Nhân 64 năm ngày thương binh liệt sỹ 27-7-1947/27-7-2011):

Ngày đi gặp cha tôi

ANTĐ - Hơn 30 năm sau khi đất nước hoà bình, thống nhất, mẹ mới được gặp cha tôi ở nghĩa trang Cần Giuộc, tỉnh Long An.
Tôi hình dung trước mắt mình hình ảnh mẹ lụi cụi thắp hương, bóng mẹ nhỏ thó giữa bạt ngàn bia mộ trắng toát. Cuộc chia tay ở Văn Miếu sáng xuân 1968 cũng là cuộc chia ly đằng đẵng 43 năm mẹ gói lại bao nhớ thương, ngày lại ngày, một mình cõng trên lưng hai đứa con cùng bà mẹ chồng gần đất xa trời, tay khâu áo, nuôi lợn, trồng rau, tay dọi mái nhà, sửa đồ... cho chị em tôi đủ cơm ăn áo mặc, sách bút... học hành nên người. Em tôi đi bên mẹ, chỉ biết khuôn mặt cha trên ảnh thờ và những câu chuyện mẹ kể, tóc cũng đã điểm bạc. Cuộc gặp mặt đặc biệt ở Cần Giuộc, buồn vui lẫn lộn. Nhìn mẹ mang va li chỉ toàn hương, “tiền vàng” để làm lễ cho cha và đồng đội của cha, tôi chợt nghĩ, có hành khách nào trên máy bay mang hành lý đặc biệt như mẹ tôi không? Và còn bao nhiêu các mẹ, các chị chưa tìm thấy con, thấy chồng trong triệu triệu ngôi mộ khuyết danh? Hành trình tìm cha tôi, đến hôm nay, ngày 23-7-2011 mới được khép lại trong nỗi mừng mừng tủi tủi.
Ngày  đi gặp cha tôi ảnh 1
Cha mẹ chị Thanh ngày trẻ
Trong cái nắng oi ả của Hà Nội, tôi nghe trên điện thoại lời nói mộc mạc, chân chất của ông Võ Văn Bực - Phó Chủ tịch Hội chữ thập đỏ xã Phước Lâm, người đã hết lòng giúp tôi trong chuyến đi tìm cha, nay lại tận tình giúp gia đình tôi đưa cha về quê nhà - mà như nhìn thấy những đôi mắt ầng ậc nước, những khuôn mặt xúc động khi mẹ tôi khóc. Lễ thắp hương trang trọng trên đài liệt sĩ có mặt đông đủ các anh phụ trách công tác thương binh xã hội huyện Cần Giuộc và xã Phước Lâm. Sau đó, các anh đưa mẹ tôi xuống tận cầu Hội-địa điểm cha tôi và ông Nguyễn Xuân Hưng, người cùng huấn luyện với cha tôi ở Chi Nê (Hoà Bình) cuối năm 1967 và vào chiến trường B cùng ngày 13-1-1968, còn sống sót trong trận đụng giặc phục kích ở Cần Giuộc, vượt qua trong đêm cuối cùng đi tải lựu đạn và bị giặc phục kích trên cánh đồng. Bức ảnh kỷ niệm trên cầu Hội thấm sâu tình nghĩa Bắc Nam ngày gặp mặt như có cha tôi đang mỉm cười. Ông Bực không nén nổi xúc động nói qua điện thoại: “Mẹ cháu mời chú ra Hà Nội dự lễ truy điệu cha cháu, còn số tiền 2.000.000 đồng nhuận bút cháu gom lại gửi vào ủng hộ nạn nhân chất độc da cam, xã sẽ trao cho 4 em bị nhiễm độc nặng nhất như ý cháu”. Tôi xúc động hỏi: “Các em ở độ tuổi nào ạ” - “Từ 12 tuổi trở xuống”. Lòng hẹn lòng, nhất định tháng 10 tới, vào Cần Giuộc đưa cha tôi về quê hương quây quần cùng tổ tiên gia tộc, tôi sẽ đến nhà thăm các em.
Em ơi đừng buồn đừng khóc nữa!
Xuân này ta tạm phải xa nhau
Để rồi hứa hẹn một xuân sau
Mùa xuân chiến thắng xuân thống nhất
Gia đình đoàn tụ thật huy hoàng
  Tôi đọc lại những câu thơ của cha tôi để lại trong di cảo và cuộc trùng phùng hôm nay nói không hết bao điều... Những ngôi mộ liệt sĩ im lặng, một thời máu lửa đã qua trong dòng sông thời gian không ngừng trôi, chỉ có đôi mắt của mẹ và của các em ngây thơ bị tật nguyền cứ nhoi nhói cứa mãi vào lòng.