Ngày tựu trường, khai giảng - đổi mới để tránh nhàm chán

ANTD.VN - Ngày 5-9, các trường học trên cả nước sẽ chính thức khai giảng năm học mới. Câu chuyện được đặt ra là liệu nghỉ hè, tựu trường, khai giảng nên giữ nguyên hay thay đổi.

Với mong muốn đi vào thực chất, tránh hình thức, lễ khai giảng của gần 20 triệu học sinh cả nước đang được thay đổi theo hướng ngắn gọn, tạo không khí thực sự của một ngày hội thay vì chỉ tập trung vào phần lễ dài dòng với nhiều diễn văn, thủ tục. Tuy nhiên, vẫn có không ít ý kiến cho rằng ngành giáo dục nên mạnh dạn hơn nữa trong việc đổi mới các hoạt động hè, tựu trường, khai giảng theo hướng chủ động hơn cho các trường.

Để khai giảng thực sự là ngày hội

Ngày 25-8, Sở GD-ĐT Hà Nội đã có văn bản cụ thể về tổ chức khai giảng năm học 2017-2018. Theo đó, Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội Nguyễn Hữu Độ yêu cầu, lễ khai giảng sẽ tổ chức thống nhất trên địa bàn thành phố vào sáng thứ ba, ngày 5-9-2017 - “Ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”. Giám đốc Nguyễn Hữu Độ yêu cầu nội dung lễ khai giảng chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp, đảm bảo thực sự trở thành ngày hội khai trường của học sinh.

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 tuần này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định với nỗ lực của ngành giáo dục, trong vài năm gần đây việc tổ chức khai giảng trong nhà trường đã bớt nhiêu khê, hình thức. Điều này đã được Phó Thủ tướng nhắc nhở nhiều lần khi đã từ lâu học sinh không có được một ngày khai giảng đúng nghĩa bởi các em đã bắt đầu vào chương trình học nhiều tuần trước đó. Chính thực tế này mà phần lớn học sinh chẳng còn cảm nhận được ý nghĩa của ngày khai trường  – ngày đánh dấu một bước chuyển đổi quan trọng trong cuộc đời học sinh. 

Tính hình thức thể hiện rõ trong nội dung lẫn cách tổ chức bởi thực tế không phải tất cả học sinh đều được dự buổi lễ này. Vì nhiều lý do khác nhau, trong đó lý do chính là sân trường chật hẹp không đủ chỗ nên với nhiều trường, lễ khai giảng chỉ dành cho đại diện học sinh, ưu tiên lớp đầu cấp, thậm chí có những trường học sinh đón khai giảng trên hành lang, hoặc ngồi chờ trong lớp vì không đủ chỗ.

Chính vì vậy, lễ khai giảng không còn mang ý nghĩa trọn vẹn của nó. Xuất phát từ những thay đổi thực tế nói trên, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị Bộ GD-ĐT bàn bạc, xem lại cách tổ chức khai giảng khi mà các trường đều tựu trường sớm, lễ khai giảng sau khi học sinh đã đi học được cả tháng sẽ không còn phù hợp và mang tính hình thức.

“Ngay từ khi bắt đầu thành lập trường, chúng tôi đã học mô hình hoạt động giáo dục của các nước tiên tiến. Trong đó, đặc biệt lễ khai giảng không nhất thiết phải y nguyên truyền thống lâu nay của ngành giáo dục. Nhà trường tổ chức vào một ngày riêng phù hợp với lịch học của trường. Lễ khai giảng không có lãnh đạo ngành đến dự mà chỉ có chính các em học sinh, các bậc phụ huynh và giáo viên. Lễ khai giảng được bắt đầu bằng các hoạt động giao lưu, thi đấu thể thao, các màn thể hiện của học sinh, phụ huynh, giáo viên. Quan trọng nhất của buổi lễ là lời hứa quyết tâm của các em trước một năm học mới với chữ ký và dấu ấn của học sinh toàn trường. Tấm phông chữ ký tập thể sẽ được lưu giữ trong suốt năm học để các em đối chiếu với thái độ, hiệu quả học tập của mình” – một hiệu trưởng trường phổ thông dân lập quận Thanh Xuân, Hà Nội chia sẻ.

