Những đối tượng cướp tiệm vàng qua hình vẽ của họa sĩ Võ Tấn Thành
“Chính là hắn”
Theo lời họa sĩ Thành kể, lúc ấy trinh sát ban chuyên án đã lần lượt bố trí cho ông tiếp xúc với khoảng trên dưới 20 người, được xác định là nạn nhân của các vụ cướp táo bạo bằng súng. Những người này mô tả một trong những kẻ đã tấn công họ, có thể nói là cầm đầu băng cướp là người cao lớn, tóc dài. Những lời kể của các nạn nhân được họa sĩ ghi chép chi tiết, từ đó phác họa dần dần ra chân dung của kẻ gây án. Sau nhiều lần chỉnh sửa, các nạn nhân được mời lên để nhận dạng hung thủ qua ảnh thì họ cũng đã phải thốt lên rằng “chính là hắn”.
Tấm ảnh do họa sĩ Thành phác họa ra được ban chuyên án sử dụng để lần ra băng cướp khét tiếng. Từ bức ảnh các trinh sát đã rà soát, trích lục hàng loạt hồ sơ tội phạm thì phát hiện kẻ nghi vấn có khuôn mặt giống hệt chân dung mà họa sĩ Thành vẽ ra, đó là Nguyễn Chí Dũng (còn có tên gọi khác là Nguyễn Chí Thành, biệt danh Dũng “chim xanh”, SN 1966, ngụ xã Tân Khai, huyện Bình Long (huyện Hớn Quản ngày nay), tỉnh Bình Phước. Dũng “chim xanh” là võ sư huyền đai tam đẳng Taekwondo, từng là vận động viên của quân khu 7, là diễn viên đóng thế trong một số bộ phim võ thuật. Dũng từng có hàng loạt các tiền án, tiền sự như: “trộm cắp tài sản”, “cướp tài sản”, “cố ý gây thương tích”… Đến cuối năm 1997 Dũng “chim xanh” ra tù và lang bat giang hồ mà không ai biết đi đâu.
Từ khi xác định chân tướng Dũng “chim xanh”, các trinh sát của ban chuyên án và của các tỉnh thành được huy động vào cuộc. Khoảng đầu tháng 6-2001 trên Quốc lộ 56 Dũng “chim xanh” lần ấy đã lọt vào ổ phục kích của 2 trinh sát Công an tỉnh Đồng Nai nhưng màn đấu súng của tên tội phạm liều lĩnh làm các trinh sát không thể tiếp cận và hắn đã trốn thoát trong gang tấc. Chỉ sau đó 1 tháng, Dũng “chim xanh” lại chạm trán với trinh sát của Công an huyện Bình Chánh, TP.HCM. Cũng như lần trước, Dũng chủ động nã đạn bắn vào chân 1 trinh sát và cũng tẩu thoát nhanh gọn. Trước những hành động táo tợn và ngày càng nguy hiểm của Dũng “chim xanh” cùng đồng bọn, ban chuyên án quyết định tung lượng lớn trinh sát ngày đêm vào cuộc, quyết giăng lưới bắt cho bằng được Dũng “chim xanh”. Qua nhiều ngày đêm truy lùng về gia đình của Dũng, trinh sát phát hiện tướng cướp này đang sinh sống với vợ con tại đường Trương Minh Giảng, phường 17, quận Gò Vấp. Sau những phi vụ “ăn hàng” táo bạo, Dũng lại về nhà sinh sống như bình thường nhưng đáng nói là hễ ra đường Dũng lại giắt súng ngắn trong người. Đến khoảng giữa tháng 10-2001, vào một buổi sáng, Dũng dắt xe ra khỏi nhà chở con đi học như bình thường nhưng hắn không ngờ thời điểm đó tổ trinh sát đóng vai dân lao động đã kịp thời tiếp cận dùng vũ lực, quật ngã hắn và tra tay vào còng trong khi tên tướng cướp nguy hiểm này không kịp động thủ.
Đáng nói là khi nhập trại, Dũng “chim xanh” lỳ lợm không khai báo, đôi lúc khi được cho xem bức ảnh mà họa sĩ Thành phác họa ra chân dung của hắn từ những lời khai của các nạn nhân, mặt có biến sắc nhưng Dũng vẫn im thin thít. Thậm chí Dũng 2 lần có ý định vồ vào các ổ điện trong những lần được hỏi cung nhằm tự sát nhưng ý định của hắn không thành công. Cuối tháng 3-2003 Dũng “chim xanh” đã phải lĩnh án tử hình. Có lẽ trước khi xuống mồ sâu, tướng cướp Dũng “chim xanh” vẫn không ngờ rằng, người đã đưa hắn ra trước ánh sáng pháp luật lại là một người họa sĩ.
Tái hiện băng cướp hàng loạt tiệm vàng
Liên tiếp sau đó họa sĩ Võ Tấn Thành đã giúp lực lượng công an khám phá những vụ án chấn động, mà theo lời ông kể trong đó có vụ băng cướp hàng loạt tiệm vàng gây chấn động miền Tây xảy ra trong giai đoạn năm 2009.
