Ngành y tế Papua New Guinea trên “bờ vực sụp đổ” vì Covid-19 bùng phát mạnh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ông Reva-Lou Reva, Trợ lý Giám đốc quốc gia về chương trình hỗ trợ nhân đạo của Papua New Guinea phát hoảng khi nhận ra rằng lần đầu tiên các bệnh viện trên đảo quốc Thái Bình Dương này quá tải đến mức phải đóng cửa đón bệnh nhân vì đại dịch Covid-19. “Điều này rất đáng sợ, bởi khi thấy có bệnh, bạn không thể đến bất kỳ cơ sở y tế nào”, ông Reva nói.

Gần đây, Papua New Guinea đã xoay xở để ngăn chặn một đợt bùng phát Covid-19 lớn. Vào cuối tháng 2-2021, nước này mới chỉ ghi nhận 1.275 ca mắc, theo Đại học Johns Hopkins. Nhưng trong tháng 3, số ca nhiễm ở đây đã tăng hơn gấp 3 lần, với ít nhất 4.660 trường hợp nhiễm Covid-19 và 39 người tử vong, bao gồm cả nghị sĩ Richard Mendani, qua đời ở tuổi 53. Hôm 26-3, quốc gia này báo cáo có 560 ca nhiễm mới, cao nhất trong một ngày và Thủ tướng James Marape thừa nhận “dịch bệnh đang lan tràn trong cộng đồng”.

Hàng nghìn người dự lễ tang vị Tổng thống đầu tiên của Papua New Guinea

Hàng nghìn người dự lễ tang vị Tổng thống đầu tiên của Papua New Guinea

Không rõ dịch bùng phát do đâu

Mặc dù những con số này có vẻ không cao so với các quốc gia khác, nhưng đó là cả vấn đề lớn với Papua New Guinea, nơi chỉ có khoảng 500 bác sĩ, dưới 4.000 y tá, dưới 3.000 nhân viên y tế cộng đồng và chỉ có 5.000 giường bệnh với toàn bộ dân số khoảng 9 triệu người. Ngay từ 1 năm về trước, hôm 2-4-2020, Thủ tướng Marape phát biểu tại Quốc hội rằng: “Khả năng về y tế của chúng ta hiện có không đủ để chiến đấu trong trận chiến này”.

Hệ thống y tế của đất nước này rất mong manh nên các tổ chức phi Chính phủ đang cảnh báo rằng nó có thể đang ở “bờ vực sụp đổ”. Tỷ lệ xét nghiệm thấp cũng có nghĩa là số ca nhiễm trên thực tế ở Papua New Guinea cao hơn nhiều. Giới quan sát cho rằng, tình hình dịch bệnh ở đây có thể trở nên tồi tệ hơn vào tuần này, khi người dân ở quốc gia chủ yếu theo đạo Thiên chúa về quê nghỉ lễ Phục sinh.

Trong gần 1 năm qua, Papua New Guinea dường như đã xử lý tốt đại dịch. Ngày 20-3-2020, họ phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên là một người đàn ông đã đi du lịch từ Tây Ban Nha. Trong vòng 2 ngày, Thủ tướng Chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp, dừng tất cả các chuyến bay, hạn chế việc đi lại giữa các tỉnh.

Tuy nhiên, không rõ điều gì đã châm ngòi cho đợt bùng phát mạnh hiện nay. Quốc gia này có đường biên giới trên bộ với Indonesia, nơi đã có gần 1,5 triệu ca nhiễm Covid-19. Biên giới giữa hai nước bị đóng cửa, mặc dù vẫn có những trường hợp nhập cảnh trái phép. Tình hình lây nhiễm cũng có thể trở nên trầm trọng hơn sau lễ tang Thủ tướng đầu tiên của Papua New Guinea Michael Somare, người đã qua đời ở tuổi 85 vào cuối tháng 2 sau khi được chẩn đoán mắc bệnh ung thư tuyến tụy giai đoạn cuối. Hàng nghìn người tập trung tại lễ tang nhưng rất ít người đeo khẩu trang, ABC của Australia đưa tin.

Cuộc chiến chống thông tin sai lệch

Trong khi đó, thông tin sai lệch tràn lan khiến một số người vẫn chưa coi đây là mối đe dọa nguy hiểm. Nhà chức trách đã công bố hạn chế đi lại giữa các tỉnh và bắt buộc đeo khẩu trang. Quy định phòng chống đại dịch còn bao gồm cấm tụ tập đông người, đóng cửa trường học và có thể yêu cầu chôn cất tại một số ngôi mộ tập thể được chỉ định. Nhưng ông Reva, sống ở Goroka, tỉnh Tây Nguyên phía Đông của Papua New Guinea cho hay, “khoảng 20%” những người mà ông thấy có đeo khẩu trang.

Bên cạnh đó, Australia - nhà tài trợ lớn nhất của Papua New Guinea đã cung cấp 8.000 liều vaccine AstraZeneca để chương trình tiêm chủng bắt đầu triển khai vào tháng 4-2021. Đầu tháng này, Lực lượng Phòng vệ New Zealand cũng đã quyên tặng Papua New Guinea 4,4 tấn thiết bị bảo hộ cá nhân. Papua New Guinea cũng tham gia chương trình tiếp cận vaccine bình đẳng của Liên hợp quốc.

Mặc dù vậy, hôm 25-3, lãnh đạo phe đối lập, Belden Norman Namah, đã đề nghị chính phủ làm theo các quốc gia khác về việc đình chỉ triển khai vaccine Covid-19 của AstraZeneca. Ông Namah tuyên bố rằng chính phủ đang “để cho công dân đứng trước rủi ro nghiêm trọng khi làm “chuột thí nghiệm” để thử nghiệm thêm virus. Đáp trả điều này, Thủ tướng Marape ngày 26-3 đã kêu gọi “những kẻ phá bĩnh” hãy dừng lại. Ông nói: “Tôi không tạo ra Covid-19 trong phòng thí nghiệm ở đâu đó, tôi không nhập Covid-19 vào đất nước này. Chỉ là vì virus truyền từ người sang người, Covid-19 đã xâm nhập vào nước ta mặc dù chúng tôi đã cố gắng hết sức để giữ an toàn cho biên giới của mình”.