Ngày đầu tiên vận hành hệ thống "lắng nghe dân"

ANTD.VN - Với phương châm “Mọi phản ánh, kiến nghị của người dân đều được Chính phủ lắng nghe”, Chính phủ vừa đưa vào hoạt động Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn. 

Chính phủ quyết tâm xây dựng nền hành chính liêm chính, phục vụ nhân dân

Ngày 4-4, ngày đầu tiên sau khi thông tin trên được Văn phòng Chính phủ công bố, nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và người dân đã lên tiếng hoan nghênh, bày tỏ sự ủng hộ và cho rằng nếu làm tốt công tác này sẽ thực sự đưa Chính phủ đến gần hơn với người dân.

Chính phủ gần dân hơn

Biết thông tin Chính phủ vừa đưa vào vận hành Hệ thống tiếp nhận, trả lời phản ánh, kiến nghị của người dân tại địa chỉ http://nguoidan.chinhphu.vn, anh Nguyễn Văn Đông - một người dân ở Thanh Trì, Hà Nội đang gặp vướng mắc về vấn đề cấp “sổ đỏ” cho căn hộ chung cư của mình - liền vào địa chỉ trang web nói trên để gửi phản ánh, kiến nghị. Sau khi điền đầy đủ thông tin và gửi câu hỏi, hệ thống lập tức gửi phản hồi là “Phản ánh kiến nghị của ông/bà đã được Văn phòng Chính phủ tiếp nhận và sẽ trả lời theo quy định”. 

Anh Đông rất phấn khởi khi có một kênh trực tuyến để người dân có thể trực tiếp phản ánh, kiến nghị đến Chính phủ như vậy. Tuy nhiên, trong phần phản hồi của hệ thống này không thông báo hay hẹn rõ ngày, giờ nào kiến nghị của anh sẽ nhận được trả lời khiến anh không thật sự thỏa mãn.

Hơn nữa, trong phần điền thông tin người gửi câu hỏi kiến nghị, hệ thống yêu cầu phải nhập đầy đủ tên, địa chỉ email, số điện thoại… trong khi nhiều người gửi những phản ánh liên quan đến những vấn đề nhạy cảm không muốn đưa danh tính thật. Anh Đông cho rằng, điều này khiến một số người dân muốn phản ánh hiện tượng tiêu cực vẫn còn băn khoăn.

Trao đổi với phóng viên Báo ANTĐ về vấn đề này, ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) chia sẻ: “Sáng 4-4, khi đọc được thông tin Chính phủ chính thức vận hành hệ thống trực tuyến tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của người dân và sẵn sàng lắng nghe mọi phản ánh của người dân, tôi đã ngay lập tức chia sẻ thông tin này trên trang facebook cá nhân để người dân cùng biết”. 

Theo ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh, việc này không những đưa Chính phủ gần dân hơn, minh bạch hơn mà còn thể hiện quyết tâm cải cách hành chính, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động điều hành và xây dựng Chính phủ điện tử cũng như việc Chính phủ đã đi tiên phong trong thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. “Vấn đề là làm sao để hệ thống vận hành tốt, hiệu quả chứ không chỉ hình thức. Tôi tin một khi đã quyết tâm cao như vậy thì Chính phủ sẽ làm được” - ĐBQH Trần Thị Quốc Khánh cho biết.

Quốc hội cũng muốn kết hợp

Trong khi đó, ĐBQH Nguyễn Thanh Hải - Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, việc sẵn sàng lắng nghe mọi ý kiến của người dân thể hiện quyết tâm lớn của Chính phủ trong việc xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo. Không chỉ hoan nghênh và ủng hộ chủ trương này mà bà Nguyễn Thanh Hải chia sẻ, Ban Dân nguyện cũng có chức năng tiếp nhận, tổng hợp ý kiến, phản ánh của cử tri cả nước nên rất mong muốn và sẵn sàng hợp tác với Văn phòng Chính phủ để làm tốt hơn công tác tiếp nhận, trả lời phản ánh của nhân dân. “Nếu Ban Dân nguyện và Văn phòng Chính phủ hợp tác được với nhau thì người dân sẽ là người được hưởng lợi nhiều nhất” - ĐBQH Nguyễn Thanh Hải nói.

Nói về việc Chính phủ đưa vào vận hành hệ thống này, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, đây là kênh thông tin tương tác mới giữa Chính phủ với người dân, thể hiện hành động quyết liệt phục vụ nhân dân. Với hệ thống này, người dân dễ dàng truy cập hệ thống từ máy vi tính, thiết bị di động được kết nối internet để gửi, theo dõi, nhận kết quả trả lời phản ánh, kiến nghị của mình về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính hay về hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc không thực hiện, thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết thủ tục hành chính… Thông qua hệ thống, cơ quan hành chính Nhà nước các cấp sẽ tiếp nhận, trả lời những phản ánh, kiến nghị của người dân theo từng lĩnh vực, từng cơ quan xử lý. 

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng khẳng định, Văn phòng Chính phủ là cơ quan tổng hợp chung những phản ánh, kiến nghị của người dân, trên cơ sở đó phân nhiệm vụ, giao cho các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị này phải có trách nhiệm trả lời. Đặc biệt, thông qua hệ thống, người dân, doanh nghiệp có thể đánh giá, chấm điểm việc trả lời của các cơ quan chức năng.