Nghệ sĩ Lê Thiết Cương, Đinh Công Đạt và Nguyễn Việt Hà giới thiệu dự án nghệ thuật, cùng An ninh Thủ đô gây quỹ hỗ trợ người dân vùng bão lũ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Mặt khác” là dự án sáng tạo bởi ba nghệ sĩ hàng đầu trong các lĩnh vực hội hoạ, văn học và điêu khắc, gồm họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt. 150 mặt nạ điêu khắc được làm từ chất liệu gốm và giấy bồi dự kiến sẽ được trưng bày tại Hội Quán Quảng Đông 22 Hàng Buồm bắt đầu từ chiều ngày 13/9 . Toàn bộ 100% số tiền bán tác phẩm trong thời gian diễn ra trưng bày sẽ được đóng góp vào Quỹ “Bầu ơi thương lấy bí cùng” của An ninh Thủ đô để cùng chung tay, góp sức, đoàn kết, khắc phục hậu quả nặng nề do thiên tai để lại.

Khởi nguồn của dự án

Sau ba thập kỷ gặp gỡ và trở thành bạn bè thân thiết, hoạ sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt cảm thấy cần phải làm một điều gì đó cùng nhau. Với sự thành công riêng của mỗi người trong từng lĩnh vực văn chương và nghệ thuật, việc chọn một chủ đề để có thể đứng chung vừa là việc dễ dàng nhưng cũng vô cùng khó.

“Mặt khác” là dự án sáng tạo bởi ba nghệ sĩ hàng đầu trong các lĩnh vực hội hoạ, văn học và điêu khắc, gồm họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

“Mặt khác” là dự án sáng tạo bởi ba nghệ sĩ hàng đầu trong các lĩnh vực hội hoạ, văn học và điêu khắc, gồm họa sĩ Lê Thiết Cương, nhà văn Nguyễn Việt Hà và nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

Đối với họ, Hà Nội không chỉ đơn giản là “những con phố với những buổi chiều mưa phùn giăng mìn mịn”, phố dài bao nhiêu, phố được thiết kế thế nào, lịch sử hình thành…. Thứ mà họ quan tâm là con người và số phận của những con người trên từng con phố cụ thể.

Với ba loại hình khuôn mặt, ba chất liệu và ba hình thức thể hiện, Lê Thiết Cương, Nguyễn Việt Hà và Đinh Công Đạt đã truyền tải thông điệp về thành phố này theo cách đặc biệt của riêng họ. Với 150 tác phẩm mặt nạ, họ chỉ muốn đưa ra điều duy nhất: Hà Nội là sự tinh tế và lịch lãm, và sẽ mãi mãi luôn tồn tại.

Một số tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương

Một số tác phẩm của họa sĩ Lê Thiết Cương

Bên cạnh đó, Hà Nội còn là một thực thể văn hóa sống động. Bản chất của Hà Nội không nằm ở các công trình vật chất hay tài sản hữu hình, mà chính là ở di sản văn hóa phi vật thể mà người dân nơi đây luôn trân trọng và gìn giữ. Cuộc sống thực sự của Hà Nội bắt nguồn từ văn hóa của nó, và chính qua văn hóa này, người dân tiếp tục sống, phát triển và đóng góp vào di sản vĩnh cửu của thành phố.

Ba nghệ sĩ, ba khuôn mặt, ba quan niệm, ba hình thức thể hiện, ba cái tên tạo nên: mặt Phố, mặt Chùa, mặt Chợ. “Ba thằng con giai của phố” ngồi với nhau suốt ba chục năm, theo đuổi ba con đường nghệ thuật khác nhau trong suốt hơn ba thập kỷ. Họ yêu quý, tôn trọng và trân trọng nhau, nhưng chưa bao giờ giống nhau. Ba khuôn mặt, ba tính cách, ba nghề nghiệp, nhưng cùng chung một tình yêu với nơi họ sinh ra, lớn lên và vẫn đang dung dưỡng họ.

Mặt nạ chất liệu gốm của nhà văn Nguyễn Việt Hà

Mặt nạ chất liệu gốm của nhà văn Nguyễn Việt Hà

Một người thì quả quyết về “Con giai phố cổ”, một người thì “lặng lẽ một cách ồn ào” coi ngôi nhà giữa phố, gần chùa như là tính cách, như là lời khẳng định tình yêu phố, một người thì loay hoay chứng minh cho bản thân và bạn bè rằng phố đã và mãi mãi là tinh hoa chân quý trong các món đồ vụn.

Dự án "Otherwise - Mặt khác” của ba nghệ sĩ Lê Thiết Cương, Đinh Công Đạt, và Nguyễn Việt Hà không nhắm đến việc đem đến những ý tưởng nghệ thuật hoàn toàn mới mẻ để tôn vinh Hà Nội mà thay vào đó, các nghệ sĩ đã lựa chọn sử dụng lại các yếu tố truyền thống và kỹ thuật quen thuộc. Việc viết các câu văn kinh điển, những tên phố cổ hay các hoa văn truyền thống lên mặt nạ, từ giấy bồi đến gốm và thậm chí là vàng, đã tạo nên sự kết nối sâu sắc và tôn vinh những giá trị cổ xưa của Hà Nội.

