Khi người vi phạm không hợp tác với CSGT (2)

Nghề… “làm dâu trăm họ”

ANTĐ - Trước thực trạng số vụ chống đối lực lượng CSGT có chiều hướng gia tăng, hơn lúc nào hết, các cơ quan chức năng cần có ngay các biện pháp xử lý triệt để các đối tượng vi phạm để làm gương, nhằm bảo vệ CSGT, bảo đảm tính nghiêm minh trong việc chấp hành Luật Giao thông .

CSGT phải làm việc trong điều kiện khắc nghiệt

Nỗi khổ… người gác đường

Theo Trung tá Nguyễn Đức Chung - Đội phó Đội CSGT số 1 - Phòng CSGT, CATP Hà Nội, một trong những khó khăn khi xử lý người tham gia giao thông vi phạm luật là họ thường rất dễ mất bình tĩnh và có các biểu hiện chống đối, lăng mạ các CSGT làm nhiệm vụ, hoặc ngồi chây ì trong xe ô tô không chịu ra xuất trình giấy tờ hoặc “bỏ xe… chạy lấy người”.

Bên cạnh đó, không ít đối tượng khi bị kiểm tra còn có biểu hiện đang “phê” ma túy, sẵn sàng lao vào đánh đấm, giật áo… CSGT đang làm nhiệm vụ. Nghiêm trọng hơn, các đối tượng này còn gọi đồng bọn đến giải cứu, tranh thủ lúc lực lượng chức năng đang lập biên bản để bỏ chạy, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông khác. Một số đối tượng còn sử dụng súng bút, dao, lê kiếm… để chống trả. Có những đối tượng do uống quá nhiều rượu bia dẫn đến say xỉn, khi được đề nghị hợp tác kiểm tra họ chửi bới lăng mạ, thách thức đánh nhau với… CSGT.

Với những trường hợp này, CSGT rất khó khăn trong công tác xử lý. Ngoài ra, vẫn có một bộ phận thanh thiếu niên khi tham gia giao thông có thái độ ngông cuồng, coi thường pháp luật. Những đối tượng này không những bất chấp luật lệ giao thông mà còn tỏ ra côn đồ, sẵn sàng giở thói lưu manh, gây sự mỗi khi gặp CSGT. Việc đuổi hay không đuổi bắt những đối tượng lạng lách, đánh võng trên đường cũng gây khó khăn cho CSGT. Bởi nếu không đuổi bắt để xử lý nghiêm thì coi như dung túng cho những kẻ không chấp hành luật, còn nếu đuổi theo thì nguy cơ xảy ra tai nạn là rất cao, gây nguy hiểm cho người dân và chính bản thân mình.

Tuy thời gian làm việc khá căng thẳng với khối lượng công việc luôn quá tải song số lượng CSGT vẫn còn nhiều hạn chế. Địa bàn rộng nhưng quân số của mỗi đội, chốt trực của CSGT lại rất mỏng khiến cho áp lực công việc của mỗi chiến sỹ CSGT ngày càng tăng với thời gian làm việc trong ngày gần như kín đặc. Không chỉ làm việc trong ngày thường, mà những ngày nghỉ, lễ tết, lực lượng CSGT phải hoạt động tích cực vất vả hơn do lưu lượng phương tiện tham gia giao thông đông hơn, tình hình giao thông diễn biến phức tạp. Bên cạnh đó, hiện vẫn còn không ít người có ác cảm với lực lượng CSGT nên cứ thấy CSGT giữ người trên phố là họ tò mò, rồi có những động thái kích động người bị xử lý vi phạm chống đối lại CSGT. Trong khi đó, việc CSGT bị hành hung thì họ… không quan tâm đến. Nhiều CSGT vẫn nói vui “nghề của chúng tôi cũng là “làm dâu trăm họ”. Tuy vậy, nếu chỉ có CSGT nỗ lực mà người dân không hề có ý thức tự giác chấp hành, thì khoảng cách giữa CSGT và người dân chắc chắn sẽ ngày càng lớn…

Ai bảo vệ CSGT?

