Ngay và luôn cũng chưa đủ

ANTĐ - Ngay sau khi báo chí phản ánh vụ việc cô giáo và học trò phải chui vào túi nilông để... qua suối đến trường tại Sam Lang, Nậm Pồ (Điện Biên) dù đang công tác ở Nhật Bản nhưng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã phản ứng nhanh chỉ đạo ngành GTVT khẩn trương khảo sát để nhanh chóng xây dựng một cây cầu treo dân sinh với thời gian thi công sẽ không quá hai tháng đưa vào sử dụng trước mùa mưa lũ năm nay. 

Rồi đây các cô giáo, học sinh và người dân nơi đó sẽ sớm có một cây cầu vững chắc và không còn phải qua suối bằng phương tiện đặc biệt… chỉ có ở ta. Nhưng trên cả nước, hiện còn bao nhiêu nơi mà người dân phải vượt sông, vượt suối bằng những phương tiện như thế? Còn bao nhiêu nơi khác cũng đang cần những cây cầu như thế?

Theo báo cáo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam - đơn vị được giao xây dựng đề án xây cầu dân sinh, thống kê có tới 2.000 vị trí cần xây cầu dân sinh, trong đó có 1.200 vị trí cần xây cầu treo. Sau khi rà soát, Bộ GTVT đã xây dựng đề án xây 186 cầu treo tại 28 địa phương với tổng mức đầu tư 1.700 tỷ đồng. Sau khi thực hiện đầu tư 186 cầu treo này, Bộ sẽ tiếp tục trình đề án xây cầu dân sinh trên phạm vi 50 tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số theo chỉ đạo của Chính phủ, yêu cầu của Ủy ban Dân tộc. Nhưng đến nay tất cả vẫn chỉ là đề án, còn vì không có cầu, ngày ngày, người dân, học sinh, thầy cô giáo phải vượt sông suối bằng những phương tiện thủ công mà tiện lợi nhất mà họ có thể nghĩ ra như đi bè, mảng, đu dây, thậm chí người ốm đau cũng không còn cách nào khác để đi qua suối... 

Vẫn biết chưa thể đồng loạt bố trí vốn, phương án đầu tư để chỗ nào cũng xây cầu ngay một lúc nhưng cũng cần phải hạn chế tối đa những cái chết thương tâm khi người dân lội sông suối đi làm, đi học. Chuyện quyết định nhanh nhạy và quyết liệt của Bộ trưởng Bộ GTVT được đánh giá cao, song cũng cho thấy là dù quyết định nhanh nhưng vẫn là chậm so với nhu cầu thiết thực của người dân.

Giá như Bộ GTVT chỉ đạo sát sao các Sở GTVT chủ động rà soát thực trạng giao thông của tất cả các địa phương để kịp thời xây dựng cầu ở những nơi cấp thiết nhất thì đã không có chuyện người dân phải qua sông, suối bằng những cách đầy mạo hiểm như thế. Một quyết định nhanh đối với 1 cây cầu  chưa hiệu quả bằng một chiến dịch huy động các nguồn lực xã hội đóng góp cho việc xây dưng nhiều “cây cầu nối những bờ vui”. Công luận hy vọng sau lần này, sẽ không còn có việc báo chí lại lên tiếng, và Bộ trưởng lại phải chỉ đạo “xây cầu ngay và luôn”.