Nghề chọn người

(ANTĐ) - Có lẽ là chuyện hiếm thấy khi một đại gia đình có 11 người con thì cả 11 người đều là những giáo sư, tiến sĩ, giảng viên... của 9 trường Đại học.

Nghề chọn người

(ANTĐ) - Có lẽ là chuyện hiếm thấy khi một đại gia đình có 11 người con thì cả 11 người đều là những giáo sư, tiến sĩ, giảng viên... của 9 trường Đại học.

PGS. TS Đinh Xuân Bá
PGS. TS Đinh Xuân Bá

Giờ đây trong số họ, có người vẫn đứng trên bục giảng, có người đã mất, có người nghỉ hưu hay chuyển sang làm kinh tế, nhưng câu chuyện về sự hiếu học và lòng tự trọng của gia đình ấy là một bài học đáng suy ngẫm cho nhiều người.

PGS. TS Đinh Xuân Bá năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ông là người khá nổi tiếng bởi là người nghiên cứu và hiểu biết sâu sắc nhất tại Việt Nam về trầm hương và kỳ nam. Người ta cũng biết đến ông qua như một người sáng lập Công ty Secoin -  một trong những công ty TNHH đầu tiên tại Việt Nam và hoạt động khá thành công.

Tuy nhiên, tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội nơi ông giảng dạy và ngay cả với nhiều giảng viên các trường đại học khác, những người trong gia đình ông Bá không phải hề lạ lẫm bởi ngoài ông còn có 10 người khác cũng đang đứng trên bục giảng, trong đó ông anh cả của ông đang là giáo sư Đại học Sorbone (Paris). Ông Bá bảo, có lẽ cái sự “làm thầy dạy học” của cả gia đình ông phải gọi là nghiệp mới đúng. Bây giờ ngẫm ra mới thấy cái câu “nghề chọn người” của các cụ chẳng sai chút nào, nó đến với gia đình ông hết sức tình cờ.

Bà cụ Trần Thị Huệ Chất - người thân sinh ra ông Bá xuất thân cũng là một cô giáo từ thời Pháp thuộc. Vì thế ngay từ nhỏ bà cụ đã dạy con theo đúng những lề lối được giáo dục tốt nhất của cả tây và ta. Dòng họ Đinh Xuân vốn có tiếng, rất được trọng vọng ở đất học Hà Tĩnh. Ông Bá nhớ lại: Ngày trước mình nghèo. Hà Tĩnh lại là vùng đất được coi là khắc nghiệt nhất. Chỉ có con đường học hành mới có thể thay đổi cuộc sống. Các anh em trong nhà đều tâm niệm như vậy. Được cái mọi thành viên trong gia đình đều biết thương yêu bảo ban nhau. Người trước dắt người sau, anh em ông rất tự giác, cứ ai học hành xong ra đi làm là góp tiền với cha mẹ nuôi em ăn học, thế là đầu xuôi đuôi lọt. Cái sự “lọt” nói theo cách của ông Bá chỉ có thế, nhưng thực ra thì để có ngày hôm nay, anh em ông cũng phải phấn đấu không ngừng. Người anh thứ hai của ông là ông Đinh Xuân Bảng, nguyên là giảng viên Đại học Xây dựng, rồi đến ông mấy chục năm giảng dạy trong trường Đại học Bách khoa, tiếp đó là một loạt dâu, rể cũng đều là những giảng viên, những giáo sư, tiến sĩ hay nhà khoa học nổi tiếng. Tổng cộng tất cả là 11 người.

Có một điều lạ là trong gia đình ông, 8 anh em trai, ngoài ông anh cả định cư tại Pháp thì 7 người còn lại đều xuất thân từ quân đội và thanh niên xung phong. Ngay bản thân ông, trước khi đứng lên bục giảng cũng bắt đầu sự nghiệp từ một người chiến sỹ công an. “Có lẽ cũng nhờ có cuộc sống quân ngũ rèn luyện mà mỗi người đều tự phấn đấu trở thanh tấm gương cho thế hệ sau noi theo. Anh em chúng tôi trưởng thành cũng nhờ vào những tháng ngày gian khổ ấy”. Ông Bá tâm sự: Ban đầu không phải tất cả anh em trong gia đình đều chọn nghề dạy học. Nhưng trong những năm tháng chiến tranh và sau khi hòa bình lập lại, có lẽ cấp trên thấy chúng tôi đều có ý thức trau dồi văn hóa nên cứ hễ có lớp đào tạo cán bộ là y như rằng chúng tôi được cử đi. Rồi những năm tháng sau đó, như duyên phận định sẵn các trường đều giữ chúng tôi lại làm giáo viên giảng dạy, thế là thành nghề. Cho đến khi ở trên bục giảng, ông Bá vẫn luôn nhắc nhở các em mình phải luôn luôn giữa phẩm chất của một người thầy...

Phải thừa nhận rằng cái chất sư phạm đã ngấm vào gia đình ông Bá như một thứ “văn hóa”. Nó không phải quá cứng nhắc nhưng lại hết sức nền nếp khắt khe, nhất là với con trẻ. Với con cháu, gia đình ông không bao giờ giáo dục theo kiểu áp đặt làm mất đi tính độc lập và sáng tạo của chúng mà chỉ định hướng và khuyến khích chúng tìm tòi phát huy khả năng của mình. Chính cái cách dạy bảo như thế trong gia đình ông Bá từ thời các cụ đã làm nên truyền thống và nuôi dưỡng nó đến tận bây giờ. Vì vậy mà ngay từ những năm 1960 khi muốn đến chúc Tết một gia đình trí thức nào đó của Hà Nội, cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều chọn gia đình ông để đến đầu tiên. Ông Bá vẫn nhớ câu nói vui của Thủ tướng: Gia đình này có tới 11 người giảng dạy trong 9 trường đại học, tôi chỉ cần ghé thăm nơi đây là có thể nắm đủ thông tin về Bộ Giáo dục đào tạo rồi. Giờ này thì ông Bá đã nghỉ hưu và đang bận rộn với công việc kinh doanh của gia đình, nhưng với ông, đoạn đời làm thầy đứng trên bục giảng vẫn là quãng thời gian tâm đắc nhất.

Nguyễn Long