Nghề không có mùa đông

ANTĐ - Hà Nội mùa này rét cắt da. Nhưng dù mưa hay nắng, đông hay hè thì đằng sau bức rèm sân khấu mỗi vở múa rối nước vẫn có những nghệ sĩ  thay nhau ngâm mình dưới nước để điều khiển chú Tễu, em bé chăn trâu, những chú rồng, chú rắn… di chuyển nhẹ nhàng trên mặt nước trong tiếng trống, tiếng nhạc rộn ràng. 

Nghệ sỹ Nguyễn Xuân Long tập luyện cùng con rối trong thời tiết rét buốt

Cảm lạnh… chuyện thường!

Hậu trường sân khấu Nhà hát Múa rối Thăng Long, Hà Nội bày la liệt những bộ quần áo bằng cao su lấm tấm nước. Theo lời giới thiệu của anh Nguyễn Xuân Long, nghệ sỹ múa rối nước của Nhà hát, thì đây là những bộ quần áo “đặc chủng” để những người nghệ sỹ múa rối có thể biểu diễn thường xuyên dưới nước, và cũng để chống chọi những ngày rét thấu xương ở Thủ đô Hà Nội.

Do đặc thù lao động thường xuyên dưới nước, nên nghệ sỹ múa rối phải có những cách riêng để giữ nhiệt. Ngoài bộ quần áo bảo hộ, anh em nghệ sỹ trong đoàn phải mặc thêm quần len, đi thêm đến 3,4 đôi tất để có thể “chiến đấu” với 6 suất diễn một ngày. Anh Long kể: “Ngày xưa, các nghệ nhân phải uống nước mắm để giữ ấm chứ chưa có quần áo bảo hộ như bây giờ. Hiện giờ có quần áo cao su cũng đỡ vất vả nhiều. Nhưng cũng có trường hợp khi chúng tôi đang diễn thì quần bị rách, nước tràn vào lạnh buốt nhưng vẫn phải tiếp tục như thường”. Khi nhiệt độ ngoài trời xuống dưới 10 độ C, sinh hoạt bình thường còn hạn chế nữa là thường xuyên ngâm mình dưới nước cả tiếng đồng hồ. Bởi vậy, những nghệ sỹ múa rối nước phải thường xuyên “làm bạn” với chứng viêm họng, cảm lạnh. Đi cùng với đó là một số “bệnh nghề nghiệp” như đau lưng, đau khớp do liên tục phải cúi để điều khiển rối. 

365 ngày “sáng đèn”

Hiện ở Nhà hát Múa rối Thăng Long có khoảng 40 diễn viên, chia làm hai đoàn, luân phiên nhau đảm bảo các suất diễn được tổ chức liên tục trong năm. Mỗi suất diễn kéo dài 50 phút, khoảng thời gian không quá ngắn, không quá dài nhưng để hoàn thành một tác phẩm, những nghệ sỹ phải tập luyện ròng rã suốt mấy tháng trời, bất kể điều kiện thời tiết. Nhìn những con rối lướt nhẹ nhàng trên mặt nước, tưởng chừng đơn giản nhưng đằng sau những tấm rèm sân khấu, là hàng chục người thay nhau ngâm mình dưới nước, vừa điều khiển con rối, vừa diễn thoại, hát theo điệu nhạc…

Bên cạnh sự kết hợp ăn ý với các bạn diễn, dàn nhạc, người nghệ sỹ phải hiểu và làm chủ được con rối. Nghệ sỹ Bạch Quốc Khanh, người hơn 14 năm gắn bó với múa rối nước cho biết: “Khi điều khiển con rối, diễn viên vừa phải có kỹ thuật, vừa có cảm xúc. Về mặt kỹ thuật phải giữ cho con rối cân bằng, khắc phục ưu nhược điểm của con rối. Về mặt cảm xúc, bất kể thời tiết thế nào người nghệ sỹ cũng phải truyền tải cảm xúc vào con rối, thể hiện cho ra cái hồn nhân vật thì mới thuyết phục được khán giả”. Anh cho biết, những nhân vật có lời thoại như vua Lê Lợi du thuyền, ông bà lão chăn vịt… đòi hỏi người nghệ sỹ phải đầu tư sức lực và cảm xúc nhiều hơn. Hay những tiết mục múa lân, múa phượng… cần phải hiểu âm nhạc dân gian và điều khiển cho cử động của con rối khớp với dàn nhạc. Anh nói đùa, nghề múa rối nước nghệ thuật, nhưng cũng là lao động chân tay. Bởi thế mà các nữ diễn viên khi đã vào nghề phải chấp nhận “xấu” đi nhiều vì tập nhiều đồng nghĩa với bắp tay to hơn người bình thường.  

Một sân khấu luôn sáng đèn  suốt 365 ngày trong năm, có được kỷ lục đáng tự hào ấy, các nghệ sỹ của Nhà hát Múa rối Thăng Long đã làm việc gần như không nghỉ. Trải lòng về những gian truân trong nghiệp rối nước, anh Bạch Quốc Khanh cho biết: “Những ngày mới vào nghề, nhiều khi đến ngày lễ, ngày Tết trong lòng cũng rạo rực lắm nhưng dần thích nghi, quen với công việc. Vì chúng tôi diễn là phục vụ khán giả, thấy khán giả đến sân khấu ngày càng đông, thấy được ánh mắt, nụ cười của họ khi thưởng thức những màn biểu diễn chính là niềm động viên lớn nhất đối với nghệ sỹ múa rối nước”.