Người dân mua sắm tại siêu thị ở Manchester, Anh |
Cuộc thăm dò do YouGov thực hiện mới đây cho thấy số người Anh coi quyết định “chia tay” Liên minh châu Âu (EU) là đúng đắn đang ở mức thấp nhất kể từ sau cuộc trưng cầu ý dân vào năm 2016, với chỉ 33% số người được hỏi đồng tình với quyết định này. Hầu hết cử tri đều ủng hộ việc Anh trở lại EU, trong đó có gần 17% số người từng ủng hộ Brexit thay đổi quan điểm.
Trong khi đó, tờ The Independent đã đưa ra những so sánh về các kỳ vọng trước cuộc bỏ phiếu năm 2016 với thực tế hiện nay. Theo đó, một trong những lời hứa nổi bật của chiến dịch bỏ phiếu rời EU (Vote Leave) là Brexit sẽ giải phóng gánh nặng đóng góp tài chính cho EU, giúp Anh có 350 triệu bảng Anh (434 triệu USD)/tuần để chi cho Dịch vụ y tế quốc gia (NHS). Mặc dù kinh phí dành cho NHS tăng đáng kể sau Brexit, đặc biệt trong thời kỳ đại dịch, nhưng không có bằng chứng cho thấy khoản đóng góp tài chính của Anh cho EU được sử dụng cho dịch vụ này. Thay vào đó, Brexit khiến số lượng y tá từ các nước EU đến Anh giảm mạnh, góp phần vào tình trạng thiếu nhân sự trong ngành y tế, trong khi các quy định mới về xuất nhập khẩu sang EU sau Brexit là một nguyên nhân gây thiếu hụt nguồn cung thuốc trong ngành y tế Anh. Một điểm hấp dẫn khác của Brexit là vấn đề nhập cư với cam kết Anh sẽ giành lại quyền kiểm soát biên giới bên ngoài EU. Phần lớn chiến dịch Vote Leave tập trung vào vấn đề nhập cư, cảnh báo tình trạng này sẽ tiếp tục gia tăng nếu người Anh bỏ phiếu ở lại khối.
Tuy nhiên, việc Anh rời EU không ảnh hưởng đến lượng nhập cư ròng, khi số người nhập cư vẫn tăng cao kỷ lục. Số người nhập cư thực tế đến Anh trong năm 2023 lên tới 900.000 người, cao hơn gần 4 lần so với năm 2016 khi diễn ra cuộc trưng cầu ý dân về Brexit.
Bên cạnh đó, Vote Leave cũng hứa hẹn Anh sẽ thịnh vượng với tư cách một quốc gia độc lập. Tuy nhiên, số liệu chính thức của chính phủ cho thấy Brexit dự kiến sẽ khiến quy mô nền kinh tế Anh giảm 4% trong dài hạn, gây thêm áp lực đối với thuế và các dịch vụ công.
Số liệu chính thức do The Independent công bố cho thấy hiện vẫn chưa thấy hết tác động của Brexit. Đây cũng là lời cảnh báo cho những người cho rằng thiệt hại của Brexit sẽ kết thúc sau 5 năm kể từ khi Anh chính thức rời EU. Theo ước tính mới nhất của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách Anh, chỉ có 40% tác động của Brexit được phản ánh qua nền kinh tế với thương mại Anh - EU giảm do các quy định mới về xuất nhập khẩu kìm hãm doanh nghiệp, trong khi 60% vẫn chưa được cảm nhận.
Ngoài ra, chiến dịch Vote Leave cũng cho rằng EU là nguyên nhân khiến chi phí sinh hoạt của người Anh tăng, đưa ra cam kết Anh sẽ bãi bỏ thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với hóa đơn tiền điện hộ gia đình sau Brexit, giúp mỗi gia đình tiết kiệm 64 bảng/năm.
Trên thực tế, thuế VAT hóa đơn tiền điện vẫn chưa được bỏ và sau Brexit, hóa đơn tiền điện và chi phí sinh hoạt tăng mạnh, chủ yếu do cuộc xung đột ở Ukraine. Tuy nhiên, Brexit được cho là nguyên nhân làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tại Anh do căng thẳng thương mại gia tăng, đẩy giá thực phẩm lên cao.
Một lợi ích lớn khác từ Brexit cũng được Vote Leave hứa hẹn là mối “quan hệ đặc biệt” sẽ mở cánh cửa cho một thỏa thuận thương mại toàn diện với Mỹ, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của Anh. 5 năm sau khi giành lại quyền ký kết các thỏa thuận thương mại độc lập, Anh vẫn chưa đạt được một thỏa thuận với Mỹ. Và ngay cả khi một thỏa thuận được hiện thực hóa, phạm vi của thỏa thuận có thể sẽ nhỏ hơn nhiều so với kỳ vọng trước cuộc bỏ phiếu. Khác xa với viễn cảnh Anh đạt được các thỏa thuận thương mại đủ để bù đắp cho tổn thất về thương mại với EU, Brexit dự kiến khiến thương mại Anh giảm 15% trong dài hạn.