Ngày càng nhiều người mắc “bệnh lạ” do… thuốc

ANTĐ - Những trường hợp mắc các chứng bệnh lạ đang xuất hiện ngày càng nhiều ở nước ta khiến giới khoa học đau đầu lý giải. Ngoài các nguyên nhân do môi trường, thực phẩm, biến đổi gene thì số mắc “bệnh lạ” do phản ứng có hại của thuốc thường gặp hơn cả.

Vợ chồng chị Nguyễn Thị Phượng 26 tuổi, ở Bến Tre - người bị biến chứng do sử dụng thuốc


Nữ thành nam, trẻ thành già

Trong số những chứng “bệnh lạ” xuất hiện gần đây, đáng nói phải kể tới chứng “bệnh lạ” trên da đang hành hạ hàng chục hộ dân ở huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) và Mường Chiềng (Hòa Bình). Mới nhất và sửng sốt hơn cả là trường hợp chị Nguyễn Thị Phượng ở Giồng Trôm (Bến Tre), dù mới 26 tuổi nhưng sau thời gian điều trị bệnh dị ứng bằng thuốc nam, gương mặt chị bỗng chốc nhăn nhúm lại, biến thành mặt bà già 70 tuổi. Những người trong giới y học nước nhà dù được tiếp xúc trực tiếp hay chỉ đọc thông tin qua báo chí đang tích cực đưa ra các lý giải khác nhau về nguyên nhân gây bệnh “biến trẻ thành già” này. Giả thiết về bệnh tế bào vón được nghĩ đến nhiều nhất và cũng được cho là chính xác nhất. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia còn cho rằng có thể bệnh nhân bị mắc kèm thêm một bệnh khác hoặc do tác dụng phụ của corticoid có trong thuốc chữa dị ứng mà bệnh nhân đã sử dụng suốt 5 năm trước đó.

Trao đổi với chúng tôi, PGS.TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Trung tâm Dị ứng Miễn dịch lâm sàng - BV Bạch Mai cho rằng, để chẩn đoán chính xác nguyên nhân bị lão hóa mặt cần phải có các chẩn đoán sinh thiết da, di truyền, gene học, tầm soát trên toàn bộ cơ thể, các bệnh ác tính để tìm nguyên nhân. Tuy nhiên, tiền sử bệnh nhân có 5 năm điều trị dị ứng và sử dụng thuốc nam nên cũng có thể bệnh nhân bị dị ứng corticoid có trong thuốc nam và nhiều thuốc khác.

Trường hợp của chị Phượng có thể là bệnh lão hóa “lạ” nhất từng gặp ở nước ta trước nay, nhưng đó không phải là trường hợp duy nhất. PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết, tại Trung tâm Dị ứng miễn dịch lâm sàng đã từng có khá nhiều trường hợp bị biến đổi da, lão hóa (già đi) do gặp biến chứng hoặc phản ứng có hại của thuốc, phổ biến nhất là các loại thuốc chứa corticoid. Theo TS. Đoàn, nhiều người có cơ địa dị ứng rất nhạy cảm với corticoid. Có người sau uống vài viên thuốc hoặc 1 ống thuốc, sau 1-23 ngày, ống đường tĩnh mạch tăng đến 2-3 kg, làm huyết áp, đường huyết tăng cao. Trên một số người rất nhạy cảm, nhạy cảm quá mức có thể dẫn tới những tác dụng không mong muốn như lông mọc ở khắp người, có người tăng cân đột biến, có trường hợp (nữ, 37 tuổi, điều trị tại trung tâm) sau 8 năm dùng corticoid bỗng mọc ria mép và lông phát triển như nam giới… Đặc biệt, cũng có người da đang căng nhưng khi ngừng thuốc đột ngột thì da xẹp dẫn đến lão hóa nhanh (làm cơ thể già đi, dù vậy quá trình giá hóa do phản ứng có hại của thuốc thường xảy ra chậm và trên toàn bộ cơ thể chứ không chỉ ở một bộ phận như trường hợp chị Phượng (chỉ mặt già đi). 

Nâng cao “cảnh giác dược”

Các bác sĩ cho biết, với những trường hợp mắc “bệnh lạ” thì dù do bất cứ nguyên nhân nào, việc điều trị hết sức khó khăn. Điều quan trọng nhất là phải xác định được nguyên nhân gây bệnh, từ đó tác động để cắt đứt nguyên nhân thì mới hy vọng điều trị hiệu quả, dù khả năng hồi phục hoàn toàn hầu như không thể. Chẳng hạn với trường hợp của chị Phượng ở Bến Tre, PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn cho biết, bệnh của chị là tế bào vón cục bộ do biến chứng của corticoid nên có thể điều trị được nhưng rất lâu dài và không thể hồi phục lại như trước. Còn nếu muốn điều trị hiệu quả tức thì bằng phẫu thuật thẩm mỹ thì khả năng tái phát rất nhanh do không cắt đứt được nguyên nhân gây lão hóa. Cũng may là dù khuôn mặt già nua như bà lão 70 tuổi nhưng các bộ phận khác của chị Phượng vẫn giữ sự “trẻ trung” của phụ nữ tuổi 26 nên chị vẫn có thể sinh con bình thường.

Vậy làm thế nào để giảm bớt những trường hợp bị biến chứng nguy hiểm, mắc các căn “bệnh lạ”, nan y, khó điều trị? PGS.TS Nguyễn Văn Đoàn cảnh báo, chính tình trạng lạm dụng quá mức, sử dụng bừa bãi các loại thuốc không theo chỉ định của thầy thuốc gia tăng khiến số người bị phản ứng có hại của thuốc, dẫn đến mắc các “bệnh lạ” trong cộng đồng gia tăng. Chẳng hạn nhóm thuốc kháng sinh chiếm vị trí hàng đầu (77,8%) trong số các nhóm thuốc có nguy cơ gây phản ứng có hại và chỉ được bán, sử dụng theo kê đơn, thế nhưng trong thực tế thuốc kháng sinh vẫn được bán tràn lan, sử dụng tùy tiện. Hay các loại thuốc đông y vốn được coi là ít độc hại, song thực tế còn có thể độc hại hơn cả thuốc tây do sử dụng nhiều vị, thậm chí một số thầy lang vì lợi nhuận còn nghiền, pha trộn corticoid và nhiều hoạt chất từ thuốc tây y khác vào phương thuốc để tăng hiệu quả điều trị mà không quan tâm đến tác hại khôn lường có thể gây ra cho người bệnh.

Do vậy, nâng cao cảnh giác dược trong ngành y, nâng cao ý thức sử dụng thuốc của người dân đóng vai trò quyết định.