Ngày thơ Việt Nam 2017: Đọng lại tiếng cười và xúc cảm

ANTD.VN - Nhiều thế hệ nhà thơ chiến đấu và trưởng thành trong chiến tranh như Trần Ninh Hồ, Nguyễn Trọng Tạo, Anh Ngọc, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa… cho đến các cây bút thuộc thời kỳ đổi mới như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Y Phương… đã góp mặt trong Ngày thơ Việt Nam lần thứ 15 - 2017 với chủ đề “Đồng hành và sáng tạo cùng đất nước” được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám vào ngày 11-2.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa

Ngày hội của những người yêu thơ

Ngày thơ Việt Nam 2017 có nhiều cái mới. Sự đổi mới rõ ràng nhất là thay vì sân thơ truyền thống hay sân thơ trẻ là sự xuất hiện của sân thơ Văn Miếu và sân thơ Thái Học. Không phân biệt “thơ trẻ” hay “thơ già” nên ở sân Văn Miếu hôm qua, người ta thấy sự góp mặt của những cây bút tương đối trẻ và mới như Lữ Thị Mai, Bùi Tuyết Mai, Bảo Trân… cũng tự tin góp nên những vần thơ của mình. 

Bên cạnh làn gió trẻ, những người yêu thơ có mặt tại Ngày thơ Việt Nam cũng có dịp gặp lại những thế hệ nhà thơ Việt Nam đã trực tiếp cầm bút và trưởng thành trong kháng chiến như nhà thơ Trần Ninh Hồ, Anh Ngọc, Nguyễn Trọng Tạo, Bằng Việt, Trần Đăng Khoa, Hoàng Nhuận Cầm, Nguyễn Thị Hồng Ngát cho đến các nhà thơ thuộc thời kỳ đổi mới như Nguyễn Quang Thiều, Nguyễn Việt Chiến, Y Phương… 

Không giống như những năm trước, tức là các nhà thơ lần lượt lên đọc thơ, trình bày thơ của mình, năm nay, bên cạnh bữa tiệc thơ, khán giả cũng có dịp được thưởng thức những câu chuyện hài hước từ những nhà thơ.

Dí dỏm nhất phải kể đến nhà thơ Trần Đăng Khoa. Khi nhận được câu hỏi từ người dẫn chương trình - nhà thơ Nguyễn Hữu Quý là “Làm thế nào để có thơ hay”, Trần Đăng Khoa nửa đùa nửa thật: “Hỏi thế nào là thơ hay thì khó, nhưng theo tôi thơ hay chỉ gói gọn 6 chữ đó là giản dị, xúc động và ám ảnh. Tuy nhiên, làm thế nào để có thơ hay thì tôi cho rằng tốt nhất là chúng ta không viết thơ… dở”. Nhà thơ “Hạt gạo làng ta” còn cho biết, mặc dù năm nào thơ của ông cũng được tái bản, nhưng cũng có những vần thơ đọc lại thấy… “dở òm”. Ông dí dỏm “chua” thêm: ”Để văn học Việt Nam có nhiều thơ hay thì các nhà thơ tự ý thức, nếu mà thơ dở thì đừng đem đi… in”. 

Không phải là nhà thơ, nhưng nhà văn Chu Lai bất ngờ góp mặt trong ngày thơ với tư cách là người đạt giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam 2016 với tiểu thuyết “Mưa đỏ”. Chính vì điều “bất thường” này, nhà văn Chu Lai cho biết: “Hôm nay là Ngày thơ Việt Nam nhưng lại có một người viết văn như tôi, nó giống như một tín hiệu sang năm có thể có Ngày văn chương Việt Nam chăng. Và biết đâu con đường thi ca ở phía trước kia lại biến thành... con đường văn chương”.

Cảm động thơ thời chiến

Bên cạnh những màn đối đáp gây tiếng cười, người yêu thơ cũng trải qua những giây phút lắng đọng bởi những câu chuyện cảm động đến từ các nhà thơ đã trực tiếp cầm bút trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc. Trần Ninh Hồ là một phóng viên thời chiến trong mặt trận Đông Nam Bộ, trong giai đoạn 1971-1975. Trải qua những giai đoạn ác liệt của chiến tranh, giữa lằn ranh khi mà số phận con người ta chỉ được định đoạt trong một khoảnh khắc, ông đã có những vần thơ giản dị nhưng đầy xúc động: “Diệt xong chốt địch rồi/Tôi đi tìm thằng Nhâm/Phía nó đánh lên bom rơi nhiều quá/Phút tìm bạn ai cũng thành người lạ/Mày ở đâu rồi. Nhâm ơi. Mày đâu?...”.

Có mặt ở Campuchia vào thời điểm tháng 1-1979, khi đất nước này chịu nhiều đau thương bởi thảm họa diệt chủng Pol Pot với tư cách là người lính tình nguyện Việt Nam, nhà thơ Anh Ngọc run run khi đọc lên những dòng thơ trong trường ca “Sông Mê-kông bốn mặt”: “Anh bồng tiếng khóc trên tay/Qua bao núi rộng sông dài ru em/Ru cho vợi nỗi khát thèm/Đói cơm khát sữa khát thêm hồn người/Khát ngôi sao sáng trên trời/Khát con cò trắng trong lời mẹ ru…”. 

Ông bồi hồi nhớ lại những ám ảnh gần 40 năm trước khi tận mắt chứng kiến những cảnh tượng đau lòng: “Một buổi chiều ở công viên Siem Riep ngay dưới chân Angkor, tôi nhìn thấy vô số em bé lang thang cầu bơ cầu bất. Những em bé không gia đình, không bố mẹ, không nhà cửa, không cơm ăn nước uống. Nhiều em bé xíu. Trong đó có một em bé mới có 5 tuổi gầy giơ xương, đầu không một sợi tóc…”. 

Nhìn thấy những cảnh tượng ấy, ông đã cho ra đời những vần thơ cảm động trong “Sông Mê-kông bốn mặt” và cho đến giờ đó vẫn là tác phẩm ghi dấu ấn trong sự nghiệp sáng tác của ông. Chiến tranh và sự tàn bạo của con người, dù là ở đâu cũng không được chấp nhận, dung thứ. Và thơ vẫn là sứ giả đem con người không cùng màu da, tiếng nói, không cùng chủng tộc xích lại gần nhau, để cất lên tiếng nói của tinh thần bác ái, của lòng trắc ẩn và sự sẻ chia giữa người với người.