Nghề lặn mò phế liệu

ANTĐ - Lặn mò phế liệu dưới đáy sông không hẳn là một công việc dễ làm. Với nhiều người,  đó đơn giản là sự mưu sinh, nuôi sống gia đình. Có người theo nghề từ khi chiến tranh kết thúc, có người mới vào nghề vài năm, nhưng tất cả đều đã từng làm những  việc nghĩa để đời.

Nghề lặn mò phế liệu ảnh 1

Mưu sinh dưới đáy sông

Những phế liệu, phế phẩm chiến tranh tưởng như vĩnh viễn chôn vùi dưới lòng sông sâu được các thợ lặn phế liệu đáy sông “khai quật” mỗi ngày. Đó là cái nghề mà không ít người ở cửa Thuận An, cửa Lỗ gần đập Hòa Duân (huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế) đang theo. Nhóm người rà phế liệu dưới đáy sông cứ 15 phút lại kéo chiếc rọ lên một lần, trong đó lổn nhổn đủ thứ: gỗ, mấy đoạn sắt gỉ sét, vài cái bát sắt tráng men, có khi là cả một quả mìn. Hai thợ lặn Lê Văn Hoàn (35 tuổi) và Võ Thanh Hải (43 tuổi) ở thôn Tân An, thị trấn Thuận An (Phú Vang) cười bảo: “Chuyện thường thôi. Có bữa bọn tui còn vớt được quả bom nặng cả tấn, phải thuê thuyền to mới chở về được, còn chuyện vớt được bom bi, đầu đạn 105 ly thì… khá thường xuyên”.

Thợ lặn Hoàn kể: “Sau chiến tranh, làng chài chúng tôi ngoài việc xuôi ngược dòng sông hay ra biển đánh cá thì những ai biết lặn còn làm thêm cả nghề mò phế liệu. Khi cá tôm ngày một ít, nghề mò ve chai trở thành nghề chính của đàn ông, con trai nơi này. Cuối ngày, mỗi nhóm lại gom phế liệu vớt được về bãi tập kết dưới thị trấn bán chia nhau. Một ngày mỗi người cũng được gần trăm nghìn, gặp bữa trúng quả thì nhiều hơn”. Anh Hoàn cho biết, vùng cửa biển Thuận An, cửa Lỗ , phế liệu chiến tranh cùng tàn tích những tàu hàng, tàu cá bị chìm rất nhiều. Do đó những người đi lặn mò phế liệu như anh cũng ngày một đông dần lên. 

Bữa trưa đạm bạc được dọn ra. Đói lả sau mấy giờ liền trầm mình dưới đáy sông, họ ăn ngon lành, chuyện trò rôm rả.  Anh Hải cho biết: “Nghề này không dễ như mọi người tưởng, phải am tường về luồng, lạch, hướng chảy cửa sông và có sức khỏe nữa. Dù nước sâu 8 - 10 sải tay, chúng tôi cũng phi xuống đáy sông. Nhiều khi không có bình oxy hay mặt nạ, tất cả chúng tôi đều phải lặn chay. Có một cách mò phế liệu khá hay được nhiều người áp dụng, đó là buộc cục nam châm thật to vào đầu dây thừng rồi thả xuống đáy sông.

Phía trên thuyền cứ đi tà tà chậm rãi, nếu gặp sắt thép thì nam châm hút lại, người thợ chỉ việc kéo lên. Nếu gặp khối phế liệu lớn thì thợ lặn sẽ lao xuống nước xác định vị trí rồi tổ chức “khai quật”. Ưu điểm của cách mò này là không phải ngụp lặn nên khá an toàn, nhưng nhược điểm ở chỗ chỉ lấy được sắt vụn chứ gặp những thứ kim loại khác như nhôm, đồng, đồ cổ thì nam châm không “bắt” được.

Vốn là những thợ lặn lành nghề nên tiếng tăm nhóm thợ lặn của anh Hoàn, anh Hải lan xa tới các tỉnh ven biển phía Nam. Hợp đồng ăn chia khá “mềm” của nhóm thợ đã thu hút nhiều chủ tàu ở các địa phương như Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Anh Hải tâm sự: “Thường khi nhận được điện thoại đặt hàng, nhóm chúng tôi vào xa vùng biển đó để lặn khảo sát trước. Phải xác định xem khối lượng phế liệu cần trục vớt là bao nhiêu để còn hợp đồng ăn chia với chủ. Làm sao khi trừ chi phí xăng dầu, công thợ mà vẫn có lãi là được”.

Rủi may sóng nước

Một điều khá đặc biệt mà không phải ai cũng dám chia sẻ nếu như không phải người thân thiết, ấy là việc mò được cả những cổ vật trong quá trình lặn tìm phế liệu. Nhiều nhóm lặn vẫn kể cho nhau nghe về câu chuyện mò được đồ cổ của anh Đang (trú thôn Tân An, huyện Phú Vang, Thừa Thiên Huế). Trong một lần mò phế liệu anh Đang vớt lên được mấy cái bát cổ  từ thời Lê.

