Ngay lúc này đây, là Tết

ANTĐ - Đã bao giờ bạn đặt ra câu hỏi: Tết là gì? Trả lời thấu đáo được câu hỏi này, mỗi người sẽ tự thấy “Ngay lúc này đây, là Tết!”

Tết là gì?

Tết là ngày đầu tiên của một chu trình của chuỗi vòng quay của một năm – 365 ngày. Con người vốn coi trọng sự bắt đầu và kết thúc, thế nên ngày cuối cùng của vòng quay, tiếp nối với ngày đầu tiên của vòng quay mới, được coi là thời khắc quan trọng, thiêng liêng, mang nhiều ý nghĩa. Đa phần các nước phương Tây tính vòng quay theo mặt trời – biểu tượng của dương, nên Tết mừng năm mới chính là ngày đầu của chuỗi vòng quay, ngày 1 tháng 1.

Trong khi đó, tại Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (TQ), lại theo lịch âm, tức lịch tính theo mặt trăng. Ngày Tết đầu năm mới là ngày 1 tháng Giêng. Một số nước theo đạo Phật hoặc Hồi giáo… lại có Tết riêng. Ví dụ Tết Ramadan của người Hồi giáo, hay Tết Chôl Chnăm Thmây có nghĩa là “Vào năm mới” của người Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Sri Lanka, một bộ phận người Khmer ở Nam bộ Việt Nam… Tóm lại mỗi đất nước có thể có Tết riêng, thậm chí mỗi dân tộc trong một nước cũng có thể có Tết riêng của mình.

Tại Việt Nam, Tết Nguyên đán ẩn chứa những giá trị nhân văn thể hiện mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, vũ trụ qua bốn mùa xuân-hạ-thu-đông. Tết diễn ra vào thời điểm bắt đầu mùa xuân, mùa đâm chồi, nảy lộc, biểu trưng cho sự bắt đầu, khởi nguồn phát triển. Tết cũng là dịp để mọi người Việt Nam tưởng nhớ tổ tiên, nguồn cội, cũng là sự giao cảm nhân sinh trong quan hệ đạo lý, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, uống nước nhớ nguồn… 

Vì thế, cứ Tết đến người ta lại trang hoàng nhà cửa cho sạch, đẹp, rồi tặng quà cho nhau, chúc tụng nhau điều tốt lành, thuận lợi trong năm mới…

Nghịch lý hạnh phúc - khổ đau

Tết vốn mang ý nghĩa vui vẻ, hạnh phúc, hay chí ít là mong muốn, ước nguyện cho sự bắt đầu may mắn, hạnh phúc. Nhưng sự thật là, trên thế gian này, chúng ta từng chứng kiến các cảnh phiền não khổ đau, nhiều hơn là bình yên vui sướng. Ngẫm lại cuộc đời mỗi chúng ta sẽ thấy, những sự bất trắc, bất như ý, bất toại nguyện, thường nhiều hơn những việc vui vẻ, vừa ý và toại nguyện. Cho nên, nhận định cuộc đời “khổ nhiều vui ít”, là sự thực rõ ràng! 

Ngài Đạt Lai Lạt Ma 14 nói rằng: “Điều nghịch lý của thời đại ngày nay là chúng ta có những toà nhà cao hơn, nhưng sự kiên nhẫn lại ngắn hơn. Ta có những đại lộ rộng lớn hơn, nhưng cái nhìn lại nhỏ hẹp hơn. Chúng ta tiêu xài nhiều hơn, nhưng có được ít hơn; mua sắm nhiều hơn, nhưng thưởng thức lại kém hơn. Ta có căn nhà to rộng hơn, nhưng gia đình nhỏ bé hơn; có nhiều tiện nghi hơn, nhưng thời giờ ít ỏi hơn. Chúng ta có nhiều bằng cấp hơn, nhưng hiểu biết lại giảm đi, ta dư thừa kiến thức nhưng lại thiếu sự xét suy... Chúng ta có nhiều nhà chuyên môn, nhưng cũng có thêm nhiều rắc rối; có thêm thuốc men, nhưng sự lành mạnh càng sụt giảm. Chúng ta uống rượu và hút thuốc quá nhiều, tiêu pha không tiếc, nhưng lại thiếu vắng tiếng cười, lái xe quá nhanh, nóng giận rất dễ, thức rất khuya, đọc sách rất ít, xem ti vi quá nhiều, và hiếm khi ta biết ngồi lại trong tĩnh lặng! Tài sản của ta tăng lên gấp bội phần, nhưng giá trị chúng ta cũng sụt giảm theo. Chúng ta nói quá nhiều, thương yêu quá ít, và thù ghét thì lại quá thường xuyên”.

