Ngập nợ lô đề, nam sinh viên định gieo mình xuống sông

ANTĐ -Tin bạn, một sinh viên giỏi giang bỗng lạc đường sa vào cờ bạc đỏ đen. Bị món nợ khổng lồ dồn đuổi, cậu đã định thí mạng mình trả giá cho sai lầm đầu đời. Thật may, số phận vẫn còn chừa cho cậu một lối thoát

Trốn chạy chủ đề, suýt làm mồi cho hà bá

2h chiều, dòng xe cộ trên cầu Long Biên vốn đã di chuyển khó khăn càng chật như nêm. Tiếng còi bấm inh ỏi không át được những tiếng kêu khóc, gọi í ới của phụ nữ. Một đám đông xe máy và người đi bộ dừng lại ở đoạn giữa cầu. Tất cả hướng về phía cây cầu thang sắt nhô cao lên, nơi có một nam thanh niên mặc áo kẻ ca-rô khom người ra phía khoảng không.

Mỗi cơn gió qua, chiếc cầu thang lại chao đảo như muốn hất anh ta xuống sông. Từ phía làn đường bên kia, một thiếu nữ khóc nấc không thành tiếng, cô cất tiếng van xin: "Anh Nghĩa ơi, anh xuống đi.... Em xin anh đấy". Từ trên cao, người con trai cũng khóc nức nở đáp lại: "Anh không xuống đâu. Cứ để anh chết. Coi như bố mẹ anh không có đứa con bất hiếu này. Em hãy quên anh đi. Anh xin lỗi"...

 

Nhiều người đi đường cũng dừng lại, can ngăn: "Cháu ơi, chuyện gì cũng có cách để tháo gỡ. Cháu đừng chọn cách tiêu cực ấy, uổng phí mấy chục năm sống trên đời".

Người con trai chần trừ dừng lại. Nhưng tiếng điện thoại trong túi áo lạ réo vang, anh ta bấm máy trả lời: "Tao đền cho chúng mày nốt cái mạng này là cùng. Đừng đến làm phiền gia đình tao nữa". Nói rồi, anh ra ném thẳng chiếc điện thoại xuống sông. Quay lại phía người bạn gái đang nín thở không dám khóc, anh nói: "Chúng nó ép anh quá đáng. Anh hết đường rồi. Vĩnh biệt em" rồi co cẳng nhún lấy đà. Cô gái rú lên: "Anh mà nhảy xuống em cũng chết theo anh luôn đấy", rồi bám lấy lan can cầu định nhảy. Vừa lúc ấy có hai chiến sỹ mặc cảnh phục phóng xe ngược chiều cầu Long Biên hối hả lao tới. Các anh vừa thuyết phục, nhắc nhở người con trai định tự vẫn. Không hiểu vì sợ uy của các anh hay vì cách thuyết phục có tình có lý, chàng trai đã nguôi dần ý định tự vẫn.

Nhưng qua cơn "bốc hỏa rồi", chân tay rã rời run rẩy, anh ta định xuống thì bị trượt tay suýt chút nữa rơi xuống sông. Nhiều người nam giới khỏe mạnh đã phải xúm lại nín thở trèo lên đỡ anh ta xuống mặt cầu. Vừa cười, vừa khóc, anh thanh niên trẻ lộ vẻ vui mừng như người vừa từ cõi chết trở về, nói với mọi người: "May quá, suýt chút nữa thì tôi bỏ phí đời mình". Nhiều người thắc mắc hỏi tại sao anh ta lại có ý định tự vẫn. Rất hồn nhiên, chàng trái trẻ như măng trả lời: "Cháu bị chủ đề xiết mất cái nhà, bố mẹ cháu biết chắc đánh chết cháu. Cháu sợ quá nên muốn chết quách cho rồi. May quá có mấy anh công an cứu được. Nếu không giờ này chắc đã uống no nước rồi".

Khôn ba năm dại một giờ

Khi đã hoàn hồn, Nghĩa, tên chàng trai trẻ tự tử hụt, đồng ý cùng tôi quay lại ga Long Biên, tìm một quán trà để giãi bày tâm sự. Câu chuyện của Nghĩa khiến ai nghe cũng phải buồn cười, vừa thương vừa giận.