Sau khi kín đáo mang bán, anh đã có trong tay vài trăm triệu xây nhà, cho con cái ăn học đàng hoàng rồi… gác kiếm. Anh Hải bảo, cánh săn đồ cổ cũng hay tìm gặp thợ lặn hỏi han để “săn hàng” lắm, nhưng anh chưa  trúng mánh lần nào để đổi đời cả bởi điều đó còn tùy thuộc vào sự may mắn. Thế nên nhóm của anh vẫn ngày ngày bất chấp hiểm nguy để lặn ngụp mưu sinh và ai cũng mong muốn được một lần “số đỏ”. 

Anh Hải rùng mình nhớ lại lần đưa thuyền ra gần cửa biển mò phế liệu. Lúc đó, mực nước sâu chừng 25m, lại nằm gần bãi đá ngầm nên khi vừa nhảy xuống bỗng anh cảm thấy tức ngực, khó thở. Hóa ra ống dẫn khí vấp phải đá và bị trật ra ngoài, cũng may anh vẫn ngoi lên kịp. Do làm việc lâu năm trong môi trường nước sâu nên đến nay hầu hết những thợ lặn như anh Hải, anh Hoàn đều bị bệnh ù tai, tức ngực, khó thở. Trên cơ thể người nào cũng có vài vết sẹo do va vào đá hay bị các vật sắt nhọn đâm phải.

Phế liệu ở các vùng biển chủ yếu là các con tàu đắm hoặc vũ khí còn lại trong chiến tranh nên khi dùng đèn cắt để xử lý sẽ hết sức nguy hiểm. Anh Hoàn lý giải: “Đèn cắt dùng khí gas, nhiệt độ rất cao, nếu gặp bom, đạn chưa nổ thì rất dễ xảy ra tại nạn. Bởi thế, khi khảo sát “hàng”, chúng tôi thường từ chối trục vớt nếu thấy có bom, mìn dù được trả tiền công cao đến đâu”.

Khi được hỏi sao không kiếm nghề nào khác mà lại theo cái nghề đầy rủi ro này? anh Hải lặng lẽ thở dài: “Nghề nào cũng là nghề cả, cũng vì kế mưu sinh thôi!”. Ngoài nhóm thợ anh Hải, trước đây vùng Thuận An còn có một vài nhóm khác, nhưng đến nay họ đã bỏ hẳn do không chịu được hiểm nguy. Mấy chục năm trong nghề lặn biển, ký ức của anh Hải, anh Hoàn toàn là những lần suýt chạm mặt thần chết. “Nghề mô nghiệp nấy, mình phải cẩn thận là hơn cả” - anh Hoàn nói.

Những việc nghĩa lặng thầm

Bên cạnh gánh nặng mưu sinh với cơm áo gạo tiền, với học phí cho con cái, với người mẹ người cha đã tóc bạc da mồi, những người lặn mò phế liệu như các anh còn có những việc ơn, việc nghĩa ít khi bộc bạch với người ngoài. Ấy là việc tìm kiếm, cứu vớt những con người chẳng may ngã vào vòng tay Hà Bá. Anh Hoàn kể cho chúng tôi câu chuyện cách đây hơn 4 năm, khi một người đàn ông ra cầu tự tử. Lúc người nhà đến nhờ tốp thợ lặn đi tìm xác, không do dự, các anh nhận lời ngay. Sau khi xác định khúc sông nơi người đàn ông nhảy xuống, các anh lao xuống nước, ngụp lặn đến bợt cả người, quên cả đói, quần thảo tơi bời cả khúc sông mà vẫn không thấy xác đâu. Mãi đến ngày hôm sau, họ mới tìm thấy thi thể nạn nhân cách nơi tự tử gần 3 km.

Rồi đầu năm 2006, một người phụ nữ không may bị chết đuối trên sông Hương gần cửa Thuận An. Người nhà tìm tới tìm lui  suốt mấy ngày trời mà không có kết quả, họ tuyệt vọng khóc than thảm thiết. Lúc ấy, tốp thợ lặn của anh Hải đang lặn gần đó thấy cảnh thương tâm không đành đứng nhìn, họ dừng công việc đến tìm giúp. Phải mất một buổi chiều ngụp lặn, các anh mới tìm thấy nạn nhân.

Giao thi thể người xấu số cho gia đình mang về mai táng, tốp thợ lặn của anh Hải lại lặng lẽ trở lại với công việc của mình mà chẳng nhận một sự đền đáp ân huệ nào từ gia chủ. Đấy cũng là điều không chỉ riêng các anh mà hầu như của tất cả các nhóm lặn ở đây đều làm, họ bảo đó là việc nghĩa, là duyên nghiệp của những ai đã trót ôm nghiệp hải hồ.