Tác phẩm của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

Tác phẩm của nhà điêu khắc Đinh Công Đạt

Trong dự án nghệ thuật "Otherwise", ba nghệ sĩ đã tiếp cận khác, đi ngược lại hoàn toàn với quan niệm sáng tác thông thường. Thay vì những ý tưởng mới mẻ, ba nghệ sĩ đã không cố tạo ra sự khác biệt mà đã sử dụng lại các yếu tố quen thuộc và kỹ thuật truyền thống để truyền đạt thông điệp của mình. Hoặc nói một cách khác, họ tạo ra sự khác biệt bằng chính những hình thức cũ kĩ, chủ đề cũ kĩ, và đối tượng nghệ thuật cũ kĩ.

Nguyễn Việt Hà viết câu văn từ sách đã in của mình lên những chiếc mặt nạ của chính bản thân mình, Lê Thiết Cương dùng các câu kinh đã từng viết lên gốm, còn Đinh Công Đạt lại những ô màu, những hoa văn hoạ tiết từ các con phố và món ăn quen thuộc. Bằng sự đam mê và tâm huyết của mình, ba nghệ sĩ đã làm nổi bật những giá trị tinh túy của Hà Nội và làm cho thành phố này trở thành một biểu tượng vĩnh cửu, chứa đựng những con người và những câu chuyện văn hóa không thể nào quên.

Nghệ thuật và trách nhiệm xã hội phải luôn song hành

Nhà điêu khắc Đinh Công Đạt kể: “Lúc bắt đầu hình thành ý tưởng, lấy chính khuôn mặt của mình làm mặt nạ, rồi bày triển lãm "Mặt khác", 3 chúng tôi nghĩ hết sức đơn giản là "để chơi", để “ba thằng con trai phố cổ” đã ngồi với nhau suốt 30 năm có thêm những kỷ niệm để nhớ. Nhưng rồi, bão số 3 và hoàn lưu sau bão bất ngờ ập đến khiến cả miền Bắc ngập lụt, lũ quét và sạt lở đất.

Trong mấy ngày qua, thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng, chúng tôi đã chứng kiến biết bao nhiêu đau thương và mất mát của đồng bào các tỉnh miền núi phía Bắc. Xót xa lắm! Và rồi, chúng tôi quyết định, dự án nghệ thuật “Mặt khác” không còn là chuyện để chơi nữa, nó phải là hoạt động cụ thể để chung tay cùng cả cộng đồng khắc phục phần nào khó khăn, mất mát mà những người dân vùng bão lũ đang phải gánh chịu”.

Thông báo của Dự án nghệ thuật Mặt khác, 100% số tiền từ việc bán tác phẩm trong thời gian diễn ra trưng bày sẽ được đóng góp vào Quỹ "Bầu ơi thương lấy bí cùng của An ninh Thủ đô và được chuyển đến hỗ trợ người dân các tỉnh thành bị tàn phá nặng nề bởi bão, lũ quét và sạt lở đất

Thông báo của Dự án nghệ thuật Mặt khác, 100% số tiền từ việc bán tác phẩm trong thời gian diễn ra trưng bày sẽ được đóng góp vào Quỹ "Bầu ơi thương lấy bí cùng của An ninh Thủ đô và được chuyển đến hỗ trợ người dân các tỉnh thành bị tàn phá nặng nề bởi bão, lũ quét và sạt lở đất

Ba nghệ sĩ cùng chung quan niệm: "Nghệ thuật, ngoài việc phản ánh vẻ đẹp và bản chất của cuộc sống, luôn mang trong mình một sứ mệnh lớn hơn, đó là truyền tải những giá trị nhân văn và kết nối cộng đồng. Với tinh thần ấy, các nghệ sĩ tham gia dự án hiểu rằng, giá trị của nghệ thuật không thể tách rời khỏi trách nhiệm với xã hội. Chính vì vậy, không chỉ là một sự kiện văn hóa nhằm tôn vinh Hà Nội, “Mặt khác – Otherwise” còn muốn góp một phần nhỏ công sức, tác phẩm của mình để chia sẻ, khắc phục hậu quả thiên tai. Toàn bộ số tiền thu được từ việc bán các tác phẩm trong thời gian diễn ra triển lãm sẽ được ủng hộ vào Quỹ "Bầu ơi thương lấy bí cùng" của An ninh Thủ đô.

Ban tổ chức Dự án nghệ thuật “Mặt khác” cùng các nghệ sĩ hy vọng rằng, với tấm lòng này, chúng ta có thể cùng nhau đoàn kết, vượt qua những khó khăn và mất mát, giúp đồng bào sớm ổn định lại cuộc sống.