Ngày thứ 2 đổi giờ học, giờ làm: Đi học sớm, lại về muộn

ANTĐ - Dù mới sang ngày thứ 2 thực hiện đổi giờ học, giờ làm nhưng Bộ và Sở GD-ĐT, Hà Nội rất sốt ruột trong việc nắm tình hình tại các trường học. Phản ánh từ cơ sở cho thấy có nhiều đề xuất điều chỉnh trong việc thực hiện quy định mới.

Cần điều chỉnh thêm để phương án đổi giờ học, giờ làm thực sự có hiệu quả

Không còn sức dạy và học

Làm việc với Ban Giám hiệu trường THPT Cầu Giấy, ông Nguyễn Đức Hải, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định việc đẩy sớm giờ học của học sinh không gặp phải bất cứ thắc mắc nào. Tuy nhiên, theo ông Hải ca chiều với giờ về sau 19h đang gặp phải nhiều vấn đề có thể kéo theo hệ quả lâu dài.

“Truyền thống sum họp gia đình vào bữa tối không còn có thể dẫn tới ảnh hưởng tâm sinh lý học sinh, đặc biệt là ở độ tuổi nhiều thay đổi của học sinh THPT. Bên cạnh đó, chúng tôi không chắc rằng 2 tiết học cuối từ 6 đến 7h tối có đảm bảo chất lượng như tiết học thông thường hay không vì cả thầy lẫn trò đều đói. Hơn nữa các cô giáo còn thắc thỏm chuyện con cái, bếp núc gia đình nên cũng ảnh hưởng ít nhiều đến việc dạy học” - ông Nguyễn Đức Hải phản ánh.

“Đã có vài cái lườm và nhăn” - Cô Lê Thị Hồng, Phó Hiệu trưởng trường THPT Cầu Giấy nói vui vì đến 20h hôm qua Ban Giám hiệu nhà trường vẫn chưa được về. Phản ánh điều mà nhiều giáo viên lo ngại nhất là chi phí sinh hoạt của thầy cô sẽ tăng thêm với khoản đưa đón con cái đi học. Các cô giáo tính sơ sơ cũng mất tới 500.000 đồng/tháng tiền xe ôm đón con, trong khi lương tháng giáo viên trong trường trung bình có 3,2 triệu đồng thì lấy đâu ra khoản bù vào?

Không tắc đường cũng về muộn

Cũng trong ngày thứ 2 này, ý kiến được lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội quan tâm nhất là việc khó đảm bảo an toàn cho những học sinh khu vực xa trung tâm khi tan học vào 19h. Tại huyện Thanh Trì hay Từ Liêm, 2 huyện nằm trong số các địa bàn phải điều chỉnh giờ học, các trường Ngọc Hồi, Đại Mỗ, Ngô Thì Nhậm... nằm trên khu vực khá vắng vẻ vào buổi tối. Hiệu trưởng các trường này cho biết, nhiều học sinh nhà xa, đường ven đô vắng người qua lại, phụ huynh lại không có điều kiện đưa đón nên về sau 19h sẽ tăng nguy cơ mất an toàn cho các em. Ông Nguyễn Hiệp Thống, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội cũng bày tỏ, đối với những trường như vậy thì không cần thiết phải điều chỉnh giờ học. “2 huyện Từ Liêm và Thanh Trì chỉ có gần 16.000 học sinh, trong đó có 4.000 đến 5.000 học sinh học ca chiều, số lượng không lớn nhưng nguy cơ mất an toàn cao nếu về quá muộn nên cần cân nhắc có nhất thiết phải điều chỉnh giờ học ở 2 huyện này?” - ông Thống đặt vấn đề.