Nghĩa cho biết mình đang là sinh viên năm thứ ba ĐH Xây dựng. Quê gốc ở Nam Định nhưng đã trở thành công dân Hà Nội từ hai năm nay. Từ nhỏ đến lớn, Nghĩa là một học sinh ngoan, hiền, chăm chỉ và học rất khá đặc biệt là các môn Toán học, Vật lý. Bố mẹ của Nghĩa đều là những giáo viên có uy tín trong trường. Nghĩa là người anh lớn trong gia đình có hai anh em trai. Bởi vậy, bố mẹ cậu rất quan tâm, đầu tư để cho người con trai cả trở thành đầu tàu dẫn dắt em mình. Mọi ước mơ, hy vọng của bố mẹ đều dồn vào Nghĩa. Ý thức được điều đó, Nghĩa chưa bao giờ phụ lòng cha mẹ. Cậu còn dự định sau khi học xong sẽ tìm kiếm học bổng để đi nước ngoài du học.

Hết năm thứ nhất, bố mẹ Nghĩa đã rút hết tiền tiết kiệm chắt bóp bấy lâu và vay mượn anh em, bạn bè để mua cho Nghĩa một căn hộ tập thể cũ, diện tích ở khoảng 40m2. Theo ý ông bà, sau này em trai của Nghĩa sẽ theo chân anh đi học đại học. Hai anh em họ sẽ có nơi ăn chốn ở đằng hoàng. Sau khi tốt nghiệp, có công việc, nơi đây sẽ là tổ ấm để Nghĩa xây dựng gia đình. Điều ông bà chờ đợi chỉ là thời gian.

Nhưng ở đời không ai học được chữ ngờ. Sang năm thứ ba, Nghĩa ở một mình buồn chán nên rủ thêm mấy cậu bạn về ở cùng. Bạn cậu lại rủ thêm những người bạn khác đến chơi. Thời gian của họ không dành cho việc học nữa, mà chơi bài, sát phạt đỏ đen, tiếp bạn gái và rượu chè, chơi games. Ban đầu, Nghĩa đứng ngoài cuộc. Nhưng những lúc rảnh rỗi, không có việc gì làm, Nghĩa ngồi xem họ chơi. Từ một người chỉ biết chơi tú lơ khơ "tiến lên", Nghĩa dần thạo đến lọc lõi các trò "ba cây", "tá lả" từ lúc nào. Ban đầu họ đánh vui chỉ 1000 – 2000đ, rồi nâng dần lên 5000 - 10000đ/ván thắng, thua. Việc học hành cũng vì thế trở nên thất thường, trồi sụt.

Trong đám bạn hay lui tới có cậu rất thạo lô đề. Có hôm thắng "ba càng", được hẳn 10 triệu đồng, hắn rủ cả bọn đi khao, ăn uống, chơi bời thoải mái.

Trong cuộc chơi, cậu ta chỉ vẽ cho mọi người những mánh lới để đánh đề thắng được. Cả bọn nghe cứ háo hức muốn thử. Nghĩa không máu ăn thua nhưng vẫn không chối từ. Cậu bạn bấm điện thoại gọi chủ đề đặt cửa. Theo cậu ta, lúc này cậu đang vào cầu nên đánh đâu thắng đó. Mấy chú "ngựa non háu đá" nghe vậy nhao nhao rút tiền nhờ cậu ta đặt hộ. Nghĩa cũng đặt 100.000 đồng. Tối hôm ấy, cậu bạn nhắn tin Nghĩa thắng 7 triệu đồng, những người bạn khác cũng thắng kẻ ít người nhiều. Cậu ta hẹn Nghĩa sáng hôm sau tới đốn đi lĩnh thưởng.

Cầm trong tay món tiền to chưa bao giờ tự mình kiếm được như thế, Nghĩa cảm thấy rất phấn khích, thấy việc kiếm đồng tiền cách này quá dễ dàng. Không ngần ngại, Nghĩa rủ bạn đi nhậu "trả nợ miệng tẹt ga" rồi rút tiền đánh tiếp. Trong những lần tiếp theo, Nghĩa chỉ thắng được 2 lần nữa, rồi thua liên tiếp. Hết tiền, Nghĩa tiêu âm vào tiền học phí bố mẹ cho. Đến kỳ phải nộp học, Nghĩa quỳnh lên, hỏi vay lung tung mà không được. Cậu bạn rủ Nghĩa đến một nhà người quen làm ở hiệu cầm đồ, xin vay nóng, lãi suất 30%/tháng. Vay 10 triệu đồng, Nghĩa chỉ được cầm 7 triệu đồng, cắt lãi trước 3 triệu đồng. Hẹn đúng một tháng sau phải trả. Nghĩa đóng học phí hết 5 triệu đồng, thi quáng quàng hết môn rồi ôm sổ tính đề hòng kiếm tiền trả nợ. Hết một tháng, số tiền trả nợ chưa kiếm được mà tiền ghi nợ chủ đề đã lên tới hơn 100 triệu đồng.