Rút ngắn hay giữ nguyên 3 tháng nghỉ hè?

Đề cập đến thời gian nghỉ hè kéo dài theo quy định từ trước tới nay, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng đề nghị Bộ GD-ĐT thẳng thắn xem xét xem có còn phù hợp không, mặt nào được, mặt nào chưa được.  “Ví dụ mặt chưa được là ở các đô thị, việc nghỉ hè dài khiến phụ huynh, nhất là phụ huynh trẻ, không biết gửi con ở đâu” - Phó Thủ tướng nêu ý kiến.

Thực tế, ở bậc mầm non, nhiều trường chỉ nghỉ 1 đến 2 tuần là đã tiếp nhận trẻ đến học hè theo nhu cầu của phụ huynh bởi rõ ràng, các  phụ huynh không thể nghỉ làm ở nhà trông con trong suốt 3 tháng hè. Tương tự như vậy, ở bậc tiểu học, THCS, nhiều trường dân lập không tổ chức học văn hóa nhưng vẫn mở các lớp hè, dạy kỹ năng sống, tiếng Anh cho học sinh trước nhu cầu được gửi con đến trường của các bậc phụ huynh.

Trước vấn đề này, nhiều người phản đối việc rút ngắn thời gian nghỉ hè của học sinh vì cho rằng các em cần có thời gian nghỉ ngơi, cân bằng tâm lý sau 9 tháng học tập căng thẳng và hơn hết là có thời gian nghỉ ngơi, sinh hoạt cùng gia đình.

“Các bậc phụ huynh không thể viện cớ bận công tác mà cứ đẩy con mình đến trường, không  quan tâm đến nhu cầu của các con. Phụ huynh phải phân bổ thời gian hợp lý, tổ chức cho các con nghỉ hè sao cho an toàn, bổ ích thay vì  chỉ mong ngóng nhà trường tổ chức lớp học thêm hè để có chỗ gửi con” - cô Nguyễn Vân Anh, nguyên giáo viên trường Tiểu học An Dương, Tây Hồ chia sẻ. Cũng theo cô Vân Anh, “Hiện không còn trường nào cho học sinh nghỉ hè đủ 3 tháng như trước đây. Chính vì thế, với một số học sinh, đây có lẽ cũng là nguyên nhân khiến tình trạng căng thẳng do học hành tăng cao trong thời gian gần đây”.

Tuy nhiên, chị Nguyễn Minh Hạnh, phụ huynh học sinh trường Tiểu học Newton, Bắc Từ Liêm lại lý giải, nghỉ hè của học sinh thành phố hiện chỉ gói gọn trong iPad, iPhone, tivi. Xã hội cũng không đủ an toàn  để thả cho các con tự vui chơi như trước đây. Chính vì vậy, khi nhà trường tựu trường sớm hoặc tổ chức học hè thì bố mẹ hoàn toàn yên tâm gửi con đến trường bởi có chỗ để con giao lưu, phát triển, học kỹ năng hoặc đăng ký các câu lạc bộ ngoại khóa theo sở thích…

“Suy nghĩ kỹ, tôi thấy thay vì cứ ở nhà bên tivi, máy tính thì đến trường các con được vận động, học mà chơi, có thầy cô, bạn bè hướng dẫn, giao lưu, chia sẻ sẽ tốt hơn nhiều. Tất nhiên, điều này là tự nguyện, xuất phát từ nhu cầu mỗi gia đình. Với những gia đình có ông bà, có quê quán thì việc gửi con đến trường là không cần thiết”.