Một buổi chiều đầu tháng 5-2009, 4 tên cướp có trang bị vũ trang đã xông vào tiệm vàng Lan Anh ở TX.Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang khống chế nhân viên, cướp đi hơn 200 lượng vàng; lúc tháo chạy khi bị người dân truy đuổi 1 trong 4 tên đã nã đạn về phía sau làm ông Nguyễn Văn Bảy bị thương. Ban chuyên án được xác lập và mời họa sĩ Võ Tấn Thành vào cuộc phá án. Theo lời họa sĩ Thành kể, lúc bấy giờ ông và con trai, Võ Tấn Phát cùng các trinh sát của ban chuyên án lặn lội khắp nơi. Cũng như những lần trước những lời kể của nhân chứng được ông ghi chép cẩn thận từng chi tiết, và những phác thảo chân dung các tên cướp được vẽ lên trong đầu. Lần lượt họa sĩ Thành đã vẽ ra khuôn mặt các tên cướp làm cho những nạn nhân, nhân chứng trong vụ cướp thảng thốt “chính là tụi nó, giống hệt!”. Những chân dung có được ban chuyên án đã nhận định có thể nhóm cướp đến từ Campuchia và tổ chức truy lùng.
Trong khi ban chuyên án Công an tỉnh Kiên Giang cùng Bộ Công an đang điều tra vụ cướp tiệm vàng Lan Anh thì bất ngờ đầu tháng 7-2009 có 1 vụ cướp tương tự xảy ra khi 6 tên cướp dùng súng ập vào khống chế nhân viên của tiệm vàng Quốc Thắng ở thị trấn Nhà Bàn, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang cướp đi 300 lượng vàng. 1 ban chuyên án khác được xác lập của Công an tỉnh An Giang. Do nhận định có thể băng nhóm này đã gây ra vụ cướp ở tiệm vàng Lan Anh trước đó nên ảnh nhân dạng do họa sĩ Thành vẽ ra nhanh chóng được sao chép, chuyển giao cho ban chuyên án vụ cướp tiệm vàng Quốc Thắng nhằm phục vụ công tác điều tra, truy xét…
Từ đó, ban chuyên án Công an tỉnh An Giang đã rà soát nhanh và chỉ vài ngày sau đã phối hợp cùng Cảnh sát Hoàng gia Campuchia tóm gọn 1 băng nhóm tình nghi, trong đó đối tượng cầm đầu được xác định là Sing Hênh; tuy nhiên chúng chối phăng. Ban đầu ban chuyên án có đưa những đoạn clip vụ cướp tiệm vàng Lan Anh cho những tên cướp để đấu tranh nhưng đổi lại những tên lỳ lợm vẫn không nhận tội. Cuối cùng, cán bộ lãnh đạo của ban chuyên án vào phòng hỏi cung, đối mặt với Sing Hênh và trên tay cán bộ này có cầm tấm ảnh chân dung của chính Sing Hênh do họa sĩ Thành đã vẽ ra theo lời kể của các nhân chứng, Sing Hênh tái mặt, nói lắp bắp “cán bộ biết rồi! Tôi không còn gì để giấu nữa!”. Sau đó Sing Hênh và đồng bọn đã khai ra là “tác giả” của 2 vụ dùng súng cướp tiệm vàng Lan Anh và Quốc Thắng như nói trên. Có lẽ đến giờ, Sing Hênh và đồng bọn cũng đang thắc mắc rằng, không biết người nào đã gặp mặt chúng, đã vẽ nên chân dung của chúng.
Họa sĩ Võ Tấn Thành cho biết, việc vẽ chân dung tội phạm tưởng đơn giản nhưng lại là khó nhất, nguyên nhân chính là nhiều khi nhân chứng vì quá sợ hãi hoặc tranh tối tranh sáng không nhìn rõ, không nhớ rõ được chân dung tội phạm để có thể tả chi tiết. Ngoài ra, với “tuyệt chiêu” phác họa nhân dạng qua lời kể, của thân nhân, họa sĩ Thành đã phục dựng thành công hàng trăm chân dung liệt sĩ và những người đã qua đời từ nhiều chục năm trước, không còn hình ảnh để thờ. Ông tiết lộ, phương pháp này là tổng hợp các kỹ thuật chuyên sâu của các ngành giải phẫu mặt, tâm lý học và khoa học kỹ thuật hình sự để xây dựng kết cấu gương mặt chuẩn người Việt Nam. “Chiến công” được coi như đỉnh cao là họa sĩ đã tái hiện hoàn hảo chân dung từ bức ảnh chụp xương hộp sọ. Được biết cách đây vài năm, họa sĩ Võ Tấn Thành công trình nghiên cứu “giải pháp căn bản họa hình mô tả chân dung”, Đại tá Phạm Ngọc Hiền, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an đánh giá, họa sĩ có rất nhiều cố gắng trong suy nghĩ, sáng kiến, tìm được những mẫu hình cơ bản dạng người Việt Nam. Đóng góp có hiệu quả cao cho công tác miêu tả và nhận dạng chân dung, áp dụng tốt cho nhiệm vụ truy lùng tội phạm.