Ngày xuân nói chuyện Trans fat
(ANTĐ) - Sẽ là một nghịch lý khi nói thời điểm xuân về lại là lúc mà vấn đề ẩm thực, sức khỏe bị lơ là nhất trong năm, nhưng đó lại là sự thật vì tâm lý chung của mọi người đều muốn dành nhiều thời gian để thăm hỏi và nghỉ ngơi nên việc ăn uống đã trở thành thứ yếu. Các bà nội trợ thì ngày càng chuộng thực phẩm ăn liền mà không hề hay biết những nguy cơ đe dọa sức khỏe cả gia đình như Trans fat, chất béo độc hại, nguy cơ gây bệnh tim mạch đang ẩn nấp đằng sau những bao bì bắt mắt…
Ảnh minh họa |
Trans fat - nguốn gốc và tác hại, bạn có biết?
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), cứ 2 giây có 1 người chết vì bệnh tim mạch. Cứ 5 giây thì có 1 trường hợp nhồi máu cơ tim và 6 giây thì có 1 trường hợp đột quỵ. Hơn 80% số tử vong do bệnh tim mạch xảy ra ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, cũng như xảy ra với tỷ lệ gần như nhau ở 2 giới nam và nữ.
Ngày nay bệnh tim mạch đã chiếm vị trí thứ hai trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại Việt Nam. Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng này là do chế độ ăn nhiều chất béo Trans (hay còn gọi là Trans fat) và chất béo bão hòa làm rối loạn lipid máu. Trans fat phát sinh trong quá trình chế biến thực phẩm, khi một số nhà sản xuất sử dụng dầu không đảm bảo chất lượng (đã bị Hydro hóa ở nhiệt độ cao) để giúp cho sản phẩm được bảo quản lâu hơn và bắt mắt hơn nhằm hấp dẫn người tiêu dùng. Còn người tiêu dùng, do thói quen sử dụng thực phẩm ăn liền ngày càng thường xuyên, đang dần tích lũy một lượng chất béo Trans không nhỏ vào cơ thể mà xét về mặt lâu dài là rất có hại cho tim mạch.
Theo nghiên cứu của WHO, chất béo Trans là một trong những yếu tố gây tăng cholesterol xấu, giảm cholesterol tốt dẫn đến nguy cơ bị bệnh tim mạch như: đột quỵ và bệnh mạch vành. Với tác hại to lớn như thế thì việc lựa chọn thực phẩm như thế nào để không có Trans fat nhằm bảo vệ sức khỏe cho cả gia đình là quan tâm hàng đầu của các bà nội trợ trong dịp Tết đang cận kề?
Đề phòng Trans fat - bạn đã biết?
Hiện nay, các nước phát triển trên thế giới đã bắt tay vào việc bài trừ Trans fat. Từ năm 2003, tại Đan Mạch, Anh, Mỹ, Canada, chính phủ đã ban hành luật cấm dùng các loại dầu có chứa hàm lượng chất béo Trans cao hoặc yêu cầu các công ty sản xuất thực phẩm phải ghi rõ hàm lượng Trans fat trên bao bì. WHO cũng khuyến cáo người tiêu dùng nên giới hạn sự tiêu thụ Trans fat ở mức 2g/ngày. Nhiều thành phố như New York, Philadelphia, Boston hoặc vùng Puerto Rico cũng đã có những đạo luật cấm các nhà hàng dùng Trans fat trong việc chế biến thực phẩm.
Tại Việt Nam, khi chưa có quy định gì về kiểm soát Trans fat trong thực phẩm thì các bà nội trợ cần tỉnh táo để lựa chọn thực phẩm đảm bảo an toàn sức khỏe cho cả gia đình. PGS.TS.BS Nguyễn Thị Lâm cho biết: “Với những tác hại do Trans fat gây ra, người tiêu dùng không nên sử dụng những thực phẩm có chứa Trans fat - loại chất béo có hại nguy cơ gây nên bệnh tim mạch và đột quỵ. Để tránh “rước” phải Trans fat về nhà, trước tiên người tiêu dùng phải thận trọng khi lựa chọn thực phẩm: đọc kỹ thông tin trên bao bì và chỉ nên chọn những sản phẩm có ghi rõ thông tin không chứa Trans fat trên bao bì từ những nhà sản xuất có uy tín”.
Trần Hòa