Bên cạnh đó, việc nghỉ hoàn toàn 3 tháng hè cũng đang khiến các thầy cô lo lắng khi học sinh khó bắt nhịp lại với yêu cầu tập trung học tập ngay khi vào năm học mới. Nhiều hiệu trưởng cho rằng thay vì nghỉ hoàn toàn 3 tháng hè, Bộ GD-ĐT nên điều tiết vào kỳ nghỉ giữa năm học, nghỉ Tết âm lịch… Như vậy vẫn đảm bảo học sinh có thời gian nghỉ ngơi với gia đình, đồng thời không gây căng thẳng liên tục trong suốt năm học. 

Có thể thấy, với đa dạng yêu cầu thực tế, Bộ GD-ĐT nên có khảo sát, nắm bắt nhu cầu địa phương, người dân để xem xét lại quy định cứng về nghỉ hè, tựu trường, khai giảng trong năm học tới.

Ngày tựu trường, khai giảng - đổi mới để tránh nhàm chán ảnh 2

PGS. Văn Như Cương, nguyên Hiệu trưởng trường THPT Lương Thế Vinh, Hà Nội: Vì sao vẫn giữ quy định cứng về nghỉ hè, khai giảng?

“Ngày trở lại trường sau 3 tháng nghỉ hè, được gặp lại thầy, cô giáo và bạn bè, không vui sao được. Với những học sinh lần đầu đi học hay buổi đầu tiên đến ngôi trường mới thì sự háo hức càng nhiều hơn. Nhưng bây giờ, học sinh đi học trước ngày khai trường cả nửa tháng, lễ khai giảng được tập đi, tập lại mãi thì còn gì mới mà mong chờ. Vì thế, phải có cách làm mới cho bớt tính hình thức đi. Bên cạnh đó, việc quy định cứng 3 tháng hè cũng không còn phù hợp với mọi đối tượng, đặc biệt là người dân thành phố. 

Cứ đến dịp nghỉ hè là các bậc phụ huynh lại nháo nhác lo tìm chỗ gửi con vì không phải ai cũng có ông bà, quê quán để gửi con em mình. Việc phải “nhốt” con trong nhà để con chơi game hay xem tivi, iPad, iPhone khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Ngoài ra, có những địa phương thường xuyên chịu lũ lụt, mưa gió do khí hậu, vị trí địa lý. Việc nghỉ học để tránh bão lũ sẽ ảnh hưởng đến thời gian năm học trong khi nghỉ hè 3 tháng bị chốt cứng . Ngành giáo dục có nhiều đổi mới, tuy nhiên, với những quy định này thì vẫn cứng nhắc, không phù hợp với điều kiện thực tế từng nơi”.

Ngày tựu trường, khai giảng - đổi mới để tránh nhàm chán ảnh 3

Bà Ngô Thị Thanh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nam Từ Liêm, Hà Nội: Không khó thực hiện, nếu...

“Lễ khai giảng năm nào cũng có chương trình giống nhau chào cờ Tổ quốc, hát Quốc ca, tuyên bố lý do, giới thiệu đại biểu, đọc thư Chủ tịch nước, đánh trống khai trường và sau cùng là các hoạt động văn nghệ tập thể.  Để tránh nhàm chán, lễ khai giảng  cần được thiết kế theo hướng đổi mới. Điều này không khó thực hiện, nếu Ban giám hiệu và tập thể giáo viên trao cho các con những cơ hội thể hiện bản thân với những bí mật đáng yêu mà các con có thể nhận được  trong ngày này. Để mỗi học sinh đều hào hứng trong ngày khai giảng, trường chúng tôi đặc biệt chú trọng phần hội. Phần lễ sẽ gọn gàng, còn lại sẽ là thời gian cho các con tự lên chương trình, thể hiện tài năng và tham gia các trò chơi, hoạt động tập thể có thưởng… Thời gian lễ khai giảng sẽ không kéo dài quá 1 tiếng”.