Nghề nào cũng đáng trân trọng

ANTĐ - Sắp tới, lần lượt các trường đại học sẽ công bố điểm chuẩn, anh Đinh Đức Thuận (32 tuổi, giáo viên THCS) chia sẻ một số suy nghĩ về các chọn ngành nghề của thí sinh.

- 12 năm học, cầm cái bằng THPT, hầu hết mọi người đều mơ ước bước vào cổng trường đại học. Nhưng mà…

- Sao hả anh?

- Đó là “sân chơi” khốc liệt, phải thi đấu với nhiều người, chiến thắng là điều không dễ.

- Vậy nên cần chọn trường cho vừa sức, phải không?

- Ai cũng có những điểm mạnh, nhìn trong lớp học thì người được Toán, người được Văn, người giỏi Ngoại Ngữ… song nhìn rộng ra “lớp đại học cuộc đời” thì người giỏi buôn bán, người khéo đan lát, người giỏi lãnh đạo… Cái khó là các em khi tốt nghiệp THPT chưa đủ vốn sống để biết môn giỏi của mình trong “lớp đời”.

- Vậy làm thế nào để biết thế mạnh của mình trong “lớp” đó?

- Phải qua thực tiễn mới biết được, vì thế cần có người lớn định hướng. Nếu không, các em hay chọn trường theo xu hướng, chọn trường nào “hot”, ngành nào “đắt” thì đăng ký… có phải thi là đỗ đâu, có em kiên trì thi 3,4 lần. Đến khi ra trường, đi làm, lúc đó các em mới biết mình cần kỹ năng gì.

- Khó thì vẫn phải thi, tuổi các em cần có hoài bão chứ?

- Hoài bão thì nào ai cấm, nhưng cứ phải là cổng trường đại học mới là lý tưởng cao sang đâu. Nghề nào, lĩnh vực nào cũng danh giá hết nếu mình hết sức chinh phục lĩnh vực đó. Thằng em tôi tốt nghiệp THPT rồi đi lính, xuất quân nó đi làm phụ bếp nhà hàng, gia đình động viên cho nó đi học, nó dứt khoát không nghe. Làm phụ bếp một năm nó lên “chảo”, làm “chảo” được 5 năm thì nó học trung cấp nấu ăn, rồi làm bếp trưởng, nói nhỏ: giờ lương nó gấp 4 lần lương giáo viên của tôi.