Mặc dù công việc của lực lượng CSGT chịu ảnh hưởng trực tiếp của thời tiết (mùa hè trời nắng nóng tới 40 độ C, khói xe và bụi mù mịt, mùa đông trời mưa gió rét mướt) nhưng CSGT vẫn không được đeo kính mỏng và dùng khẩu trang. Thậm chí khi CSGT gỡ mũ bảo hiểm có kính chắn để tiện kiểm tra giấy tờ của người vi phạm giao thông cũng bị quy chụp: “CSGT không thích đội mũ bảo hiểm”?! Tình trạng chống đối CSGT xảy ra liên tục trong thời gian gần đây chính là những sự việc điển hình về sự thiếu ý thức của người tham gia giao thông. Trước tình trạng này, không ít người đặt câu hỏi: Vì sao CSGT lại bị đối tượng vi phạm pháp luật ngang nhiên hành hung mà không tự bảo vệ mình, không chủ động tấn công lại? 

Luật sư Nguyễn Văn Hòa, Đoàn Luật sư Hà Nội cho rằng, trong hầu hết các vụ việc, CSGT thường bị tấn công bất ngờ, đối tượng “ra đòn” trong tình huống CSGT không lường trước được. Điều đáng nói là lực lượng CSGT cũng không có vũ khí, phương tiện cần thiết hoặc có nhưng không đủ điều kiện sử dụng để phòng vệ trong những trường hợp bị tấn công. Thực tế cho thấy, giữa quy định pháp luật và tính chất công việc của lực lượng CSGT đang tồn tại nhiều bất cập khiến chính CSGT bị “bó tay”, không có vũ khí, phương tiện cần thiết để phòng vệ hoặc có nhưng “bỏ túi” vì vướng luật. Mặc dù ở một số địa phương, CSGT khi làm nhiệm vụ đã được trang bị công cụ hỗ trợ như súng hơi cay, súng K54, roi điện... Song, những công cụ này thường sử dụng khi CSGT làm nhiệm vụ theo tổ, thực hiện tuần tra và người sử dụng nó phải tuân thủ theo những quy định hết sức ngặt nghèo.

Để đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, vừa đảm bảo tuyệt đối tính mạng, sức khoẻ cho CSGT trong khi làm nhiệm vụ, từ năm 2008, Phòng CSGT Công an Hà Nội đưa ra các biện pháp giải quyết tình trạng này: CSGT trong khi làm nhiệm vụ phải chấp hành đúng quy định điều lệnh CAND, có thái độ lịch sự, văn hoá nhưng “phải kiên quyết, xử lý đúng người, đúng lỗi vi phạm”, khi đối tượng vi phạm không chấp hành hiệu lệnh, cố tình điều khiển phương tiện bỏ chạy thì nhanh chóng ghi nhận đặc điểm, phương tiện, người điều khiển phương tiện. Thông báo ngay cho các chốt, đơn vị liền kề để phối hợp truy bắt hoặc có biện pháp truy tìm sau. Trường hợp cần thiết hoặc phát hiện có dấu hiệu tội phạm thì kiên quyết tổ chức lực lượng truy bắt. Quá trình truy bắt phải đảm bảo yêu cầu an toàn trong mọi tình huống.

Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, những chiến sỹ CSGT không chỉ phải gồng mình để chống chọi với sự khắc nghiệt của thời tiết mà còn phải luôn tỉnh táo, mưu trí đối phó với những đối tượng vi phạm Luật Giao thông. Làm được điều đó, trong mỗi chiến sỹ CSGT phải có một sức chịu đựng thật phi thường, đáng nể phục. Mong rằng trong thời gian tới các cơ quan chức năng cần quan tâm đến việc trang bị thêm thiết bị bảo vệ cho CSGT, đồng thời có chế tài nghiêm khắc hơn đối với những cá nhân đã vi phạm nhưng còn chống đối…