Ngài Đạt Lai Lạt Ma 14 chốt lại: “Chúng ta biết cách kiếm sống, nhưng không mấy ai biết sống. Một đời người được kéo dài hơn, nhưng chỉ là cộng thêm năm tháng mà thôi. Chúng ta đã lên đến mặt trăng và trở về trái đất, nhưng rất khó bước qua bên kia đường để chào người hàng xóm mới. Ta chinh phục được thế giới bên ngoài, nhưng không biết gì về thế giới bên trong. Chúng ta đã làm được rất nhiều việc lớn lao, nhưng hoá ra lại rất ít việc tốt lành”.

Quả là ý kiến của bậc đại trí tuệ!

Để 365 ngày đều là Tết!

Vậy phải làm sao để ngày nào cũng là Tết - cũng an vui, hạnh phúc? 

Ngay trong cùng một thời điểm, cùng không gian - thời gian, mỗi người đều có trạng thái khác nhau. Vậy nên, an lạc - vui vẻ là cái luôn cần phải có trong mỗi con người. Ngay trong giây phút này, trong ngày mai, ngày mai nữa… dù khó khăn hay khổ đau... chúng ta cũng phải có sự an lạc, hạnh phúc và vui vẻ... Đừng đánh mất nó, nếu mất nó ta ắt phiền não, khổ đau. Hãy hướng đến một ngày mới an lạc - chân thật - vui vẻ.

 Đó là lý thuyết!

Trên mạng xã hội, hình như có một “status” rất hay, rất đơn giản, trực diện và đáng suy nghĩ rằng: “Hạnh phúc là sáng có việc để đi làm, chiều có nơi để về, và nơi ấy có người yêu thương mình ngóng đợi... Hạnh phúc là tối có bữa cơm nóng để ăn, có tiếng cười rộn rã vang lên trong căn nhà nhỏ... Người ta kiếm tiền để đảm bảo cho gia đình mình đầm ấm, làm việc đến mức người yêu từ bỏ, nhà cửa vắng vẻ lạnh tanh, vợ chồng lục đục, con cái bất mãn... thì lúc đó, ta biết mình nên dừng lại để giữ cái nào quan trọng. Hạnh phúc không chỉ ở đích đến, mà còn nằm ở đường đi. Nếu đi đường quá khổ sở mà đích đến cũng chẳng đạt được, thì cái việc đi đó chỉ là vô nghĩa. Chúng ta, đừng để đến già mới nhận ra: Mình đã lạc đường”.

Vâng, sống mà luôn biết điều gì là quan trọng, đi đúng con đường, đạt được sở nguyện thì hạnh phúc đến.

Đó là thực tế!

Một thực tế khác, cũng vô cùng đơn giản là vì sao cứ phải đến cuối năm mới quét dọn sạch sẽ nhà cửa, sân ngõ, vứt bỏ những thứ rác rưởi, may sắm quần áo mới, trang trí bàn thờ, hay lau chùi bàn ghế ấm chén và mọi thứ thức ăn vật dụng… khác? Sao không chú ý làm việc đó mỗi ngày, hay chí ít là hàng tuần, hàng tháng?

Lại nữa, từ phút giao thừa trở đi, con cháu thường được nhắc nhở là không được nghịch ngợm, cãi cọ nhau, không nói tục chửi bậy, anh chị, cha mẹ cũng không quở mắng, hay trách phạt con em. Đặc biệt là đối với ai cũng tay bắt mặt mừng, vui vẻ niềm nở, chúc nhau những điều tốt lành, biết yêu thương, chia sẻ, nhường nhịn lẫn nhau… Thế mới có chuyện người dân Thủ đô mong quanh năm là Tết, bởi Tết đường sẽ thông thoáng, an toàn, đẹp đẽ… Nếu có lỡ va chạm giao thông với nhau, người ta cũng rất dễ cười xoà, “chúc mừng năm mới”, rồi đi. 

Một cách đơn giản, mình hãy làm tốt, làm đẹp chỗ mình, rồi người khác và người khác nữa làm tốt, làm đẹp ở chỗ khác... Từ những góc nhỏ được làm tốt, làm đẹp ấy, dần dần sẽ tạo ra một đất nước tốt đẹp hơn.