối thời gian sao cho hài hòa chứ không lơ mơ được.

- PV:  Nghệ sĩ mà ít “chạy sô” đồng nghĩa với việc giảm cơ hội kiếm khối tiền rồi, thật lòng anh có tiếc không?

- Các cụ vẫn bảo được cái lọ thì phải mất… cái chai mà (cười). Cái gì mà mình cũng được cả thì sao được. Nói gì thì nói, chèo là tâm huyết và khát vọng của cả đời tôi, từ khi tôi còn nhỏ cho đến tận bây giờ vẫn vậy. Thế nên dù được mọi người nhớ đến nhiều hơn với hình ảnh nghệ sĩ hài và diễn viên nhưng tôi vẫn thấy sung sướng nhất là những lúc được ngân nga hát chèo và được mọi người gọi là Quốc Anh chèo. 

- PV: Nhưng thú thực người ta vẫn nhớ đến Quốc Anh “râu quặp”, “Lý toét” với “Lý lác”  nhiều hơn, cả khi anh diễn chèo rất… tử tế. Điều ấy có làm anh chạnh lòng không?

- Tôi vẫn nhớ hồi Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội, tôi được giao vào vai vua Lý Công Uẩn trong đoàn rước từ Hoa Lư (Ninh Bình) về đến Hà Nội. Lần ấy tôi hóa trang uy nghiêm, vẻ mặt cũng uy nghiêm lắm. Thế mà nhiều người đứng xem hai bên đường cứ: “một, hai, ba… Lý toét”. Thật ra thì chẳng cứ gì chèo mà bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống nào để đến được với công chúng cũng chẳng dễ dàng gì. Nhiều người là NSND hẳn hoi nhưng khi giới thiệu thì có mấy khán giả biết được người ấy là ai. Thế nên tôi vẫn nghĩ thôi thì đã theo nghệ thuật truyền thống cũng chỉ mong sao đọng lại điều gì đó trong lòng công chúng là được rồi. 

- PV: Nhắc đến Lý lác,  hình như đấy là vai diễn hài “để đời” đầu tiên của anh thì phải?

- Đúng vậy, trước đấy thì tôi cũng có đóng một vai hài khác nhưng đến Lý lác thì mọi người bắt đầu nhớ đến mình. Mà thật ra lúc đấy diễn hài không phải là chủ định của tôi. Vai đấy tôi đóng cách đây gần 10 năm rồi, cũng có thể xem là dấu mốc quyết định trong sự nghiệp sân khấu của mình. Mà cũng chẳng dễ gì đâu nhé, nhận vai này là phải dày công tập… lác như thật đấy. Cũng may không có cơn gió độc nào chứ không khéo lại thành ra… lác thật. Tôi vẫn nhớ sau vai đó, có lần ra quán nhậu với bạn bè, có nhóm thanh niên ngồi bàn bên cạnh ngờ ngợ nên cứ xì xào rồi cá cược nhau xem tôi có phải Lý lác không. Chỉ đến khi tôi đưa cho họ xem chứng minh nhân dân thì họ mới tin và còn đãi chúng tôi một bữa. 

- PV: Cũng vì quen với hình ảnh… đểu đểu hấp ha hấp háy của anh rồi nên khi thấy anh diễn chèo, lại vào hẳn những vai vừa chính kịch lại vừa bi kịch, có khán giả ngồi dưới đã ồ lên và ví Quốc Anh như…“bông hoa” nở muộn trong chèo? 

- Tôi có nở sớm nở muộn gì đâu (cười). Nghệ thuật mà có đỉnh thì có biết bao nhiêu người vươn tới đỉnh rồi. Tôi vẫn nghĩ đã làm nghệ thuật thì lúc nào cũng phải tiến lên, phải vươn đến phía trước, hôm nay phải khác hôm qua và khác cả ngày mai. Tôi vẫn nhận mình nổi tiếng là nhờ hài kịch nhưng dù diễn hài hay bi cũng thế, nếu không có duyên mà cứ cố diễn thì mệt lắm. Tôi vẫn thích cái gì vừa phải, trong nghệ thuật nói là phải nói đúng với công chúng, trong cuộc sống cũng thế cứ cái gì quá là không chấp nhận được. Đó là quan niệm sống của tôi. 

- PV: Nghe thì thấy anh rất tỉnh và luôn đặt cho mình “giới hạn” khi bắt tay vào mọi việc rồi?

- Trên đời sợ nhất là mình không nhìn thấy mình, nhiều khi mình quá đà không biết bản thân mình đang ở chỗ nào để dừng lại. Tôi vẫn nghĩ những người khác có thể không nhìn thấy mình, nhưng ít nhất bản thân mình phải tự nhìn thấy mình, tỷ lệ từ 80% trở lên là tương đối an toàn, còn không thì… hỏng bét. Tôi luôn nhắc mình phải tự kiểm chứng xem mình đang rơi ở trạng thái nào, đang ở tầm nào là vì như thế. Nhưng nói thật là để làm được điều ấy, xin thưa là phải đến độ “đằm”, tức là đến tuổi khi con người ta đằm thắm hẳn lại.

- PV: Anh thì sao, anh thấy mình đã đến độ “đằm” hay chưa?

- Tôi nghĩ mình đến độ “đằm” cũng lâu rồi đấy, không ham hố bất kể điều gì bởi xác định rất rõ cái gì ham hố quá mà không vươn tới thì rất dễ rơi vào thất vọng, mà đã thất vọng thì tự dưng mọi việc cứ thế hỏng thôi.

- PV: Đã lúc nào anh soi gương mà vẫn… không tự nhìn thấy mình chưa?

- Có những khi mình không nhìn thấy mình ấy chứ, cứ thấy mình “thăng” đi đâu ấy, máu nghệ sĩ nó vậy mà. Nhưng quan trọng là tôi chưa bao giờ nghĩ mình là “sao” này hay “sao” nọ mà luôn tự nhủ rằng mình chẳng là gì cả, rằng “không cô thì chợ vẫn đông”. Tôi vẫn nói vui với mọi người rằng, trong vở chèo “Nàng Sita” mà Nhà hát chúng tôi dựng có bài: “Ngôi sao sáng trên bầu trời đã tắt”. Thôi đừng để mình đến lúc như thế thì… dở hơi lắm!

- PV: Xin cảm ơn và chúc anh thành công!