Nghề cắt tóc xưa ở Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Những năm bao cấp, nghề cắt tóc ở Hà Nội phải tập trung thành tổ, hợp tác xã, chứ không được kinh doanh cá thể. Cắt tóc tuy là việc phổ biến và từ già đến trẻ đều cần, nhưng không phải vì thế mà bạ đâu cắt đấy…
Thợ cắt tóc vỉa hè Hà Nội

Thợ cắt tóc vỉa hè Hà Nội

Nhất nghệ tinh..

Cắt tóc là một hình thức làm đẹp, không chỉ khiến cho dung nhan thanh lịch, gọn gàng, nó còn đòi hỏi phải hợp từng khuôn mặt mỗi người, chưa kể người thợ phải nhanh ý hiểu ngay được sở thích của khách hàng. Các cụ có câu “cái răng cái tóc là góc con người”. Chính vì vậy mà các khách hàng kỹ tính bao giờ cũng tìm đến người thợ mà họ gắn bó nhiều năm. Có những ông thợ lành nghề làm không hết việc, khách đến phải ngồi chờ, thậm chí ghi tên theo thứ tự, nhưng cũng có những cửa hàng vắng khách, chủ yếu chỉ cắt cho khách vãng lai, trẻ nhỏ, người già…

Hồi thập niên 80, nhiều người ưa tìm đến ông Cả Mậu. Tổ hợp cắt tóc là ngôi nhà 2 mặt tiền ngay ngã tư Tuệ Tĩnh - Bùi Thị Xuân. Hợp tác xã cắt tóc này chỉ khiêm tốn chừng hơn chục mét vuông với 3 thợ phục vụ, nhưng lạ ở chỗ ai cũng đăng ký thợ Cả Mậu. Thậm chí họ còn kiên nhẫn xếp hàng ngồi chờ, trong lúc 2 ông thợ còn lại ngồi chơi rong, thi thoảng mới có vị khách dễ tính hay bà mẹ dắt cậu con trai ra cắt cua thì đành chấp nhận thợ nào cũng được. Tôi từng là khách thâm niên của Cả Mậu, tròm trèm cũng cỡ 20 năm. Mà không riêng gì tôi, khách quen của ông cũng đông, đa phần là thanh niên ở các phố trong quận Hai Bà Trưng, thi thoảng có cả khách quen từ khu Hoàn Kiếm, Đống Đa cũng tìm đến bằng được để có cái đầu ưng ý.

Để chuẩn bị sửa sang cho một cái đầu tóc dài chấm gáy, bao giờ tôi cũng phải đến sớm. Có lần được cắt ngay, nhưng cũng có bận ông Cả Mậu đưa cho tờ giấy với chiếc bút chì bảo: “Ghi tên vào đây, chờ 4 người nữa”. Cả Mậu có tay nghề giỏi, ông hiểu khuôn mặt từng người và biết cắt kiểu gì cho hợp. Khác với nhiều bác thợ khác, ông Cả Mậu không hề xài tông-đơ mà chỉ dùng kéo. Từng sợi tóc sẽ được tỉa từ trên đỉnh đầu xuống dưới gáy, nhoay nhoáy và tỉ mẩn.

Cả Mậu còn có biệt tài khiến khách không thể rời đi nơi khác, ấy là trong lúc thao tác như thể đang múa kéo thì miệng ông cũng như múa. Chuyện của ông hấp dẫn, hóm hỉnh, duyên dáng, như thôi miên người nghe. Thôi thì đủ thứ Đông Tây kim cổ, từ chuyện thời sự, xã hội cho đến những tình yêu dang dở của mấy cô nàng hoa khôi với các anh dân chơi Hà Nội. Thậm chí, khối tin thuộc diện “thâm cung bí sử” chưa ai biết mà bác ta đã kể vanh vách. Ông Cả Mậu còn có biệt tài nhớ lâu, nhớ dai. Những câu chuyện qua miệng cánh khách quen thường lui tới cắt tóc sẽ được “đài phát thanh” Cả Mậu loan đi rất nhanh.

