Ngày Tết ở nơi "nóng" nhất về cấp cứu tai nạn giao thông

ANTĐ - Nhiều năm nay, Bệnh viện Việt Đức luôn được biết đến là địa chỉ “nóng” nhất vào mỗi dịp lễ Tết, bởi lượng bệnh nhân phải nhập viện cấp cứu do tai nạn tăng đột biến. Cũng vì thế, Tết của các bác sĩ phải trực những dịp này lại càng vất vả, căng thẳng và áp lực hơn ngày thường. 

Ngày Tết ở nơi "nóng" nhất về cấp cứu tai nạn giao thông ảnh 1Ngày Tết nhưng các y bác sĩ trực cấp cứu vẫn phải làm việc hết công suất

Gần 200 ca cấp cứu chỉ trong 1 ngày

Theo bác sĩ Phạm Gia Anh, Phó Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp - Bệnh viện Việt Đức, 7 ngày nghỉ Tết vừa qua (từ ngày 29 Tết đến hết mùng 6 Tết (13-2), bệnh viện đã tiếp nhận hơn 1.000 bệnh nhân đến khám cấp cứu, trong đó 60% là do tai nạn giao thông (TNGT) và 2/3 số này bị chấn thương sọ não vì không đội mũ bảo hiểm. Cao điểm nhất là mùng 3 Tết có tới 186 ca vào cấp cứu, khiến áp lực dồn lên những y bác sĩ được phân công trực Tết tại bệnh viện rất lớn dù số lượng người trực được tăng cường đáng kể.

Trực cấp cứu 24/24h trong ngày cao điểm nói trên, điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Ngọc Thực chia sẻ, dù đã rất nhiều năm phải “xông đất”, đón Tết tại bệnh viện nhưng hầu như chưa năm nào anh chứng kiến con số kỷ lục, khi có tới gần 200 ca vào cấp cứu chỉ trong 1 ngày như mùng 3 Tết Bính Thân vừa qua. Kíp trực cấp cứu hôm đó có tất cả gần 50 người, lại được tăng cường thêm một số y bác sĩ từ khoa khác sang song dường như vẫn quá tải, bởi lượng bệnh nhân quá đông, vào viện liên tục và đa phần đều là ca nặng, nhiều ca rất nguy kịch, phải xử lý mất rất nhiều thời gian. 

“Cả 50 y bác sĩ, học viên ở khoa chúng tôi hôm đó đều phải căng mình như một cái máy trong suốt 24h, hầu như chỉ đứng, chạy và làm việc chứ không có giây phút để ngồi nghỉ hay chúc mừng nhau ngày Tết. Chỉ 12 bác sĩ trực mà 1 ngày phải mổ đến gần 30 ca, chưa kể xử lý cấp cứu các ca còn lại. Đến bữa ăn dù mọi người đều chủ động mang sẵn đi từ nhà nhưng cũng phải thay nhau ăn vội vàng cho xong. Có thể do dịp Tết năm nay thời tiết thuận lợi, lại được nghỉ dài ngày nên người dân đi chơi nhiều hơn và tai nạn cũng tăng mạnh hơn hẳn mọi năm” - điều dưỡng trưởng Khoa Cấp cứu Bệnh viện Việt Đức kể lại.

“Sợ” Tết hơn ngày thường

Đối với bác sĩ trẻ Nguyễn Hữu Thảo - Bệnh viện Việt Đức thì đây là năm thứ ba liên tiếp anh phải đón Tết tại bệnh viện vào đúng ngày 30 hoặc mùng 1 Tết. Chưa có gia đình riêng, bố mẹ đều ở Nghệ An nên Tết Bính Thân này với bác sĩ Thảo cũng gần như không có Tết, bởi ngày 29 vẫn đi làm bình thường, 8h sáng mùng 1 Tết lại đến bệnh viện trực thâu đêm cho đến 8h sáng mùng 2 Tết mới hết ca, tối mùng 2 Tết mới về được đến quê đón Tết cùng gia đình thì lăn ra ngủ vì… mệt. Rồi chưa hết ngày nghỉ Tết theo quy định chung thì mùng 6 lại phải ra Hà Nội để sáng mùng 7 trực cấp cứu tại bệnh viện. 

Trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo cho biết, lịch trực Tết của anh như vậy là… hết sức bình thường đối với một bác sĩ trẻ, bởi các bác sĩ ở Bệnh viện Việt Đức hầu như ai cũng phải trực tối thiểu 2 ngày trong 9 ngày nghỉ Tết, có người vừa trực đêm Giao thừa thì mùng 3, 4 Tết lại phải trực tiếp. “Tâm trạng đi làm ngày Tết kể cũng hơi buồn, vì ai cũng có gia đình, có cuộc sống riêng. Nhưng với nghề y cũng như nhiều ngành nghề trực tiếp phục vụ nhân dân, việc trực Tết là trách nhiệm, mà đã chọn nghề thì ai cũng phải chấp nhận. Chỉ có điều áp lực của y bác sĩ trực cấp cứu ngày Tết còn đáng sợ hơn cả ngày thường, bởi bệnh nhân thì tăng mà tâm lý người nhà bệnh nhân cũng phức tạp, người bệnh nhẹ thì muốn xin xuất viện càng nhanh càng tốt để về ăn Tết tại nhà, người bệnh nặng hơn chút cũng muốn điều trị càng sớm càng tốt…” - bác sĩ Nguyễn Hữu Thảo chia sẻ.

Dịp Tết năm nay tại Bệnh viện Việt Đức không chỉ lượng bệnh nhân vào cấp cứu tăng mạnh mà còn có rất nhiều trường hợp thương tâm như cả nhà 3-4 người đang đi chúc Tết thì bị TNGT cùng vào cấp cứu, có trường hợp 2 mẹ con chở nhau đi chúc Tết bị xe ô tô mất lái do người lái xe trong lúc say rượu đâm vào phải đi cấp cứu, có trường hợp do đánh nhau… Bác sĩ Phạm Gia Anh cho biết, trong số bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong những ngày Tết, có 2 trường hợp tử vong tại viện và 23 trường hợp nặng xin về thì có đến 19 ca là do TNGT. 

Trên 3.400 trường hợp nhập viện vì đánh nhau

Thông tin tổng hợp từ Bộ Y tế cho biết, trong 6 ngày cao điểm dịp Tết Nguyên đán Bính Thân (từ 29 đến mùng 5 Tết), tại các bệnh viện trên cả nước đã tiếp nhận gần 30.000 trường hợp cấp cứu vì TNGT, trong đó hơn 3.500 trường hợp chấn thương sọ não; có 3.400 trường hợp nhập viện vì ẩu đả, đánh nhau (10 người thiệt mạng) và 700 trường hợp ngộ độc thực phẩm, chủ yếu là ngộ độc rượu.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Y tế, tính đến tối 13-2 (mùng 6 Tết), trên toàn địa bàn thành phố có 11.482 người nhập viện khám, chữa bệnh và cấp cứu. Trong đó, hơn 1.000 bệnh nhân nhập viện do TNGT với 96 ca bị chấn thương sọ não; 59 trường hợp nhập viện do ngộ độc thức ăn, 104 trường hợp do đánh nhau; 1 trường hợp do pháo nổ và 2 trường hợp bị tai nạn do chất nổ khác; 36 người tử vong.