Nghệ sĩ điêu khắc Thái Nhật Minh: Yêu sự mộc mạc, tối giản

ANTĐ - Nhiều người cho rằng, điêu khắc là nghệ thuật kiệm lời. Đối với Thái Nhật Minh có phần đúng bởi những câu chuyện và cảm xúc của người nghệ sỹ mà anh muốn chia sẻ đã  được đặt cả trong những tác phẩm nghệ thuật.

Các tác phẩm trong triển lãm “Mùa sinh sản”

Thử nghiệm tình cờ

Gặp Thái Nhật Minh khi anh đang cặm cụi ghi chép, phác những hình thù khó hiểu trên một cuốn sổ nhỏ bằng da. Đây là cách Thái Nhật Minh “bày binh bố trận” - sắp xếp những tác phẩm trưng bày hoặc ghi lại những ý tưởng vừa đến bất chợt. Ý tưởng cho triển lãm “Mùa sinh sản” đến với Thái Nhật Minh rất tình cờ. Đó là khi anh nhìn thấy những con chó, con mèo đi lang thang ở ngoài đường, thấy người là chạy trốn. Biểu hiện, dáng điệu của chúng trở nên khác lạ so với thường ngày, cho thấy những con vật đang ở vào mùa sinh sản đã lôi kéo sự chú ý từ phía anh.

Sự tình cờ thứ hai cũng bắt nguồn từ những lần đầu tiên thử nghiệm với giấy. Có lần để quên một mảnh giấy trong túi quần, khi giặt xong anh thấy chúng bị vón và cứng lại. Thế là anh nghĩ cách trộn vôi và mật để tăng độ gắn kết nhưng thành phẩm cho ra lại quá cứng. Dần dà, anh tìm được chất keo gắn sản phẩm của mình theo ý muốn. Nếu chỉ nhìn vào những hình tượng con vật ram ráp, mỏng manh của Thái Nhật Minh mà không trực tiếp chạm vào, có thể không tin được vì sao tổ hợp giấy, keo và màu nước lại có thể tạo ra những sản phẩm nặng và có độ bền đến vậy, thậm chí ngâm vào nước cũng không tan. Thái Nhật Minh cho biết: “Giấy rất gần gũi, mộc mạc. Nó có thể đưa người xem đến gần với tác phẩm của mình hơn”. Bên cạnh sự thử nghiệm với giấy, lần này, Thái Nhật Minh tiếp tục khai thác sự “tối giản”. Không phải đục đẽo gì ghê gớm, tác giả loại bỏ những chi tiết rườm rà để giữ lại cái cốt lõi, cái đơn giản nhất. Nhưng chính sự đơn giản ấy cũng là một thử thách đòi hòi người nghệ sỹ phải khai thác được tinh thần toát ra từ bên trong tác phẩm, để cho tác phẩm tự cất tiếng nói. 

Câu chuyện thành hình

Quá trình sáng tạo của Thái Nhật Minh hiếm khi đứt đoạn. Không đợi để kết thúc một cuộc trưng bày, anh đã nung nấu ý tưởng cho những triển lãm tiếp theo. Nếu như những tác phẩm được trưng bày chính là những ý tưởng đã thành công, thì trong căn nhà, xưởng làm việc là bề bộn những câu chuyện dở dang. Anh nói: “Tôi hình dung cuộc triển lãm của mình giống như một tập truyện ngắn hay một cuốn tạp văn, từng bức tượng là một câu chuyện nhỏ. Ở xưởng của tôi, có những ý tưởng chưa thành hình, và có những ý tưởng đã có thể thể hiện được. Câu chuyện nào “chín” trước sẽ được đưa ra trước. Còn những thất bại ấy, thì có thể gấp đôi, gấp ba những thứ được trưng bày”. Bình thường, không hiếm nghệ sỹ thường chỉ thích treo, bày những tác phẩm của mình trong nhà, còn Thái Nhật Minh nói vui, nếu có tiền, anh muốn mang hết những tác phẩm của bạn bè về bày, để “tìm tòi thêm về nghệ thuật, làm giàu thêm cảm xúc”. 

Tiếng tăm có được từ triển lãm “Những con chim” đã giúp Thái Nhật Minh gặt hái rất nhiều giải thưởng, được giới chuyên môn công nhận nhưng cũng gây cho anh vô số chuyện phiền hà. Việc đánh giá, phê bình, khen chê không làm cho tinh thần người nghệ sỹ bị “sứt mẻ”, bởi theo như Thái Nhật Minh thì “Nếu như bị tác động bởi những lời khen chê thì có lẽ không thể làm nghệ thuật”. Nhưng việc tác phẩm được đánh giá cao rồi bỗng dưng bị cho là sao chép ý tưởng, được trao giải rồi “hạ giải”… thì cần sự đánh giá công minh và lời giải thích xác đáng. Tuy nhiên, có lẽ Thái Nhật Minh không cần nói gì thêm về điều này, vì đến triển lãm thứ hai này, anh cho rằng anh bước vào với tâm thế của kẻ “dạo chơi”, của một người cũng đã nửa năm làm việc miệt mài, giờ là lúc chia sẻ thành quả của mình với công chúng. 

Triển lãm “Mùa sinh sản” của Thái Nhật Minh bao gồm 19 tác phẩm điêu khắc lấy cảm hứng từ mùa sinh sản, thể hiện sự cô đơn, trống trải những khát khao mang tính bản năng, hoang dã muốn tìm đến sự gắn kết, hòa hợp. Triển lãm được trưng bày tại Manzi Art Space (14 Phan Huy Ích) từ ngày 13-6 đến ngày 13-7-2014.