Ngày lễ không trọn vẹn

ANTĐ - Có thể nói không khí ngày lễ 1-5 năm nay trên thế giới không được trọn vẹn khi một ngày trước đó, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cảnh báo rằng sẽ có 202 triệu người thất nghiệp trên toàn cầu trong năm 2012, tăng 6 triệu người so với năm ngoái. 

Biểu tình tại Tây Ban Nha phản đối nạn thất nghiệp tăng cao

Báo cáo “Việc làm Thế giới 2012” của ILO nêu rõ khoảng 50 triệu việc làm đã biến mất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 tới nay. ILO dự tính tỷ lệ thất nghiệp trên toàn cầu sẽ là 6,1% trong năm nay, tương đương 202 triệu người, tăng 3% so với năm 2011. Tổ chức này cũng dự đoán tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng lên 6,2% vào năm 2013, với việc thêm 5 triệu người lao động không có công ăn việc làm.

Châu Âu, nơi từng được coi là hình mẫu thịnh vượng, nay đang phải chứng kiến cảnh có tới gần 2/3 số quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp gia tăng. Tại châu Á, đầu tàu Trung Quốc đang rơi vào tình trạng ngay cả lực lượng lao động được đào tạo lành nghề cũng phải chật vật tìm việc. Trong khi đó Arập và châu Phi tiếp tục phải đối mặt với tình trạng sụt giảm mạnh việc làm.

Nhiều người có thể nghĩ rằng cơn lốc khủng hoảng tài chính - tiền tệ bùng lên từ năm 2008 vẫn còn hoành hành gây hại. Thế nhưng theo ILO, chính chính sách “thắt lưng, buộc bụng” mới là nguyên nhân dẫn tới tình trạng thất nghiệp nói trên. Gần đây, nhằm ngăn chặn tình trạng nợ công tăng cao, nhiều nước đã tiến hành cắt giảm chi tiêu. Chẳng hạn Mỹ sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm tới, trong khi các nước châu Âu cũng tiết kiệm được hàng trăm tỷ euro.

Có điều các biện pháp tài chính khắc khổ và cải cách thị trường lao động đã gây ra “nhiều hậu quả to lớn” đối với việc làm. Các chính sách kinh tế khắc khổ, được nhiều nước phát triển và đang phát triển theo đuổi hiện nay để đối phó với nợ nần gia tăng, đang đe dọa tiến trình phục hồi kinh tế mong manh của các nền kinh tế thế giới, đặc biệt giảm các chương trình y tế và xã hội vốn có tác động sống còn đối với người nghèo, đồng thời mở rộng khoảng cách giàu nghèo và bất bình đẳng xã hội. 

Các nhà kinh tế thế giới cũng cảnh báo các chính sách “thắt lưng buộc bụng” có nguy cơ đưa nền kinh tế thế giới trở lại suy thoái, đẩy giá lương thực và tỷ lệ thất nghiệp tăng cao. Theo Giáo sư Tiến sĩ S. Dullien, người ta không được phép quên một nguyên tắc căn bản nhất là xem xét tỷ lệ nợ công trong mối tương quan của thành tựu phát triển kinh tế. Chính phủ nước nào cắt giảm ngân sách dành cho giáo dục đào tạo, tu bổ đường sá, làm tê liệt các doanh nghiệp bằng việc bổ sung thêm nhiều thủ tục quan liêu ngặt nghèo..., nước đó chớ nên hy vọng phát triển kinh tế bền vững.

ILO đang hối thúc chính phủ các nước khôi phục nguồn tín dụng cho các doanh nghiệp cỡ nhỏ nhằm tạo thêm việc làm, đồng thời tăng cường “các tường lửa” bảo vệ thị trường lao động, cũng như đưa ra những biện pháp hỗ trợ các lao động trẻ và các nhóm lao động dễ bị tác động khác. Theo ILO, nguy cơ bất ổn sẽ leo thang nếu các nước không thực hiện song song chính sách siết chặt chi tiêu với tạo công ăn việc làm.