Trong khi đó, tại quận Long Biên, 17h25 ngày 2-2, nhiều phụ huynh phản ánh với phóng viên ANTĐ về việc trường tiểu học Sài Đồng vẫn khóa cổng trường chưa cho phụ huynh vào đón con. Được biết, nhà trường đã có thông báo với phụ huynh từ chiều 1-2 về việc đón con vào 17h30 thay vì 16h30 như thường lệ, theo quy định của Phòng GD-ĐT quận Long Biên. “Trường học nằm trong khu đô thị mới, rất thông thoáng, không ảnh hưởng đến giao thông khu vực xung quanh nhưng thay vì cho các con về vào 17h như các trường khác thì phụ huynh nhất định phải chờ đến 17h30 mới được đón con thì có cứng nhắc quá không? ” - một phụ huynh trường này thắc mắc.

Sẽ cố gắng tối đa quan tâm đến từng cá nhân

Những thông tin phản hồi hiện rất cần thiết để thành phố cũng như các cấp quản lý có thể đưa ra những điều chỉnh hợp lý. Đây là vì quyền lợi chung nên mỗi cá nhân đều phải khắc phục khó khăn riêng khi thực hiện đổi giờ học, giờ làm. Tuy nhiên về phía quản lý, thành phố đang cố gắng quan tâm đến mức có thể tới từng cá nhân. Hiện chúng tôi đang đề nghị các trường học thống kê chi tiết các chi phí phát sinh để làm cơ sở kiến nghị tăng ngân sách. Đặc biệt với đời sống giáo viên ảnh hưởng đến đâu, làm thêm giờ thế nào cần cơ chế chính sách cụ thể ra sao cũng sẽ được xem xét. Đối với học sinh, quy định đổi giờ cũng sẽ dựa trên kiến nghị của cơ sở để điều chỉnh vì nếu có thể rút sớm thời gian tan học lên 30 phút thì cũng đỡ rất nhiều chi phí cũng như đảm bảo an toàn cho các cháu khi ra về và lưu thông trên đường.

Ông Nguyễn Văn Vĩnh (Trưởng Phòng Văn hóa - Khoa giáo, UBND thành phố)

Các trường không được thu thêm tiền vì đổi giờ học

Mặc dù việc thay đổi giờ học đối với các trường đang phát sinh nhiều khoản chi như lắp hệ thống đèn điện chiếu sáng, tăng chi phí điện nước trong trường do ngày học kéo dài cũng như các hoạt động trông trưa, bán trú, trông trẻ sau giờ học... nhưng hiện nay Sở GD-ĐT Hà Nội đã thống nhất yêu cầu các trường không được thu thêm bất cứ khoản phí nào từ phụ huynh. Điều này cần thời gian để thống kê chi tiết để có tờ trình lên thành phố quy định mức chi thì mới có quyết định chính thức.

Ông Mai Sỹ Nhật (Trưởng Phòng Quản lý học sinh - sinh viên, Sở GD-ĐT Hà Nội)

Nên có kinh phí làm ngoài giờ đối với giáo viên

Tính trung bình hiện nay mỗi giáo viên từ mầm non đến THCS thuộc địa bàn quận Cầu Giấy sẽ phải đảm nhiệm thêm khoảng 1 giờ mỗi ngày để hỗ trợ phụ huynh đón học sinh sớm và trả học sinh muộn. Do đặc thù của bậc mầm non, để thực hiện điều này, từ năm trước Phòng GD-ĐT quận Cầu Giấy đã đề xuất UBND quận mức chi làm ngoài giờ đối với các cô giáo mầm non theo quy định chung là bằng 1,5 lương cho thời gian làm thêm và không quá 200 giờ/ năm để các cô yên tâm thu xếp công việc cá nhân đáp ứng yêu cầu của phụ huynh học sinh. Theo tôi, để triển khai lâu dài hoạt động ngoài giờ của các trường thì với bậc tiểu học và THCS thành phố cũng cần xem xét để định ra mức chi làm ngoài giờ của giáo viên cho phù hợp với quy định của bộ Luật Lao động.

Bà Bùi Thị Vân Anh (Trưởng Phòng GD-ĐT Cầu Giấy)