Các hàng cắt tóc ở phố Quang Trung quãng năm 1991-1993

Các hàng cắt tóc ở phố Quang Trung quãng năm 1991-1993

Nhất thân vinh

Cắt tóc không chỉ để cho gọn gàng mà đôi khi còn là một nghệ thuật. Không những phải làm cho khuôn mặt khách hàng thêm trẻ, đẹp, mà người thợ phải có khiếu đưa đẩy câu chuyện trong lúc thao tác. Mỗi ngày tỉ tê một chút, tôi cũng biết Cả Mậu sinh ra ở làng Kim Liên (quận Đống Đa) - một ngôi làng có nghề cắt tóc mà nay đình làng vẫn thờ ông tổ nghề. Có những người thợ nổi tiếng trong làng từng được vinh danh qua nhiều thế hệ như các cụ Tổng Chu, Phạm Ngọc Phúc, Ba Chọi, Nguyễn Văn Mát…

Những năm trước Cách mạng tháng Tám, cuộc sống của người dân nói chung và dân làng Kim Liên khó khăn nên nhà nhà tìm cách kiếm sống bằng nghề sẵn có. Thế là chỉ cần một chiếc hộp gỗ, bên trong nhét vài đồ nghề là tông-đơ, kéo, dao cạo, chiếc lược, kèm theo cái ghế gấp nhỏ gọn, người thợ Kim Liên đã đặt chân đến khắp hang cùng, ngõ hẻm ở chốn kẻ chợ. Người đang ngồi trong nhà nghe tiếng rao “cắt tóc đê” mà có nhu cầu thì ngay lập tức “salon tóc” sẽ được mọc lên ở dưới gốc cây, trong một chiếc lều bỏ không hay bên sân đình để bác thợ đưa vài nhát kéo là có chiếc đầu mới. Từ ngày giải phóng Thủ đô 1954 đến sau 1970, nghề cắt tóc làng Kim Liên được nhiều người biết tới đâm trở nên nổi tiếng. Dân cắt tóc trong làng ăn nên làm ra, đời sống sung túc, trong đó có Cả Mậu.

Trên khu Hoàn Kiếm, mạn đầu ngã ba Quán Sứ - Hàng Bông còn có tiệm cắt tóc Phạm Ngọc Phúc quy tụ nhiều thợ giỏi về làm. Ông Phúc cũng xuất thân từ làng Kim Liên, trước 1954 thì tiệm của ông nổi tiếng nhất nhì đất Hà Thành. Khách hàng toàn người Pháp, người Hoa giàu có, hoặc các thương gia, ông thông, ông phán, ông ký tìm đến. Nhưng cũng có những ông thợ giỏi không cần khuếch trương bảng hiệu, chỉ ở tít trong ngách sâu như ông Trạch phố Hàng Trống, song khách quen vẫn tìm đến và làm không hết việc.

Hồi còn thanh niên, tôi ưa cắt tóc ở tiệm một bác thợ gốc làng Kim Liên mà dù đã nửa thế kỷ trôi qua vẫn không thể quên. Cũng bởi bác ta có phong thái như một công chức hạng sang chứ không phải ông thợ cạo. Sáng, bác từ làng Kim Liên đi làm trên chiếc xe đạp Méc-xê-duya, áo sơ mi trắng cổ cứng, chân đi giày Tây, đầu chải bóng lộn. Sau chầu điểm tâm và tách cà phê nóng hổi ở quán cà phê Nhân, bác thợ mới ra mở cửa hàng, một tiệm nhỏ trên khu Hoàn Kiếm.

Hiệu cắt tóc Hà Nội năm 1967

Hiệu cắt tóc Hà Nội năm 1967

Đến nơi thì luôn thấy 3-4 khách đứng chực sẵn ngoài cửa chờ, toàn là khách quen lâu năm. Đã thế bác ta còn có cách làm việc không giống bất cứ ông phó cạo nào, đó là chỉ làm giờ hành chính. Cứ đúng 11h là thu dọn đồ nghề, đến 14h mới quay lại làm việc. Có vị khách đến muộn quãng trưa, cứ nằn nì bác sửa cho cái đầu để chiều đi ăn hỏi mà bác ta nhất quyết từ chối.

Sang thế kỷ 21, nghề cắt tóc vẫn thịnh hành, tay nghề cỡ “cây kéo vàng” thì vẫn hái ra tiền. Salon tóc mở khắp các mặt phố chính, đủ kiểu nối tóc, hấp tóc, uốn, nhuộm, thời trang, nhưng chủ yếu dành cho khách nữ. Xưa nữ nhân không cần tạo dáng tóc, cứ để dài, gội bồ kết rồi búi lên là xong. Chỉ có nam giới mới hay phải cắt. Giờ cắt tóc nam người ta coi là việc đơn giản nên làng Kim Liên mai một dần nghề này. Nhiều người bỏ nghề cha truyền con nối để kiếm sống bằng những nghề may mắn hơn. Hay chí ít, ngôi làng ngoại ô ấy giờ đã thành trung tâm, tấc đất tấc vàng, chẳng thà cho thuê mặt bằng kinh doanh cũng còn hơn là đứng cầm cây kéo. Ông tổ nghề Kim Liên giờ nhẽ chỉ còn biết ngậm ngùi ở trong đình.