Ngày 21-5: Khai mạc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII

ANTĐ - Chiều 17-5, Văn phòng Quốc hội (VPQH) đã tổ chức họp báo về kỳ họp thứ 3, Quốc hội (QH) khóa XIII. Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH Nguyễn Sỹ Dũng cho biết, kỳ họp sẽ kéo dài 32 ngày (từ 21-5 đến 21-6), trong đó có 25 ngày làm việc chính thức. 

Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, nội dung chính của kỳ họp là bàn về công tác lập pháp. Dự kiến QH sẽ xem xét, thông qua 13 dự án luật, 7 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật. 13 luật được thông qua gồm: Luật Bảo hiểm tiền gửi; Phòng, chống rửa tiền; Giáo dục đại học; Phòng, chống tác hại của thuốc lá; Bộ luật Lao động sửa đổi; Luật Giá; Công đoàn (sửa đổi); Giám định tư pháp; Phổ biến, giáo dục pháp luật; Xử lý vi phạm hành chính; Quảng cáo; Tài nguyên nước (sửa đổi) và Luật Biển Việt Nam. Trong số 7 nghị quyết được QH thông qua, đáng chú ý có Nghị quyết về các giải pháp giảm thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và cá nhân; Nghị quyết về đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH… 

Về công tác giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng, QH sẽ xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá bổ sung tình hình kinh tế xã hội - ngân sách năm 2011 và những tháng đầu năm 2012. QH cũng sẽ giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghiên cứu và cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng nâng cao hiệu quả, năng suất và năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. 

Về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH có nội dung bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu. Đây là nội dung không mới vì đã được quy định trong Luật Tổ chức QH, tuy nhiên điều kiện “phải có 20% số ĐBQH nhất trí bỏ phiếu tín nhiệm” thì kỳ họp này sẽ sửa để cố gắng hàng năm QH sẽ bỏ phiếu tín nhiệm các chức danh do QH bầu (Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, các thành viên Chính phủ và các thành viên UBTVQH). Song việc bỏ phiếu tín nhiệm còn căn cứ theo quy chế, quy trình đối với từng đối tượng.  

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc QH có yêu cầu Chính phủ báo cáo các vấn đề bức xúc như giải quyết khiếu nại tố cáo, phòng chống tham nhũng… hay những vấn đề liên quan đến nhiều vụ cưỡng chế thu hồi đất vừa qua ở Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), ông Nguyễn Hạnh Phúc Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, báo cáo của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tập hợp ý kiến cử tri và báo cáo của Ban Dân nguyện cũng đề cập đến khiếu nại tố cáo. Riêng báo cáo phòng chống tham nhũng, theo thông lệ sẽ gửi ĐBQH vì là kỳ họp giữa năm và sẽ báo cáo tại hội trường vào kỳ họp QH cuối năm. 

Ông Nguyễn Sỹ Dũng cho biết thêm, tại kỳ họp thứ 3 này, trên cơ sở đề nghị của Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan liên quan, UBTVQH sẽ trình ra QH đề nghị xem xét tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Giữa 2 kỳ họp thứ 2 và thứ 3, Ban Công tác đại biểu (UBTVQH) đã tiến hành xác minh làm rõ một số vấn đề cụ thể và thấy rằng, trong quá trình kê khai hồ sơ ứng cử bà Hoàng Yến đã không trung thực. MTTQ tỉnh Long An và Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã xem xét và có văn bản gửi UBTVQH đề nghị bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến.

Xem xét việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến

Tại kỳ họp này, UBTVQH sẽ trình ra QH đề nghị bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến. Bà Yến cũng đã có đơn từ nhiệm. Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức QH, ĐBQH chỉ được từ nhiệm trong trường hợp sức khoẻ yếu nhưng đối với trường hợp bà Yến lại khác nên đương nhiên phải tiến hành bãi nhiệm. Để tiến hành bãi nhiệm bà Yến cần có 2/3 số ĐBQH bỏ phiếu đồng ý với đề nghị của UBTVQH. Việc QH xem xét đề nghị bãi nhiệm tư cách ĐBQH của bà Đặng Thị Hoàng Yến sẽ được tiến hành ngay đầu kỳ họp. Nếu kết quả bỏ phiếu sau đó với đa số phiếu đồng ý với việc bãi nhiệm tư cách ĐBQH thì bà Yến sẽ không được tiếp tục tham dự kỳ họp thứ 3.