Nghe đã “tởn” đến già

ANTĐ - Bà Nguyễn Thị Yên (61 tuổi, ở Phố Bạch Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) đi một vòng chợ Thành Công mà mới mua được vài mớ rau.

- Bác tính bữa trưa hôm nay sẽ ăn gì?

- Tôi đi lòng vòng rồi mà chưa quyết định mua gì, đang định cuối tuần cả nhà ăn mì thịt băm, song mấy hôm nay báo chí đưa tin nhiều về lợn tai xanh bị “tuồn” ra thị trường, nên không dám mua thịt lợn.

- Đó chỉ là một số cơ sở chế biến mắm tép bị phát hiện, ở chợ đã phát hiện trường hợp nào đâu mà bác lo?

- Thịt lợn bệnh họ tách làm mắm, còn xương thì đem đi đâu? Có tuồn được ra chợ hay không tôi không dám chắc, làm sao người tiêu dùng phân biệt được bằng mắt thường. Thôi thì mỗi người chỉ tự bảo vệ theo cách của riêng mình. Vấn đề là không thể không ăn thịt lợn, đó là thực phẩm chính trong khẩu phần bữa ăn: dễ chế biến, dễ ăn. Nhà tôi có trẻ con, chúng cần phải ăn đủ các chất, làm sao thiếu được thịt lợn.

- Vậy bác “tự bảo vệ” theo cách nào?

- Quê tôi ở Sơn La, cứ hai tuần người nhà lại đóng hộp xốp, ướp đá 5kg thịt lợn gửi xuống Hà Nội, là thịt lợn đen, biết người nuôi, người mổ. Nhận được thịt thì để vào ngăn đá tủ lạnh, ăn đến đâu thì rã đông đấy, nên cả nhà đều yên tâm. Trứng gà ta cũng thế, cứ ăn hết người nhà lại chuyển qua bến xe. Mà ở quê mua cũng khó lắm, chỉ vài trang trại đáng tin, cứ phải đặt trước mới có trứng ngon. Mấy nhà hàng xóm đều thích cách làm của tôi.

- Vậy nhà bác có bao giờ ăn mắm tép chưng thịt?

- Trước đây đó là món khoái khẩu của gia đình tôi: hấp một chút vào nồi cơm, ăn với cơm trắng, ngon lắm. Nhưng qua mấy vụ vừa rồi, tôi “tởn” mắm tép chưng thịt đến già.