Nghề cứu người... gián tiếp

(ANTĐ) - Cứu người là trách nhiệm đương nhiên của mỗi người thầy thuốc, đó là điều không cần phải bàn. Nhưng cứu người theo cách của các bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì có lẽ chỉ có một.

Nghề cứu người... gián tiếp

(ANTĐ) - Cứu người là trách nhiệm đương nhiên của mỗi người thầy thuốc, đó là điều không cần phải bàn. Nhưng cứu người theo cách của các bác sỹ tại Bệnh viện Nhi Trung ương thì có lẽ chỉ có một.

Nồi cháo từ thiện do tổ công tác xã hội quyên góp giúp bệnh nhân nghèo
Nồi cháo từ thiện do tổ công tác xã hội quyên góp giúp bệnh nhân nghèo

Đau đáu trước mỗi số phận

Tình cờ, tôi được biết Tổ công tác xã hội - một bộ phận mới được thành lập tại Bệnh viện Nhi Trung ương, nơi mà các bác sỹ ở đây vẫn gọi đùa đó là bộ phận: Cứu người… gián tiếp. Tò mò trước cái tên lạ lùng này, tôi hỏi chị tổ trưởng - Thạc sỹ Dương Thị Minh Thu: “Cứu… gián tiếp tức là sao hả chị?”. Chị Thu nheo mắt cười: “Mời anh lên gặp Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc bệnh viện sẽ rõ”.

Mấy chục năm trong nghề, tiếp xúc với hàng nghìn bệnh nhân, nhưng không bao giờ bác sỹ Liêm quên được hình ảnh một bà mẹ nghèo đã nức nở lên tận phòng làm việc của mình vào một buổi sáng cách đây 5 năm. Ông nhớ lại: “Sáng hôm đó, khi tôi vừa bước vào phòng thì nghe tiếng gõ cửa. Trong bộ quần áo sờn cũ, một bà mẹ tội nghiệp vừa quệt nước mắt vừa rụt rè trình bày về hoàn cảnh gia đình để xin bệnh viện miễn tiền viện phí cho đứa con đang lâm trọng bệnh của mình. Chú bé đã hơn 6 tuổi, không thuộc diện được miễn giảm, nhưng gia đình quá nghèo nên không có tiền chi trả mọi khoản chi phí thuốc men. Bà mẹ kia đã đánh liều lên tận phòng giám đốc gõ cửa để xin giúp đỡ. Khi ấy, tôi đã xuống tận nơi và quyết định, miễn toàn bộ chi phí cho cháu bé”.

Đó cũng là lần đầu tiên bác sỹ Liêm vi phạm quy chế của ngành. Nhắc lại chuyện cũ, đến giờ bác sỹ Liêm vẫn bùi ngùi: “Không chữa cho cháu thì không đành, muốn chữa thì chính giám đốc lại vi phạm nguyên tắc, nhưng không còn cách nào khác bởi nếu để mặc thằng bé thì mình lại có lỗi với lương tâm”.

Sau đó cháu bé được chữa khỏi và xuất viện, nhưng các bác sỹ ở đây đã phải gánh toàn bộ những phí tổn này, trong khi bệnh viện không có nguồn kinh phí để bù đắp. Câu chuyện các bác sỹ vi phạm quy chế như vậy cứ thế tiếp diễn, không chỉ một mà hàng chục trường hợp tương tự. Có ở trong bệnh viện mới thấy hết, đa phần những trường hợp bệnh nặng toàn nhằm vào những người nghèo.

Đã không ít lần các bác sỹ bất lực nhìn thần chết cướp đi những sinh linh bé bỏng chỉ vì gia đình không có đủ điều kiện chạy chữa. Thế rồi, một ý tưởng chợt nảy ra trong đầu bác sỹ Liêm: Tại sao không thành lập một bộ phận đảm nhiệm việc quyên góp từ các nhà hảo tâm để giúp cho những số phận bất hạnh này có điều kiện chữa trị? Tổ công tác xã hội Bệnh viện Nhi Trung ương ra đời từ đó.

Trọn đạo làm “Thầy”

Tất nhiên, để có thể giúp đỡ một cách tốt nhất cho người bệnh, các bác sỹ tại đây lại phải tiếp tục “xé rào” - chị Thu kể. Hiện nay, Bộ Y tế chưa dành kinh phí để “nuôi” một tổ chức nhân sự không phục vụ cho công tác y tế chính thức. Chính vì thế, việc tìm cách duy trì hoạt động của bộ phận này là một bài toán nan giải cho lãnh đạo Bệnh viện Nhi. Nhưng đã quyết là phải làm bởi mục đích cuối cùng là cứu giúp người bệnh.

Không ngờ, những quyết tâm ấy lại mang đến những thành công mà trước đó ít ai dám nghĩ đến. Hàng chục trường hợp các cháu bé có hoàn cảnh khó khăn đã được giúp đỡ, nhắc lại những số phận đã được cứu sống ấy, chị Thu mặt rạng ngời: “Như cháu Nguyễn Thị Hà ở Mê Linh, Hà Nội, mẹ thì bỏ đi từ ngày bé xíu, bố lấy vợ hai. Cháu bị bệnh loãng máu ảnh hưởng nặng tới gan và lá lách mà không có ai chăm sóc đành phải nương nhờ cửa Phật.

Hà 9 tuổi, nhưng thân hình chỉ như đứa trẻ lên 4 vào viện cũng chỉ có vài nhà sư đưa đi. Hà không thuộc diện được miễn giảm vì đã quá ngưỡng 6 tuổi theo quy định của ngành y. Rất may Tổ công tác xã hội lúc đó đã có mặt tìm hiểu gia cảnh và kêu gọi, quyên góp giúp cháu tiền chữa bệnh. Sắp tới cháu sẽ được mổ và hy vọng căn bệnh sẽ thuyên giảm”.

Một trường hợp gần đây nhất là cháu Nguyễn Hồng Sơn mắc bệnh viêm đa rễ thần kinh phải điều trị tại khoa Hồi sức cấp cứu. Chỉ vì thiếu 50 triệu đồng mà mẹ Sơn đã định bế con về Hà Nam chờ chết. Không đành lòng nhìn cháu nhỏ bị tử thần mang đi, Tổ công tác xã hội cùng các bác sỹ đã chạy đôn chạy đáo, gõ cửa khắp nơi để tìm cách quyên góp tìm cách giúp cháu bé chữa bệnh.

Thế là chỉ sau vài tháng Sơn đã thuyên giảm và trước Tết vừa rồi cháu đã xuất viện. Nhắc lại trường hợp này, Phó giáo sư, Tiến sỹ Phạm Văn Thắng - Phó Trưởng khoa Hồi sức cấp cứu tâm sự: “Làm bác sỹ, chữa bệnh cứu người mới chỉ là một nửa trách nhiệm. Phải hiểu hoàn cảnh của bệnh nhân, chia sẻ khó khăn, giúp họ có điều kiện chữa lành bệnh thì mới trọn đạo của những người làm ngành y. Tổ công tác xã hội của chúng tôi là những người thực hiện nốt phần còn lại của đạo làm thầy thuốc vậy”.

Một nhà kinh tế từng bảo: Khoản đầu tư khôn ngoan nhất là đầu tư cho tương lai con em chúng ta, có lẽ câu nói đó đúng khi áp dụng ở nơi chăm sóc cho trẻ em như Bệnh viện Nhi này. 

Nguyễn Long