 

Cậu bạn "tốt" quay lại hỏi han, rồi ân cần động viên: "Thôi, mày đen quá, giống tao khi trước. Để tao dẫn mày đi "giải đen". Nghĩa ngoan ngoãn đi theo cậu ta như đứa trẻ lạc. Cậu ta đưa Nghĩa đến một nhà nghỉ, ở đó có một nhóm con trai con gái đợi sẵn. Cả bọn quây quanh một chiếc bình thủy tinh, chuẩn bị "đập đá". Nghĩa cũng được mời dùng thử với lời khích lệ hút cái này vào dễ chịu lắm, quên hết buồn chán và lại khôn ngoan hơn, may mắn hơn". Chẳng hiểu họ nói những gì nữa, Nghĩa cũng lập bập hít một hơi. Sau đó sự việc như thế nào Nghĩa cũng không nhớ lắm.

Vài lần đi chơi như vậy, Nghĩa không thích nữa nên có ý định rút lui. Lúc này, cậu bạn mới thông báo cho Nghĩa biết số nợ của cậu đã lên tới hơn 2 tỷ đồng. Nghĩa choáng người vì không hiểu tại sao mình lại nợ nhiều đến thế. Nhưng những tin nhắn bằng chứng về việc Nghĩa đánh đề số lượng lớn đã khiến cậu không thể chối cãi. Cậu chỉ không xác định được những tin ấy tự tay mình soạn trong khi phê thuốc hay đã bị người khác mượn máy soạn rồi gửi. Số tiền nợ ấy cho dù phải bán cả căn hộ đang ở Nghĩa cũng không trả hết.

Nghĩ đến nỗi thất vọng, đau khổ mà bố mẹ phải chịu, Nghĩa đã gọi điện cho bạn gái, nói những lời vĩnh biệt rồi một mình đi bộ ra cầu Long Biên, định tự vẫn.

Đoạn tiếp theo, thì chúng ta đã biết.

Theo một cán bộ Phòng CSĐT tội phạm về TTXH, Công an TP Hà Nội, thủ đoạn của bọn tội phạm cờ bạc rất tinh vi. Ban đầu, chúng dẫn dụ "con mồi" bằng cách cho thắng một vài lần, ăn được chút tiền nhỏ. Sau khi con mồi đã say, chúng sẽ để cho thua mà cay. Càng thua càng cố gỡ, càng gỡ lại càng thua đau. Chúng còn thuê cò dụ con mồi đến vay tiền với những yêu cầu rất đơn giản, dễ dàng nhưng thủ đoạn tính lãi rất tinh vi, lừa bịp mà “con mồi" không thể hiểu hết, ngoan ngoãn ký vào giấy vay nợ với những điều khoản hết sức bất lợi. Chỉ khi bị xiết nhà, xiết nợ, “con mồi" mới tỉnh ra thì đã muộn

 Các máy chơi cờ bạc dù hiện đại đến đâu cũng do con người lập trình nên, nhằm phục vụ ý đồ thu lợi bất chính cao nhất của người thiết kế ra nó. Chỉ có cách duy nhất là tránh xa tất cả các trò này và phải có bản lĩnh để nhận ra, từ chối những chốn ăn chơi không lành mạnh. Cha mẹ có con ở tuổi vị thành niên cần phải quản lý chặt chẽ các quan hệ bạn bè, tiền nong chi tiêu và giáo dục con em nhận biết những cạm bẫy có thể gặp phải trên đường đời để phòng, tránh, khi không may sa ngã, chia sẻ kinh nghiệm với cha mẹ, người thân để có biện pháp hỗ trợ kịp thời thì hậu quả sẽ dễ khắc phục hơn rất nhiều. Muốn vậy, không có cách nào khác cha mẹ hãy làm bạn với con.