Ngày đầu đóng phí sử dụng đường bộ: Băn khoăn về chất lượng đường sá

ANTĐ - Chủ sở hữu ô tô, doanh nghiệp vận tải bắt đầu phải đóng phí sử dụng đường bộ kể từ 2-1-2013. Dù trước đó có nhiều “kêu ca”, nhưng qua ngày đầu tiên thực hiện thu phí cho thấy, hầu hết chủ phương tiện đều thực hiện và ai cũng mong muốn “đồng phí” mình đóng phải được sử dụng minh bạch, có hiệu quả, chất lượng đường sá được cải thiện.

Nhiều chủ phương tiện đã đến kiểm định và nộp phí sử  dụng đường bộ trong ngày đầu tiên 2-1

Hơn 7 tỷ đồng phí thu về trong sáng đầu tiên

Ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm cho biết, ngày 2-1  là ngày đầu tiên ô tô thực hiện nộp phí sử dụng đường bộ, nên tại các Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới đều đông hơn thường ngày. Tuy nhiên, không cần phải đóng phí dồn dập, người điều khiển phương tiện, chủ doanh nghiệp vận tải có thời gian đến hết ngày 30-6, sau ngày này lực lượng chức năng mới xử phạt hành chính. Cục Đăng kiểm vừa có văn  bản gửi Cục CSGT đường bộ, đường sắt về việc này.

Cũng theo ông Giao, tại hầu hết các Trung tâm đăng kiểm, việc triển khai thu phí sử dụng đường bộ cùng với việc kiểm định xe không gặp khó khăn hay ùn ứ. Thủ tục khai và nộp phí cũng đơn giản, chủ phương tiện khi đưa xe vào các Trung tâm sẽ nhận được 1 bản khai với một số thông tin như họ tên, số điện thoại liên hệ, lựa chọn đóng phí theo chu kỳ kiểm định hay theo năm. Nhân viên thu phí sẽ nhập dữ liệu vào máy. Khi xe kiểm định xong sẽ có biên lai và tem dán chứng nhận. “Nếu như trước kia, trung bình mỗi ô tô kiểm định mất 45 phút thì nay kéo dài thêm khoảng 15 phút”, ông Giao cho biết. Chu kỳ kiểm định tùy thuộc vào độ tuổi của xe, xe mới thì chu kỳ kiểm định có thể lên tới vài năm, nhưng xe càng cũ thì chu kỳ kiểm định càng ngắn, có thể là 3-6 tháng/lần. 

Cũng theo Cục Đăng kiểm, đến 12h trưa 2-1, cả nước đã có 3.789 xe ô tô nộp phí sử dụng đường bộ với số tiền hơn 7 tỷ đồng. Trong đó, Trung tâm 50-07B tại TP Hồ Chí Minh có mức xe đến kiểm định, nộp phí cao nhất là 107 xe, Trung tâm 29-06B tại Hà Nội hơn 80 xe với mức thu về hơn 80 triệu đồng… Hiện, cả nước có 108 Trung tâm và chi nhánh đăng kiểm, Hà Nội có 10 Trung tâm, TP Hồ Chí Minh có 10 Trung tâm, còn lại rải rác ở các tỉnh thành khác. Cũng theo thống kê, cả nước có 1,7 triệu xe ô tô và hơn 37 triệu xe gắn máy.

Đường sá sẽ tốt hơn sau 1-2 năm?

Anh Vũ Xuân Nam, trú tại  Hàng Chiếu, Hoàn Kiếm cho biết: “Tôi đang sở hữu một ô tô cá nhân dưới 9 chỗ, cũng vừa đến hạn kiểm định. Hôm nay  đưa xe đi “khám” và nộp phí sử dụng đường bộ luôn”. Theo khung nộp phí quy định, xe anh Nam phải đóng 130.000 đồng/ tháng, tính tổng chung 1 năm là 1,56 triệu đồng. “Mức phí đóng cả năm cũng chỉ bằng một tháng gửi xe trong khi nếu nộp vào quỹ thì hệ thống đường sá sẽ được nâng cấp, thuận tiện cho việc đi lại,” anh Nam tin tưởng.

Theo ông Hoàng Xuân Thảo, Phó Trạm trưởng Trạm Đăng kiểm 29-03S (Ngọc Khánh, Ba Đình), trong ngày 2-1, đã có 70 xe tới kiểm định và nộp phí sử dụng phương tiện. “Đến thời điểm này chưa có trường hợp nào người dân thắc mắc”, ông Thảo đánh giá. Trong ngày đầu tiên, ông Thảo cho biết, đối tượng đến kiểm định và đóng phí chủ yếu tập trung ở các cơ quan và doanh nghiệp, chỉ có lác đác vài trường hợp cá nhân đến “khám” và nộp phí.

Về kiến nghị của một số doanh nghiệp vận tải lớn, có nhiều phương tiện xin nộp phí sử dụng đường bộ theo tháng, ông Giao cho biết, Nghị định của Chính phủ cũng như Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính đều không có quy định về việc này. “Song, tại cuộc họp tháo gỡ vừa qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường cho biết, nếu doanh nghiệp nào  có nhu cầu đóng theo tháng thì đến làm hợp đồng với các Trung tâm đăng kiểm. Hợp đồng để đảm bảo tính trách nhiệm, đúng hẹn và là cơ sở để Trung tâm đăng kiểm kiểm soát việc nộp phí”, ông Giao nói.

Mặc dù nhiều người dân khi đóng phí sử dụng đường bộ đều đồng tình song cũng đề cập đến hiệu quả sử dụng quỹ. “Chủ xe như tôi đồng ý với mức phí này. Tuy nhiên, nguồn thu của quỹ  bảo trì đường bộ phải được sử dụng minh bạch và công khai nhằm phục vụ lợi ích của người dân tham gia giao thông”, anh Nam bày tỏ. Trả lời vấn đề này, ông Giao cho rằng, ngay lập tức thì chưa thể tốt lên được, nhưng chắc chắn 1-2 năm tới, đường sá sẽ tốt hơn trước vì có kinh phí để duy tu, bảo trì thường xuyên hơn. Bên cạnh đó, ông Giao cũng dự đoán, cước vận tải có thể sẽ tăng do các doanh nghiệp điều chỉnh để bù chi phí đầu vào.

Mức phí sẽ được giảm trừ theo các lần đóng

Mức phí tối thiểu đối với  xe máy là 50.000 đồng/xe/năm, cao nhất là 150.000 đồng/xe/năm. Còn ô tô, mức phí thấp nhất là 130.000 đồng/xe/tháng, cao nhất là 1.040.000 đồng/xe/tháng. Mức phí bảo trì đường bộ căn cứ vào dung tích xi lanh, đời xe, năm sản xuất... Mức phí  được tính giảm dần theo số lần đóng quỹ. Lần 2 sẽ giảm 8% so với lần 1; lần 3 có thể giảm từ 10-12% so với lần thứ nhất.