Ngày đi làm cuối năm: Người cười, người "mếu"

ANTĐ - Ngày 5-2-2016 (tức ngày 27 tháng Chạp năm Ất Mùi) là ngày làm việc cuối năm, trước kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán Bính Thân 2016 dài ngày. Tương tự mọi năm, trong ngày làm việc này, có cơ quan “vắng như chùa Bà Đanh”, trong khi có những công việc đặc thù buộc người làm không thể rời vị trí.

Sau những tháng ngày làm việc liên tục, ngày làm việc cuối cùng của năm trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán dài ngày trở thành khoảng thời gian “vàng” để nhiều chị em, thậm chí có không ít cánh mày râu, tranh thủ đi sắm sửa. Tất nhiên, điều này chỉ xảy ra ở những cơ quan, đơn vị có lượng công việc nhẹ nhàng, đã hoàn tất từ trước.

Tại một cơ quan trên phố Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội), dù đã 8 giờ 30 sáng song bãi để xe còn khá vắng vẻ.

“Ngày này năm nào cũng thế, vì công việc thì đều đã ổn ổn rồi! Chỗ mình có người trực phụ trách, nên những người khác không quá nặng nề công việc. Lại là ngày cuối cùng, ai cũng tranh thủ sắm sửa, kẻo sát tết quá, vừa khan hàng mà giá cả còn bị đẩy lên cao. Có nơi chỉ làm tới cuối giờ sáng là đóng cửa thôi, vì có làm thêm một buổi nữa cũng không giải quyết được gì cả”, anh P.K.P làm việc tại cơ quan trên chia sẻ.

Nhu cầu nhiều song thời gian có hạn, nhiều người coi ngày làm việc cuối năm là "giờ vàng" để tranh thủ mua bán

Cũng chung hoàn cảnh như vậy, chị N.M.V làm việc tại một đơn vị hành chính trên phố Hoa Lư bày tỏ: “Ngày này có ngồi làm việc cũng không yên được. Trên Facebook thì ầm ầm ảnh chụp đi hội chợ này, hội chợ kia, rồi các chị em í éo gọi nhau mua sắm. Nhà mình mọi công việc đều do một tay mình lo hết, nên những ngày qua vẫn phải đi làm, chỉ tranh thủ mua sắm được ít đồ về bên nội ngoại. Chứ ở nhà chưa mua được món gì cả, cành đào cây quất cũng chưa có. Nên ngồi ở đây một lúc, mình lại phải tranh thủ xin về sớm để mua bán cho yên tâm”.

Theo chị V, ngay từ những hôm trước, ở cơ quan chị đã có “phong trào” nhắn nhủ nhau hẹn tới ngày làm việc cuối cùng thì đi mua sắm cùng nhau.

“Vừa vui, vừa được việc. Chứ nghỉ rồi thì mấy ai hẹn hò nhau để đi mua bán nữa”, chị V cho biết thêm.

Với tâm lý “không thể ngồi yên” như vậy, nên có thể dễ dàng nhận thấy ở các hội chợ, siêu thị đồ tiêu dùng, chợ cóc hay chợ cây cảnh đều xuất hiện rất nhiều chị em, anh em mặc đồ văn phòng, đeo nguyên thẻ tên và cố gắng mua sắm những món đồ còn thiếu cho gia đình.

“Tết đến nơi rồi, các sếp cũng thông cảm. Vì chỉ còn ngày cuối cùng này, tới mai là 29, coi như 30 Tết (năm nay là tết “thiếu” – PV) thì mua sắm may rủi lắm. Có khi ăn may thì mua rất rẻ, hoặc là vô cùng đắt mà còn chẳng có hàng ấy”, anh N.H (Hai Bà Trưng, Hà Nội) nói vội trong lúc nâng lên đặt xuống một cành đào phai.

Tuy nhiên, không phải ai cũng được “cười” vì thoải mái, rảnh rang trong ngày làm việc cuối năm như vậy. Rất nhiều người phải “mếu” vì đặc thù công việc không thể vắng mặt.

Cô N.T.H (cán bộ tiếp nhận giấy tờ của UBND phường) lắc đầu: “Chỗ tôi ở ngay gần chợ cóc đây, mà không thể đứng dậy mua bán gì hết. Vì mình làm công việc tiếp nhận, xử lý yêu cầu, đơn từ… của người dân. Cho nên đúng giờ quy định là phải có mặt, hết giờ mới được đứng dậy, cho dù ở đây không phải trực tết. Nếu vào làm việc mà không thấy mặt mình thì họ biết ngay, nên dù xung quanh là không khí mua sắm nhộn nhịp, mình vẫn phải nén lòng ngồi làm cho tới hết giờ”.

Trong khi người người nhà nhà có cơ hội sắm tết dịp cuối năm, CSGT cũng như những người làm một số nghề đặc thù khác thậm chí còn vất vả, bận rộn hơn

Tương tự như vậy, anh B.M.Việt (bác sỹ) cũng cho biết, công việc chỗ anh có tính đặc thù nên đã vào ngày trực thì dù có là tết đi chăng nữa, tinh thần làm việc vẫn không khác gì ngày thường, thậm chí còn vất vả hơn.

“Nếu bận rộn quá thì cũng chẳng còn thời gian mà để ý xem không khí mua sắm nhộn nhịp thế nào nữa. Một khi mình đã làm những nghề này thì xác định rồi. Tết cũng phải làm chứ huống gì… ngày làm việc cuối cùng của năm”, anh Việt vừa cười vừa chia sẻ.

Trong khi đó, trong ngày làm việc cuối năm, Trung sỹ Nguyễn Văn Hùng (CATP Hà Nội) vẫn miệt mài điều tiết giao thông ở ngã tư đông đúc. Chỉ tới khi dòng xe di chuyển thuận lợi, anh mới vuốt mồ hôi bày tỏ được đôi chút: “Nghề của mình xác định càng cuối năm càng vất vả. Người người nhà nhà đổ ra sắm tết, chở hàng, chở đồ đầy xe, cười nói vui vẻ, mình vẫn phải đứng đảm bảo thực hiện nhiệm vụ được giao, công việc ở nhà để mọi người lo cả, đôi lúc thấy hơi tủi thân một chút. Nhưng nói chung làm lâu thì quen cả, hơn nữa, tới lúc cao điểm, không có CSGT điều tiết thì giao thông ở đây hỗn độn lắm. Giữ vai trò đảm bảo đường sá thông suốt, cho mọi người yên tâm sắm tết, bọn mình cũng có niềm vui riêng đấy chứ”.

Dường như năm nào cũng vậy, ngày làm việc cuối năm luôn có những người cười, người “mếu” vì đặc thù công việc khác nhau. Nhưng dường như tất cả đều có chung một ước muốn, đó là hoàn thành công việc của mình để không còn mệt đầu lo lắng, và tranh thủ mua sắm khi có thời gian, để có một khoảnh khắc sum vầy ý nghĩa bên gia đình, người thân.