NSƯT Thành Lộc:

“Nghệ sĩ phải biết hy sinh cái tôi”

ANTĐ - Khác thường một chút mới là... nghệ sĩ. Để thăng hoa trong nghệ thuật người nghệ sĩ ngoài tài năng họ phải biết hy sinh cái tôi của riêng mình” - NSƯT Thành Lộc chia sẻ.

- PV: Sân khấu là thánh đường, mà anh lại là một “phù thủy”. Xin hỏi, tại sao người ta không gọi anh là thiên thần hay ông hoàng? 

- Nghệ sĩ Thành Lộc: Đúng là sân khấu đối với chúng tôi như một thánh đường. Nếu cho đó là thánh đường nghệ thuật thì người nghệ sĩ cũng có thể gọi nôm na là vị linh mục dẫn dắt các con chiên đồng hành với mình (chứ không phải đi theo mình). Danh từ “phù thủy” mà mọi người tặng, tôi xem đó là một lời khen ngợi. Vì phù thủy thì luôn có sự biến hóa và mê hoặc. Tạm bỏ qua sự khiêm tốn, tôi có thể nhận thấy trong cách biểu diễn của mình có thể mê hoặc được người xem. Tôi có khả năng thể hiện và biến hóa nhiều loại con người khác nhau trên sân khấu nên không có gì lạ khi tôi được cho là nhà ảo thuật hay một tay phù thủy. Nó không mang tính chất phỉ báng. Tôi rất thích “mỹ từ” này.  

- Tôi thật sự thắc mắc, ở tuổi của anh tại sao lại còn quá nhiều chất “trẻ thơ” để làm nên những ý tưởng cho các vở kịch thiếu nhi một cách thuyết phục đến vậy?

- Tố chất đó là cá biệt, vì làm sân khấu thiếu nhi không hề dễ dàng. Có nhiều nghệ sĩ tài ba lắm chứ, nhưng họ không nhảy qua được lãnh địa này. Chỉ một số ít thôi vì nó mang tính đặc thù hết sức riêng biệt. May mắn bên cạnh tôi còn có một số nghệ sĩ cũng “điên khùng” không khác tôi là mấy như Hữu Châu, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Đại Nghĩa, Đình Toàn… Họ có những thiên khiếu chẳng ai giống ai. Và điều quan trọng nhất là chúng tôi có khả năng diễn đạt lại chất trẻ thơ như thế.

- Hơn 10 năm nghệ sĩ Thành Lộc về với sân khấu Idecaf, anh có mãn nguyện với tất cả những gì anh cống hiến cho sân khấu này chưa?

- Rồi mà cũng chưa. Tôi đã tạo được thương hiệu cho sân khấu kịch Idecaf. Tạo được những vở diễn tin cậy mà khán giả tìm đến sự suy ngẫm sau khi giải trí. Tuy nhiên, tôi vẫn chưa hài lòng vì còn nhiều thứ chưa thật sự chuyên nghiệp. Tôi vẫn còn trăn trở vì chưa chủ động được sân khấu của mình, tất cả đều phải thuê mướn. 

- Người nghệ sĩ nói chung và anh nói riêng rất tài giỏi khi kiểm soát cảm xúc để hoàn thành vai diễn. Thế nhưng trong cuộc sống có khi nào sự tài hoa đó làm cho anh mất đi những cảm xúc như một người bình thường không?

- Cảm xúc mang yếu tố cá biệt sẽ quyết định sự thành công hay đẳng cấp của người nghệ sĩ. Đó là lý do tại sao cũng là một ca sĩ, kỹ thuật hát ai cũng như ai nhưng có người hát khiến người ta phải rơi nước mắt, nhưng cũng có người hát khán giả vẫn trơ ra… Biết kiểm soát cảm xúc của mình mới gọi là chuyên nghiệp. Và biết điều tiết cảm xúc của mình để kích thích cảm xúc người xem mới là một nghệ sĩ tài hoa. Tôi có thể kiểm soát được cảm xúc của mình ngay cả trong đời thường nếu như tôi không muốn cho người đối diện biết tôi đang vui sướng hay đau buồn. 

- Vậy cảm xúc giả - thật của một người nghệ sĩ là rất khó phân biệt, thưa anh?

- Nghệ sĩ vốn đã không phải là… “người thường”, chính vì khác thường một chút mới là... nghệ sĩ. Thật ra từ nghệ sĩ bao hàm tất cả những điều mà bạn đang thắc mắc đấy. Để thăng hoa trong nghệ thuật người nghệ sĩ ngoài tài năng họ phải biết hy sinh cái tôi của riêng mình. Như câu chuyện của Kép Tư Bền, trong tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Công Hoan. Khi cha của anh chàng kép hát này chết, anh vẫn tươi cười và làm trò hề trên sân khấu, rồi khi cánh màn nhung khép lại chàng kép này mới dám khóc cho mình.  Tôi có biết một trường hợp tương tự như thế. Đó là nghệ sĩ Minh Nhí, khi đang diễn trên sân khấu thì anh nhận được tin cha mình qua đời và anh vẫn phải hoàn thành vai diễn của mình trong một vở hài kịch. Trên đường từ Sài Gòn trở về Sa Đéc trong đêm khuya anh đã nức nở khóc một mình trong xe.

- Nếu nói về quan điểm sống về thật - giả, cá nhân anh quan niệm nó như thế nào?

- Không phải sống giả mà có thể hiểu đó là sự hy sinh. Như thế này, trong triết học phương Đông người ta cho rằng nói dối là xấu xa nhưng triết học phương Tây thì thoáng hơn. Họ cho rằng đôi khi nói dối làm vui lòng người đối diện và đem đến lợi ích cho nhiều người thì nó lại mang giá trị đạo đức. Sống giả để lợi dụng, mưu cầu lợi ích cá nhân hay nói dối mà mang đến niềm vui cho nhân loại thì nó chỉ mang tính chất “hóa thân” mà thôi. Lúc đó “thật - giả” không nằm trong phạm trù đạo lý thông thường nữa rồi. Nhưng cần phải hiểu rằng, cảm xúc trong nghệ thuật trình diễn (dù có là một câu chuyện giả định) thì vẫn là cảm xúc thật. 

- Vì sao anh không dùng tên tuổi của mình để gây dựng và lôi kéo khán giả đến với hát bội như anh đã từng thành công với kịch?

- Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm mưa làm gió ở một lĩnh vực mà tôi không am hiểu nhiều về nó. Với lại, một cánh én thì không thể làm nên mùa xuân. Một bộ môn truyền thống mà bị mai một, lỗi lớn nhất là từ người quản lý nó. Cái này nằm trong hệ thống giáo dục. Người nghệ sĩ dù “lớn” đến đâu cũng không đủ sức lôi kéo khán giả khi công chúng không được giáo dục về nó. Ví như, đối với các nước Tây phương, nếu hỏi một em học sinh ở nước họ nhạc kịch là gì, múa ba-lê  là gì, nó sẽ trả lời được ngay lập tức. 

Còn ở nước ta, thử hỏi có mấy ai biết được hát bội hay chèo cổ là gì? Chúng ta đang không biết quý trọng tài sản văn hóa mà chúng ta đang có. Tôi cũng luôn trăn trở về điều này. Bản thân những người nghệ sĩ có tâm như chúng tôi cũng từng được các ban ngành chức năng hứa hỗ trợ để đưa những vở kịch lịch sử vào học đường, nhưng rồi lời hứa ấy luôn mất tích một cách bí ẩn. Bây giờ thì tôi thực sự “lực bất tòng tâm”.


 - Xin cảm ơn anh!